Một số bị hại khác kháng cáo yêu cầu phải nhận được đất thay vì nhận tiền như bản án sơ thẩm tuyên. "Có bị hại viết đơn có lô đất nào lên thổ cư được thì cho xin một lô" - chủ tọa đọc.
Nhiều kháng cáo lại thể hiện số tiền thiệt hại của họ nhiều hơn số tiền mà bản án sơ thẩm đã tuyên Công ty Alibaba phải bồi thường từ vài chục đến vài trăm triệu đồng. Những người này mong được nhận lại đúng khoản tiền họ đã đầu tư kèm lãi suất ngân hàng từ khi tài sản bị kê biên đến khi giải toả, đồng thời yêu cầu tòa án định giá lại tài sản trong vụ án. Tuy nhiên, không ít người trong số này vắng mặt tại tòa nên không thể đối chiếu chênh lệch.
Phiên xử phúc thẩm còn xuất hiện nhiều người cho rằng mình là bị hại trong vụ án và kháng cáo yêu cầu được Công ty Alibaba trả lại tiền đã đầu tư vào các dự án "ma".
Đối với trường hợp này, chủ tọa giải thích rằng để lấy được tiền thiệt hại thì họ phải thực hiện khởi kiện dân sự ở một vụ án khác.
"Trước đó cơ quan điều tra, tòa án sơ thẩm… đã công bố rộng rãi về việc yêu cầu người thiệt hại trình báo, bổ sung thông tin liên quan nhưng nhiều người không làm. Tuy nhiên, tiền thì vẫn còn đó nhưng không nằm trong bản án lần này. Đối với phiên xét xử phúc thẩm này, tòa chỉ xử dựa trên danh sách bị hại của tòa án sơ thẩm, không thể bổ sung thêm bị hại vì thêm 1 người là tăng thêm một khoản tiền thiệt hại, điều này gây bất lợi cho các bị cáo" - chủ tọa giải thích.
Tại bản án sơ thẩm tuyên hồi cuối năm 2022, TAND TP HCM xét xử sơ thẩm nhận định trong 3 năm Nguyễn Thái Luyện đã điều hành Công ty Alibaba triển khai bán đất nền của 58 dự án, chiếm đoạt hơn 2.446 tỉ đồng từ hơn 4.500 khách hàng.