Trong những ngày diễn ra kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, tại điểm thi Trường THPT Cái Nước (huyện Cái Nước, Cà Mau) có một thí sinh bị bệnh xương thủy tinh, hằng ngày được cha chở đến trường trong suốt hơn 10 năm qua.
Ông Phạm Văn Út bồng con đến phòng
Thí sinh tên là Phạm Quốc Lịnh (ngụ ấp Mỹ Hòa, xã Trần Thới, huyện Cái Nước). Lịnh được phát hiện mang căn bệnh xương thủy tinh từ năm học lớp 3.
Ngày diễn ra kỳ thi tốt nghiệp THPT , ông Phạm Văn Út tranh thủ công việc chở con đến điểm thi sớm hơn giờ quy định, nhanh chóng bồng con lên phòng thi. Thân người nhỏ nhắn, bồng đứa con khuyết tật trên tay mỗi buổi thi nhưng trên khuôn mặt khắc khổ của ông Út luôn nở nụ cười.
“Chở con đến trường mười mấy năm nay tôi quen với việc bồng con trên tay rồi, không có gì nặng nhọc, cực khổ cả. Tôi hy vọng con thi đậu kỳ thi này để có thể tiếp tục con đường học vấn, về sau có thể tìm được công việc nuôi bản thân khi cha, mẹ đã lớn tuổi. Nuôi con, chăm lo sự học cho con đó là nghĩa vụ người làm cha, mẹ. Con mình không may mắn bị bệnh, mình càng thương hơn. Cho con học đến nơi đến chốn đó cũng là cách để bù đắp tổn thương tinh thần, thương tật của con”, ông Út nghẹn ngào nói.
Suốt 12 năm học, Lịnh đều đạt danh hiệu học sinh giỏi. “Em muốn nói với các bạn có cùng hoàn cảnh rằng bị khuyết tật không hẳn cánh cửa cuộc đời đóng lại. Bản thân mình phải có ý chí, tự vươn lên, quyết định tương lai của chính mình. Bị khuyết tật mình phải nỗ lực gấp nhiều lần người bình thường. Nhiều người khuyết tật trên thế giới cũng học giỏi và trở thành người thành công, đóng góp cho xã hội. Em cũng muốn noi theo những tấm gương đó”, Lịnh chia sẻ.
Đưa đón con suốt 3 năm
Từ hôm con gái làm thủ tục đến khi chính thức bước vào kỳ thi Tốt nghiệp THPT, ông Nguyễn Hữu Minh (52 tuổi, trú phường Hòa An, quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng) đạp chiếc xe cà tàng chở con đi thi dưới trời oi bức.
Ông Minh kể, suốt 3 năm con gái học THPT, ông đều chở đi vì đường nguy hiểm. “Nhà tôi ở đường Tôn Đản, muốn tới trường phải đi qua đường Trường Chinh nườm nượp xe cộ, nhất là xe ben, xe tải, container. Nhiều lần tôi cũng nghĩ tới chuyện cho cháu tự đạp xe đi, nhưng nhìn những ‘hung thần’ xe ben, chứng kiến nhiều vụ tai nạn tôi khiếp quá nên không đành, cứ thế chở con đi mấy năm THPT, chưa nghỉ bữa nào”, ông nói.
Chiếc xe đạp hai cha con đến trường mỗi ngày được quận hỗ trợ theo diện khó khăn từ 6 năm trước, đã cũ mèm nhưng ông rất quý. Trong lúc chờ con thi, ông tỉ mẩn kiểm tra vành, lốp, xích…, không để xảy ra sự cố trong những ngày quan trọng này. Đoạn đường từ nhà ông đến trường đạp nhanh cũng mất nửa tiếng nên không thể chủ quan.
Ông trầm ngâm, mọi người dành nhiều thứ cho con, ông không có điều kiện, chỉ có tình thương yêu, lo lắng cho con vô bờ nên sẽ làm tất cả những gì có thể để con đi tiếp trên hành trình con chữ.
Năm nay, con gái ông, thí sinh Nguyễn Thị Mỹ Linh, có nguyện vọng vào ngành Sư phạm mầm non. Ông Minh nói Linh tự ôn luyện ở nhà là chính.