Bí ẩn người làm bảo vật quốc gia - Kỳ 3: Tác giả một dòng gốm đặc biệt

22/05/2023, 09:44
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Trên thân bảo vật quốc gia bộ chân đèn thời Mạc đang lưu ở Bảo tàng Hà Nội ghi rõ do Đặng Huyền Thông tạo tác vào năm 1582. Người nghệ nhân tài hoa này đã tạo nên một dòng gốm có giá trị đặc biệt trong dòng chảy văn hóa mỹ thuật dân tộc...

Đến thời Mạc, điều này được chứng thực phổ biến thông qua "dòng gốm" của Đặng Huyền Thông. Minh văn trên các sản phẩm gốm cũng góp phần chứng minh một giai đoạn chấn hưng Phật giáo dưới thời Mạc, bổ sung tài liệu nghiên cứu về các ngôi chùa nói riêng và Phật giáo thời Mạc nói chung...

Bảo vật chân đèn của Bảo tàng Hà Nội do Đặng Huyền Thông tạo tác năm 1582 - Ảnh: THÁI LỘC

Bảo vật chân đèn của Bảo tàng Hà Nội do Đặng Huyền Thông tạo tác năm 1582 - Ảnh: THÁI LỘC

Gốc tổ Hưng Yên

Chúng tôi tìm về quê ông ở thôn Hùng Thắng, nay thuộc xã Minh Tân, huyện Nam Sách, cách TP Hải Dương vài cây số, nằm trong vùng gốm Chu Đậu từng phát triển rực rỡ dưới thời Lê. Hồ sơ di tích quốc gia đền thờ Đặng Huyền Thông (công nhận 24-2-2004) cho biết đền thờ này được chính quyền đầu tư xây mới vào năm 1990, sau đó tiếp tục được xây dựng và hoàn thiện vào năm 1999 có một phần đóng góp của người dân Hùng Thắng...

Việc xây dựng nhằm thờ tự và vinh danh nghệ nhân Đặng Huyền Thông sau khi các nhà khoa học xác định Hùng Thắng chính là nơi ở và làm nên rất nhiều đồ gốm có giá trị đặc biệt của vị nghệ nhân này.

Dẫn chúng tôi tham quan đền thờ, người thủ từ Đặng Văn Kiện giới thiệu mình là con cháu nhiều đời của cụ tổ Đặng Huyền Thông. Ông Kiện cho biết trong một thời gian dài, người họ Đặng ở Hùng Thắng không rõ gốc gác ở đâu.

Đến khoảng cuối thế kỷ 19, nằm trong dòng người sang Tân Thế Giới (nhóm đảo ở Nam Thái Bình Dương) làm phu đồn điền cho thực dân Pháp, hai vị họ Đặng, một ở Hùng Thắng, một ở Đào Xá (nay thuộc xã Đào Dương, huyện Ân Thi, Hưng Yên) gặp gỡ kết thân. Khi về nước, họ phát hiện ra câu đối ở nhà thờ họ Đặng tại Đào Xá do người họ Đặng ở Hùng Thắng dâng lên nhà thờ gốc tổ mấy trăm năm trước.

Đó là đôi câu đối "Bát bách tự tiền tây Đào Xá/Khai hoa chi hậu Cổ Phường thôn" (tạm dịch: tám trăm năm về trước quê ở tây Đào Xá/Về sau mở nghiệp khai hoa ở thôn Cổ Phường). Nhờ đó, người ta xác định họ Đặng của Đặng Huyền Thông ở Hùng Thắng có gốc gác từ Đào Xá; dòng họ hai bên đã cùng nối kết. Lăng mộ của Đặng Huyền Thông sau đó cũng được tìm thấy ở quê xưa Đào Xá.

Qua những tài liệu ghi chép, nghiên cứu và câu chuyện lưu truyền trong dòng họ, hành trạng người xưa có thể được tóm lược: người họ Đặng nhiều đời trước đã từ Đào Xá sang Cổ Phường lập nghiệp bằng nghề gốm. Đến đời mình, Đặng Huyền Thông được ăn học và đỗ đạt, đậu tam trường nhưng không theo nghiệp quan mà chọn nghiệp gốm. Ông trở thành một người thợ tài hoa, rạng danh bằng những sản phẩm gốm đỉnh cao.

Đến những năm cuối của thế kỷ 16, nghề gốm vốn rất rực rỡ ở Nam Sách, Hải Dương có thể đã tụt dốc theo những biến động của xã hội cuối thời Mạc. Ngay cả người thợ gốm xuất chúng Đặng Huyền Thông cũng đành tìm về cố hương Đào Xá trú náu cho đến khi qua đời tại đây.

Mãi về sau, khi nghề gốm của cha ông đã chìm vào dĩ vãng, con cháu họ Đặng tiếp tục từ Đào Xá sang cố trạch của tổ tiên là Cổ Phường (nay là Hùng Thắng) tái lập nghiệp bằng nghề nông cho đến ngày nay...

"Do có trình độ Nho học, Phật học khá cao nên ông sáng tạo nhiều tác phẩm độc đáo thể hiện ý tưởng "dân tộc và đạo pháp" theo truyền thống của tổ tiên suốt ngàn năm... Đặng Huyền Thông xứng đáng được tôn vinh là hậu tổ của ngành nghề gốm nước ta. Ông cũng là một Phật tử để lại dấu ấn rực rỡ trong nền mỹ thuật dân tộc và Phật giáo Việt Nam" - chuyên gia cổ vật Trần Đình Sơn.

********

Du khách đến tham quan hoàng cung Huế, vừa vượt qua một trong hai cổng cạnh kỳ đài để vào kinh thành bắt gặp ngay những cỗ đại pháo cổ thuộc hàng tuyệt tác...

Kỳ tới: Người làm Cửu vị thần công

Theo tuoitre.vn
https://tuoitre.vn/bi-an-nguoi-lam-bao-vat-quoc-gia-ky-3-tac-gia-mot-dong-gom-dac-biet-20230522093647826.htm
Copy Link
https://tuoitre.vn/bi-an-nguoi-lam-bao-vat-quoc-gia-ky-3-tac-gia-mot-dong-gom-dac-biet-20230522093647826.htm
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bí ẩn người làm bảo vật quốc gia - Kỳ 3: Tác giả một dòng gốm đặc biệt