Bốn phương

Bầu cử ở quốc gia từng có tờ tiền 100 nghìn tỷ: Bạo lực, kịch tính như phim Hollywood

15/07/2024 11:18

Khi ứng viên đảng đối lập có ưu thế hơn Tổng thống đương nhiệm ở vòng 1, đã có tình trạng bạo lực, đe dọa xảy ra khiến ứng viên này quyết định rút lui ở vòng 2. Nhưng kết quả cuối cùng lại khiến nhiều người bất ngờ.

Tình trạng bạo lực hậu bầu cử ở Zimbabwe năm 2008. Ảnh: Newsday Zimbabwe

Tình trạng bạo lực hậu bầu cử ở Zimbabwe năm 2008. Ảnh: Newsday Zimbabwe

Năm 2008, John Kadonhera, một cựu cảnh sát ở Zimbabwe, tự nhủ, nếu có phải chết, ông cũng không để những kẻ giết ông đạt được mục đích. Từng là thành viên của đảng Zanu-PF (ủng hộ Tổng thống Mugabe) rồi sau đó chuyển sang ủng hộ đảng MDC của phe đối lập, ông Kadonhera cho biết, những kẻ hành hung ông bắt ông phải nằm xuống đất.

"Tôi không nằm xuống vì biết chúng sẽ giết tôi. Chúng dùng gậy gỗ đập vào đầu tôi. Chúng đưa tôi vào một ngôi nhà mà chúng dùng làm căn cứ. Có khoảng 10 người trong phòng. Khi tôi cố tìm đường thoát, chúng lại tiếp tục đánh", cựu cảnh sát hơn 70 tuổi nói.

Máu chảy quanh đầu và tai phải của ông Kadonhera. Cánh tay và bàn tay phải của cựu cảnh sát này cũng bị sưng tấy. Nhưng ông Kadonhera vẫn tuyên bố không nghe theo lời của những kẻ hành hung, ông sẽ bỏ phiếu cho ứng viên của đảng MDC thay vì Tổng thống Mugabe.

Theo Guardian, người Zimbabwe chưa từng chứng kiến tình trạng bạo lực kinh hoàng như vậy kể từ vụ thảm sát Matabeleland (1983-1987), khi đó bạo lực chỉ giới hạn ở miền nam đất nước. Nhưng năm 2008, tình trạng bạo lực thậm chí còn lan rộng ra cả nước.

Bất ngờ ở vòng bầu cử thứ nhất

Ông Robert Mugabe phát biểu trước đám đông người ủng hộ năm 2008. Ảnh: Reuters

Ông Robert Mugabe phát biểu trước đám đông người ủng hộ năm 2008. Ảnh: Reuters

Mọi chuyện xuất phát từ cuộc bầu cử gây tranh cãi năm 2008 ở Zimbabwe.

Theo Guardian, trải qua mọi rắc rối về kinh tế và chính trị của Zimbabwe, ông Mugabe vẫn nhận được sự ủng hộ của nhiều nguyên thủ quốc gia ở châu Phi và được lòng cử tri đảng Zanu-PF. Tháng 12/2007, đảng này lựa chọn ông Mugabe là ứng viên tổng thống cho cuộc bầu cử năm 2008.

Tuy nhiên, khi tình hình Zimbabwe tiếp tục đi xuống trong những tháng trước bầu cử, sự ủng hộ dành cho ông Mugabe dường như bị lung lay.

Giai đoạn 2007-2009, Zimbabwe ghi nhận tình trạng siêu lạm phát, khiến người dân không thể mua nổi bình xăng hay các nhu yếu phẩm hàng ngày. Thời điểm đó, 12 triệu đô Zimbabwe chỉ mua được một mớ rau héo, trong khi 10 triệu đô Zimbabwe chưa chắc mua được một chiếc bánh mì. Chính phủ Zimbabwe cũng cho lưu hành các đồng tiền có mệnh giá siêu lớn, trong đó có tờ 100 nghìn tỷ đô Zimbabwe. Đây là tờ tiền có nhiều số 0 nhất so với bất kỳ tờ tiền hợp pháp nào trong lịch sử được ghi nhận.

Tờ tiền mệnh giá 100 nghìn tỷ đô Zimbabwe. Ảnh: Coin Geek

Tờ tiền mệnh giá 100 nghìn tỷ đô Zimbabwe. Ảnh: Coin Geek

Trong khi đó, ông Morgan Tsvangirai, ứng viên tổng thống của đảng đối lập MDC, thời điểm đó được cho là nhận được sự ủng hộ trên khắp cả nước.

Guardian đưa tin, khi bầu cử đến gần, các ứng viên thuộc đảng MDC và người ủng hộ họ bị cảnh sát và những người trung thành với đảng Zanu-PF quấy rầy và tấn công.

Cuộc bầu cử tổng thống, quốc hội và địa phương cùng được tổ chức vào ngày 29/3/2008.

Kết quả sơ bộ không chính thức cho thấy lợi thế nghiêng về ông Tsvangirai và đảng MDC. Tuy nhiên, việc công bố kết quả bầu cử tổng thống diễn ra rất chậm (nhiều ngày trôi qua mà không công bố), làm dấy lên lo ngại rằng ông Mugabe và đảng Zanu-PF đang thao túng kết quả bầu cử.

Ngày 2/4/2008, MDC công bố kết quả bầu cử tổng thống mà đảng này tự thống kê, cho thấy ông Tsvangirai giành được hơn một nửa số phiếu. Tuy nhiên, đảng cầm quyền Zanu-PF bác bỏ tuyên bố đó và cả nước tiếp tục chờ đợi kết quả chính thức.

Cùng ngày, kết quả bầu cử chính thức được công bố cho thấy phe của ông Tsvangirai giành được nhiều ghế nhất trong Hạ viện. Vài ngày sau, kết quả ở Thượng viện cho thấy đảng Zanu-PF chỉ nhận được số phiếu nhỉnh hơn một chút so với đảng MDC.

Kết quả cuối cùng của cuộc bầu cử tổng thống không được công bố cho đến ngày 2/5/2008. Theo đó, ông Tsvangirai giành được 47,9% số phiếu, nhiều hơn ông Mugabe, người nhận được 43,2% số phiếu. Tuy nhiên, vì ông Tsvangirai không đạt được số phiếu cần thiết, nên cần phải tổ chức vòng hai của cuộc bầu cử, được lên kế hoạch vào ngày 27/6/2008.

Bước ngoặt ở vòng hai

Ông Morgan Tsvangirai. Ảnh: AFP

Ông Morgan Tsvangirai. Ảnh: AFP

Trong những tuần trước cuộc bầu cử vòng hai, người ủng hộ đảng MDC bị quấy rầy và tấn công. MDC cho rằng đảng cầm quyền Zanu-PF đứng sau việc này. Ngược lại, đảng Zanu-PF cáo buộc đảng MDC gây ra bạo lực.

Không khí căng thẳng gia tăng do một số động thái của chính phủ Zimbabwe dưới thời Tổng thống Mugabe, bao gồm việc giam giữ ông Tsvangirai và một số quan chức, người ủng hộ đảng MDC, cũng như một số nhà ngoại giao từ Anh và Mỹ đang điều tra các thông tin về bạo lực trước bầu cử.

Đồng thời, chính phủ Zimbabwe cũng đình chỉ tất cả hoạt động cứu trợ nhân đạo trong nước. Tổng thống Mugabe còn tuyên bố với ngụ ý rằng ông sẽ không chuyển giao quyền lực cho phe đối lập ngay cả khi thua cuộc bầu cử vòng hai.

Khi bạo lực chính trị và đe dọa không có dấu hiệu dừng lại, ngày 22/6/2008, ông Tsvangirai bất ngờ tuyên bố rút lui khỏi vòng hai của cuộc bầu cử. Ứng viên của đảng MDC cho rằng không thể có một cuộc bầu cử tự do và công bằng trong bối cảnh chính trị lúc đó. Tuy nhiên, cuộc bầu cử vẫn diễn ra, và ông Mugabe được tuyên bố là người chiến thắng.

Kịch tính chưa dứt

Theo trang Britannica, quá trình và kết quả của cuộc bầu cử ở Zimbabwe đã vấp phải sự chỉ trích rộng rãi từ cộng đồng quốc tế, đặc biệt là từ một số chính phủ của các nước châu Phi từng ủng hộ chính quyền Mugabe. Đã có những lời kêu gọi 2 đảng MDC và Zanu-PF thành lập chính phủ liên minh.

Để đạt được điều đó, tổ chức liên chính phủ Cộng đồng Phát triển miền nam châu Phi (SADC) đã tổ chức cuộc gặp với đại diện của đảng Zanu-PF và 2 nhánh của đảng MDC (một nhánh do ông Tsvangirai đứng đầu, một do chính trị gia Arthur Mutambara lãnh đạo). Mặc dù các bên đã đạt được sự đồng thuận về một Biên bản ghi nhớ (MOU) để hướng dẫn các điều khoản và phạm vi thảo luận, nhưng một thỏa thuận về một chính phủ liên minh mới không có nhiều tiến triển.

Trong khi đó, ông Mugabe tuyên bố sẽ triệu tập quốc hội vào ngày 26/8/2008. Tuyên bố này vấp phải sự phản đối từ đảng MDC và các đảng khác. Họ cho rằng nếu điều đó xảy ra trước khi đạt được thỏa thuận về thành lập chính phủ liên minh là mâu thuẫn với các điều khoản trong MOU.

Tuy nhiên, quốc hội vẫn được triệu tập theo chỉ thị của ông Mugabe. Đáng chú ý, vị trí chủ tịch Hạ viện được bầu lại là người từ phe của ông Tsvangirai và đảng đối lập MDC. Đây là lần đầu tiên kể từ khi Zimbabwe giành độc lập (năm 1980), vị trí chủ tịch Hạ viện thuộc về thành viên của đảng đối lập.

Các cuộc đàm phán do SADC dẫn đầu về một chính phủ liên minh vẫn tiếp tục. Ngày 15/9/2008, ông Mugabe, ông Mutambara và ông Tsvangirai ký một thỏa thuận chia sẻ quyền lực toàn diện - được gọi là Thỏa thuận Chính trị Toàn cầu (GPA).

Theo thỏa thuận, ông Mugabe vẫn là tổng thống nhưng sẽ nhường một phần quyền lực cho ông Tsvangirai, người sẽ giữ chức thủ tướng và ông Mutambara sẽ giữ chức phó thủ tướng.

Những tháng sau đó, niềm vui nhen nhóm về một chính phủ liên minh bất ngờ bị "dội gáo nước lạnh" khi ông Mugabe và ông Tsvangirai không thể đạt được thỏa thuận về cách thực hiện thỏa thuận GPA. Hai bên tranh cãi về cách phân bổ các bộ quan trọng của chính phủ mới.

Các cuộc đàm phán bị đình trệ và những nỗ lực lặp đi lặp lại của SADC để đưa các cuộc thảo luận trở lại tiếp tục diễn ra trong bối cảnh điều kiện kinh tế và tình trạng nhân đạo tồi tệ hơn ở trong nước.

Người dân dùng xe rùa chở tiền trong giai đoạn siêu lạm phát ở Zimbabwe. Ảnh: Insiderzim

Người dân dùng xe rùa chở tiền trong giai đoạn siêu lạm phát ở Zimbabwe. Ảnh: Insiderzim

Lạm phát tràn lan không có dấu hiệu được kiểm soát và xuất hiện tình trạng thiếu hụt thực phẩm nghiêm trọng. Các dịch vụ công cộng và y tế ở nhiều thành phố của Zimbabwe bị thiếu quỹ và nguồn cung để có thể hoạt động. Điều này đã góp phần khiến dịch tả ở quốc gia này thêm trầm trọng.

Hàng chục người ủng hộ MDC, nhà hoạt động nhân quyền và phóng viên đã biến mất. Đảng đối lập MDC cáo buộc các lực lượng liên minh với đảng Zanu-PF và chính phủ đã bắt cóc họ. Sự ủng hộ quốc tế cho các cuộc đàm phán tiếp tục về chính phủ liên minh bắt đầu suy giảm. Một số nhà phê bình kêu gọi ông Mugabe từ chức. Mugabe kiên quyết từ chối làm điều đó, thậm chí ông còn tuyên bố ý định thành lập chính phủ riêng nếu ông Tsvangirai và MDC không tham gia.

Cuối tháng 1/2009, dưới áp lực của SADC, ông Tsvangirai đồng ý tham gia với ông Mugabe trong một chính phủ mới, mặc dù vẫn còn những lo ngại. Vào ngày 5/2/2009, quốc hội Zimbabwe thông qua sửa đổi hiến pháp cần thiết để thay đổi cơ cấu của nhánh hành pháp, cho phép tạo ra các vị trí thủ tướng và phó thủ tướng. Ngày 11/2/2009, ông Tsvangirai tuyên thệ nhậm chức thủ tướng. Ông Thokozani Khupe, thành viên phe của ông Tsvangirai, và ông Mutambara (lãnh đạo nhánh thứ 2 của đảng MDC) cùng tuyên thệ nhậm chức phó thủ tướng.

Theo trang Refworld của Cao ủy Liên Hợp Quốc về Người tị nạn, cuộc bầu cử năm 2008 lẽ ra phải là cơ hội để người dân Zimbabwe thể hiện tiếng nói của mình, nhưng thay vào đó, họ phải hứng chịu một chiến dịch bạo lực và tra tấn, nhắm vào những người ủng hộ đảng MDC và dân thường.

Từ tháng 3/2008, hơn 5.000 người là nạn nhân của bạo lực và ít nhất 36.000 người phải rời bỏ nhà cửa và hơn 200 người thiệt mạng.

Chính phủ mới sau khi thành lập đã đưa ra nhiều biện pháp để cải thiện tình hình kinh tế của đất nước, dù vẫn có những tranh cãi giữa 2 đảng.

XEM THÊM CÁC KỲ
Kỳ đầu tiên123

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bầu cử ở quốc gia từng có tờ tiền 100 nghìn tỷ: Bạo lực, kịch tính như phim Hollywood