Tứ hải Long vương (tranh: Sohu)
3. Long vương
Long vương là tên gọi chung của 4 vị thần rồng mạnh nhất trong thần thoại Trung Quốc. 4 vị này bao gồm Đông hải Long vương (Ngao Quảng), Tây hải Long vương (Ngao Nhuận), Nam hải Long vương (Ngao Khâm) và Bắc hải Long vương (Ngao Thuận).
Theo thần thoại Trung Quốc, 4 vị Long vương khi hiện nguyên hình có thể to bằng quả núi, quẫy đuôi có thể gây ra sóng thần. 4 vị Long vương còn có tài phép hô mưa gọi gió, điều khiển sấm sét, thời tiết, khí hậu và biến hóa khôn lường.
Bốn vị Long vương cũng sở hữu vô số kho tàng, báu vật dưới thủy cung. Dưới trướng 4 vị Long vương là binh tôm, tướng cá và các loài thủy tộc.
Trong các tác phẩm mang nét thần thoại Trung Quốc như “Phong thần diễn nghĩa”, “Tây Du ký”, Long vương có địa vị ngang hàng với Diêm vương (vị thần cai quản địa ngục) và chỉ nghe lệnh của Ngọc Hoàng thượng đế.
Theo Sohu, ở Trung Quốc, Long vương được tôn kính như một vị phúc thần. Người dân Trung Quốc có tín ngưỡng thờ Long vương từ lâu đời để cầu mùa màng bội thu, mưa thuận gió hòa. Ở Việt Nam, một số nơi cũng có miếu thờ Long vương.
Rồng Apalala trong thần thoại Pakistan (ảnh: Ancient)
4. Rồng Apalata
Ở Pakistan đến nay còn lưu truyền thần thoại về con rồng đáng sợ Apalala, theo Nations Online.
Theo thần thoại Pakistan, câu chuyện bắt đầu từ một tu sĩ tài phép tên Gangi. Ông đã dùng bùa chú của mình để đánh bại một đám rồng độc ác, khiến chúng không thể gây giông bão và tàn phá mùa màng của người dân. Nhờ vậy, Gangi được nhiều người ca ngợi và cúng tế.
Tuy nhiên, sau nhiều năm trôi qua, nhiều người đã lãng quên và từ chối cúng tế cho Gangi. Điều này khiến ông phẫn nộ. Gangi đã biến thành một con rồng khổng lồ, gây ra lũ lụt và mưa đá để trừng phạt người dân.
Trong thần thoại Pakistan, con rồng do Gangi biến thành được gọi là Apalala.
Không giống như nhiều con rồng khác, Apalala mang đầu người và thân rắn (biểu tượng cho sức mạnh và trí khôn). Apalala kiểm soát nguồn nước, những cơn mưa và con sông Swat ở miền Bắc Pakistan. Người dân muốn sống được thì phải cống nạp cho rồng Apalala.
Với mong muốn giúp đỡ người dân Pakistan, Đức Phật đã đến gặp rồng Apalala để thuyết pháp. Đi cùng ngài là Bồ tát Vajrapani.
Theo thần thoại Pakistan, rồng Apalala cúi đầu và tôn kính khi nghe Đức Phật thuyết pháp. Những lời của Đức Phật đã hóa giải thù hận của Apalala và con rồng trở thành một tín đồ của đạo Phật.
Đức phật cấm Apalala phá hoại mùa màng, nhưng con rồng lo sợ mình có thể chết vì đói.
“Nguồn sống của tôi đến từ mùa màng của loài người. Nếu không gây bão lụt, tôi sẽ chết đói”, Apalala nói.
Apalala cầu xin Đức Phật cho phép nó gây ra lũ lụt trên sông Swat mỗi 12 năm một lần để kiếm ăn. Đức Phật cho phép điều này.
Trong một câu chuyện khác, Bồ tát Vajrapani đã giao chiến với rồng Apalala một trận long trời lở đất. Con rồng bị đánh bại bởi một tia sét giáng trúng sườn. Sau khi rồng Apalala bị đánh bại, Đức Phật đã giúp nó hóa giải thù hận.
Câu chuyện về rồng Apalala ngày nay vẫn được truyền tụng ở Pakistan. Người cao tuổi thường kể câu chuyện này cho trẻ em để giáo dục về đức tin và tính hướng thiện.