Ngay khi phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 chính thức được công bố, Trường THPT Mỹ Quý sẽ thông tin đến toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh và cha mẹ học sinh; đặc biệt là nội dung, hình thức và môn thi.
Nhà trường sớm khảo sát học sinh để nắm bắt năng lực học tập, sở trường, sở thích ngành nghề… để có kế hoạch sắp xếp lớp học phù hợp ngay khi vào lớp 10. Đồng thời, xây dựng kế hoạch nâng cao chất lượng giáo dục; triển khai kế hoạch kiểm tra, khảo sát thường xuyên hơn trên quy mô toàn khối; từ đó kịp thời điều chỉnh trong tổ chức dạy học và hỗ trợ học sinh.
“Chúng tôi sẽ chỉ đạo giáo viên chủ động hơn trong xây dựng kế hoạch cụ thể và lộ trình phù hợp để tổ chức dạy học, ôn tập cho học sinh nhằm đáp ứng tốt nhất yêu cầu của kỳ thi theo Chương trình GDPT 2018. Có kế hoạch phối hợp tốt với phụ huynh trong quản lý học sinh học tập ở nhà và trường; trao đổi kết quả học tập, nắm bắt thông tin để có giải pháp định hướng học sinh trong học tập”, thầy Trần Văn Hân cho hay.
Sau khi Phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2025 được công bố, thầy Trần Xuân Trà - Trường THPT Xuân Trường B sẽ triển khai tuyên truyền sâu rộng, phân tích thấu đáo tới học sinh, phụ huynh. Đồng thời, bàn bạc, thống nhất trong tập thể lãnh đạo và Hội đồng sư phạm việc xây dựng kế hoạch; tổ chức cho học sinh đăng ký các môn tự chọn. Trên cơ sở đó, nhà trường thực hiện phân luồng, phân loại học sinh theo các cặp môn lựa chọn để xây dựng mô hình lớp học tập và ôn tập phù hợp, hiệu quả…
Để tạo động lực cho học sinh tích cực học và ôn tập, thầy Trần Xuân Trà đề nghị kết quả của cả 4 môn thi đều được đưa vào tiêu chí xét tuyển đại học (dù mỗi trường có đề án tuyển sinh hoặc thêm tiêu chí riêng). Đặc biệt, phương án thi này phải giữ ổn định ít nhất từ 5 đến 10 năm để tránh tâm lý hoang mang trong học sinh, phụ huynh và sự xáo trộn trong trường phổ thông…
Chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, thầy Nguyễn Bá Khương thông tin, Trường THPT Hàm Long (Bắc Ninh) sẽ phân công chuyên môn, ưu tiên giáo viên giỏi cho khối 12. Xây dựng kế hoạch dạy học chi tiết cho từng lớp, nhóm học sinh trong lớp; hướng dẫn học sinh lựa chọn 2 môn thi sớm để có kế hoạch ôn tập. “Dự kiến bố trí môn Toán và Ngữ văn, mỗi môn ôn thi 1 buổi chiều; 2 môn lựa chọn, mỗi môn 0,5 buổi”, thầy Nguyễn Bá Khương chia sẻ.
Với phương án 2+2, nhà trường phải tập trung ôn tập ít môn học hơn. Học sinh giảm được áp lực thi cử, tạo thuận lợi cho các em dựa trên năng lực, sở trường để chọn tổ hợp xét tuyển vào đại học. Tuy nhiên, nhà trường cũng lưu ý việc sắp xếp lớp ôn tập theo môn cho học sinh sẽ có khó khăn do sự lựa chọn đa dạng. - Thầy Nguyễn Quang Vinh (Hiệu trưởng Trường THPT Huỳnh Tấn Phát, Bến Tre)