Cây sưa cổ thụ ở đình Đông Cốc (Bắc Ninh) thời “sốt” gỗ sưa được các đại gia đồ gỗ hỏi mua với giá trăm tỷ đồng nhưng nhiều người không đồng ý bán. Cây có đường kính gốc hơn 1m, cao khoảng 20m.
Đình làng Đông Cốc, xã Hà Mãn, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh hiện có rất nhiều cây sưa, tuy nhiên đa phần là cây nhỏ, giá chỉ vài chục triệu đồng. Chỉ có một cây duy nhất có tuổi đời trên 400 năm, đường kính gốc hơn 1m.
Ông Nguyễn Văn Tuyến (thủ từ đình làng Đông Cốc) cho biết: “Trước kia dân làng bán một cây sưa 200 tuổi với giá 26 tỷ đồng và một cây nhỏ với giá 3 tỷ đồng. Toàn bộ số tiền được gửi vào tài khoản ngân hàng, làm kinh phí xây cổng đình, làm khuôn viên, lát sân, làm điện chiếu sáng…”.
“Hiện tại ở sân đình còn lại duy nhất một “cụ sưa” có giá trị, tuổi đời trên 400 năm. Trước đây, khi gỗ sưa lên cơn sốt, một số người trong làng có ý định bán với giá tới cả trăm tỷ đồng nhưng nhiều người khác không đồng ý bởi đây là cây quý, được dân làng bảo vệ như một tài sản vô giá gắn với di tích đình Đông Cốc”, ông Tuyến cho biết.
Theo ông thủ từ, không biết cây sưa này có từ bao giờ, chỉ biết khi ông còn bé, cây đã to lớn gần như bây giờ. Hiện cây cao khoảng 20m, đường kính gốc hơn 1m. Ngoài hàng rào vây quanh đình làng, cổng sắt, trong đình luôn có người trông coi, bảo vệ cây sưa quý.
Phần giữa của cây có nhiều cành lớn nhỏ rất có giá trị. Không chỉ cành to mà cả những cành nhỏ của cây cũng có vỏ xù xì, già cỗi.
Dưới gốc cây có vết một cành lớn bị mất. "Một đêm mưa giông năm 2007, cây sưa bị bão gió quật đổ, gãy một cành lớn sát gốc. Cành sưa sau đó được bán để tu sửa đình làng”, ông Tuyến chia sẻ.
Vết sẹo để lại đã khiến phần lõi của cây lộ ra. Bằng mắt thường có thể quan sát phần vỏ cây mỏng, lõi lớn, đặc, đỏ, rất có giá trị.
Thân thẳng, xù xì, tán cây rộng phủ xanh mát một góc đình.
Rêu phong mọc trên thân cây gỗ sưa.
Theo ông Tuyến, hiện tại người dân muốn giữ gìn, bảo vệ cây sưa, không có ý định bán.
Xung quanh đình làng Đông Cốc còn có rất nhiều cây sưa nhỏ.