Hình ảnh quảng cáo của các nhóm "hẹn hò" trên mạng.
"Về việc quản lý hoạt động của các hội nhóm, ứng dụng trên mạng xã hội, pháp luật hiện hành đã có quy định cụ thể, ví dụ như Luật viễn thông năm 2009, Luật an ninh mạng năm 2018, Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng, Nghị định số 27/2018/NĐ-CP sửa đổi Nghị định số 72/2013/NĐ-CP" - Luật sư Nguyễn Thanh Tùng. |
Tuy nhiên, theo phóng viên tìm hiểu những tài khoản này thường mới được tạo lập chỉ vài tháng, thậm chí vài ngày và trên trang cá nhân cũng không có thông tin gì ngoài hình ảnh đại diện là một cô gái. Và cũng chẳng có cuộc "hẹn hò" nào xảy ra... bởi đây chỉ là các tài khoản "ảo". Các đối tượng sẽ gửi đường link dẫn dụ đăng nhập vào các ứng dụng với mục đích lừa đảo; yêu cầu nộp tiền làm thẻ thành viên để giới thiệu các "đào" phục vụ hoặc mời chào đầu tư tài chính với lợi nhuận cao... nhằm chiếm đoạt tài sản.
Liên quan đến các chiêu trò lừa đảo hẹn hò qua mạng, luật sư Nguyễn Thanh Tùng - Công ty luật ICC cho rằng, việc hình thành các hội nhóm trên mạng xã hội như Facebook đã trở nên phổ biến, tạo ra 1 cộng đồng người dùng đông đảo và phát huy được một số ưu điểm, thuận lợi. Tuy nhiên, việc này cũng phát sinh hệ lụy, mặt trái khi một số đối tượng sử dụng vào mục đích xấu như đăng tải, lan truyền các thông tin giả, thông tin xấu, độc hại, có nội dung vi phạm pháp luật hoặc nghiêm trọng là sử dụng cho hoạt động phạm tội như một công cụ để dụ dỗ, lừa đảo chiếm đoạt tiền, tài sản của người dùng.
“Với các nguy cơ đó, khi tham gia các hội nhóm hoặc sử dụng các ứng dụng này đòi hỏi người dùng cần tỉnh táo, nâng cao cảnh giác để không vô tình tham gia, tiếp tay cho hoạt động vi phạm pháp luật hoặc không trở thành nạn nhân của lừa đảo, bị thiệt hại về tài sản” - luật sư Tùng nói.
Luật sư Nguyễn Thanh Tùng - Công ty luật ICC.
Môi trường “màu mỡ” của đối tượng phạm tội
Theo Ts. Ls Đặng Văn Cường, các ứng dụng hẹn hò, trang web “đen” là môi trường “màu mỡ” và lý tưởng để các đối tượng thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Nhiều nạn nhân vì xấu hổ, sợ lộ thông tin danh tính mà không dám tố cáo mà âm thầm chấp nhận mất tiền dẫn đến việc các đối tượng càng dễ dàng thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản mà không bị phát hiện, ít bị xử lý. Hơn nữa, số nạn nhân bị lừa đảo ngày càng nhiều và việc tìm kiếm, phát hiện, xử lý đối tượng lừa đảo thì rất khó khăn dẫn đến nhiều nạn nhân phải bỏ cuộc phải chấp nhận mất tiền.
TS. Luật sư Đặng Văn Cường: "Web “đen” là môi trường “màu mỡ” và lý tưởng để các đối tượng thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
“Hiện nay các trang web đánh bạc, mại dâm công khai hoặc trá hình trên mạng xã hội vẫn xuất hiện nhiều, diễn biến phức tạp. Bởi vậy để triệt phá các đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản, môi giới mại dâm thì cơ quan chức năng cần tăng cường triển khai các biện pháp nghiệp vụ, kịp thời phát hiện, xác minh, điều tra làm rõ và xử lý các đối tượng từ khi mới bắt đầu tổ chức thực hiện. Nếu chậm phát hiện, chậm xử lý thì số nạn nhân ngày càng nhiều, hậu quả của hành vi phạm tội xảy ra ngày càng lớn” - luật sư Cường nói.
Luật sư Cường cho rằng, ngoài tăng cường các biện pháp quản lý xã hội, nâng cao trách nhiệm của các cơ quan bảo vệ pháp luật thì cũng cần gắn trách nhiệm đối với các đơn vị cung cấp dịch vụ mạng xã hội để họ phải sàng lọc, kịp thời phát hiện ra những hoạt động vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng, vi phạm pháp luật để ngăn chặn, triệt tiêu ngay từ đầu.
Nói về các biện pháp xử lý hành vi vi phạm, luật sư Nguyễn Thanh Tùng cho biết, trường hợp việc chiếm đoạt tài sản diễn ra trong môi trường thực thì đối tượng có thể bị xử lý về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Điều 174 Bộ Luật Hình sự với hình phạt cao nhất là tù chung thân.
Nếu việc chiếm đoạt tài sản diễn ra trên môi trường mạng với các thủ đoạn như sử dụng thông tin về tài khoản, thẻ ngân hàng của cơ quan, tổ chức, cá nhân để chiếm đoạt tài sản của chủ tài khoản, chủ thẻ hoặc thanh toán hàng hóa, dịch vụ; lừa đảo trong thương mại điện tử, thanh toán điện tử, kinh doanh tiền tệ, huy động vốn, kinh doanh đa cấp hoặc giao dịch chứng khoán qua mạng nhằm chiếm đoạt tài sản thì đối tượng sẽ bị xử lý về tội “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản” theo Điều 290 Bộ Luật Hình sự với hình phạt cao nhất là đến 20 năm tù.
Luật sư Tùng cũng đưa ra khuyến cáo với những người tham gia các hội nhóm hoặc sử dụng các ứng dụng hẹn hò thì không like, share hoặc tải về, góp phần lan truyền những thông tin chưa được kiểm chứng, thông tin có chứa nội dung xấu, độc, vi phạm pháp luật; không cung cấp hoặc công khai thông tin cá nhân của mình hoặc của người khác trên các hội nhóm, ứng dụng này; không tiến hành các giao dịch dân sự, góp vốn đầu tư hoặc thực hiện chuyển khoản tiền có giá trị lớn với người dùng khác trên các hội nhóm, ứng dụng này.
Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an TP Hà Nội) khuyến cáo người dân tìm hiểu kỹ về ứng dụng hẹn hò muốn tham gia; không tham gia vào các hoạt động, diễn đàn, hội nhóm mang tính chất “đồi trụy" trên không gian mạng. Đồng thời cẩn trọng với yêu cầu tài chính như yêu cầu nộp phí mở tài khoản, kích hoạt thẻ thành viên và nhận hoa hồng hoặc tham gia các giao dịch tài chính không rõ nguồn gốc. Bởi, các đối tượng thường sử dụng chiêu trò hứa hẹn lợi nhuận cao hoặc cơ hội đầu tư hấp dẫn để chiếm đoạt tài sản của nạn nhân. Khuyến cáo người dân chỉ thực hiện giao dịch chuyển tiền khi xác định chắc chắn định danh của người mình trao đổi và tuyệt đối không click vào những đường link lạ. Nếu cuộc gọi, tin nhắn từ người tự xưng là đại diện cho ngân hàng, không trả lời mà gọi trực tiếp cho ngân hàng để xác nhận tin nhắn, cuộc gọi vừa rồi có đúng là ngân hàng thực hiện hay không. |