Trao đổi với Tuổi Trẻ Online ngày 26-6, ông Lương Ngọc Khuê - cục trưởng Cục Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) - tỏ ý không đồng tình việc Bệnh viện Nhi đồng 2 tạm ngưng ghép tạng suốt thời gian dài.
Bởi theo ông, thực tiễn ghép tạng đã được bệnh viện triển khai an toàn nhiều năm nay, khi có vấn đề liên quan quy trình thủ tục bệnh viện chỉ cần báo cáo, xin bổ sung là được. Bộ Y tế rất khuyến khích, không cấm.
"Theo Luật Hiến ghép mô tạng, bệnh viện phải hoàn chỉnh các hồ sơ thủ tục về pháp lý. Đây là vấn đề điều hành chưa đúng và bệnh viện phải thừa nhận thiếu sót này, còn ghép tạng cần phải được duy trì, sao cho đảm bảo an toàn cho người bệnh và cho bác sĩ" - ông Khuê nói và khẳng định Bộ Y tế sẽ giải quyết ngay các kiến nghị từ Bệnh viện Nhi đồng 2.
Theo ông Khuê, điều khó khăn nhất hiện nay là nguồn tạng hiến quá khan hiếm. Và để giải quyết cần phải vận động cộng đồng hiến tạng, đặc biệt Bộ Y tế cũng đang xem xét nhằm sửa lại Luật Hiến ghép mô tạng theo hướng nới rộng đối tượng được hiến tạng.
Tuy vậy ông cho rằng việc Luật Hiến ghép mô tạng hiện nay chưa cho phép trẻ dưới 18 tuổi hiến cũng có lý do đặc biệt. "Tạng của trẻ ở độ tuổi này chưa hoàn chỉnh, khi lấy ghép cho một trẻ khác chưa thực sự phù hợp" - ông Khuê đặt vấn đề.
Từ năm 2004, Bệnh viện Nhi đồng 2 được Bộ Y tế cho phép tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật ghép gan ở trẻ em. Từ đó đến nay, ngoài các chuyên gia nước ngoài, bệnh viện còn phối hợp với Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM ghép gan và Bệnh viện Chợ Rẫy ghép thận cho trẻ.
Tổng số ca ghép gan thực hiện tại bệnh viện là 25 ca. Từ tháng 10-2022, Bệnh viện Nhi đồng 2 tạm ngưng ghép gan, điều này khiến cơ hội sống của nhiều trẻ em bị đe dọa.
Hiện nay, Bệnh viện Nhi đồng 2 được giao nhiệm vụ sẽ trở thành trung tâm ghép tạng hàng đầu cho bệnh nhi tại Việt Nam.