"Bí kíp" để sinh viên tự lập tài chính

Ngọc Trang | 30/05/2022, 10:15
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

(GDTĐ) - Tọa đàm “Tự lập về tài chính dễ hay khó" là chương trình do Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển sinh viên Việt Nam thuộc Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam phối hợp với Quỹ Trí tuệ Việt tổ chức.

1_1.jpg

Chương trình nhằm cung cấp cho bạn trẻ kiến thức xem cần làm gì để quản lý chi tiêu của mình, theo dõi chi tiêu xem có đúng kế hoạch hay không và điều chỉnh như thế nào để tránh bị thâm hụt. Bên cạnh đó, toạ đàm còn cung cấp kiến thức giúp bạn trẻ tự tin hơn, giảm bớt áp lực kinh tế, chuyên tâm vào học tập phát triển bản thân.

Ông Lâm Tùng, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ và phát triển sinh viên Việt Nam cho hay, hiện nay, mối lo về tài chính cá nhân trong quá trình theo học đại học đang trở thành một gánh nặng đối với nhiều sinh viên.

“Gánh nặng này sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới tâm lý, chất lượng học tập của các bạn. Thông qua buổi tọa đàm, chúng tôi mong muốn sẽ tạo ra tâm lý vững vàng, tự tin trong việc quản lý tài chính cá nhân của sinh viên, loại bỏ bớt những lo nghĩ để nâng cao chất lượng học tập”, anh Lâm Tùng chia sẻ.

Chia sẻ về việc sinh viên làm thế nào để tránh tình trạng thâm hụt chi tiêu trong quá trình học, chị Nguyễn Thị Ngọc Trang, nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành Quỹ Trí tuệ Việt cho rằng, điều quan trọng nhất là cần phân biệt giữa khái niệm cần và muốn. Mỗi bạn phải cân nhắc kỹ lưỡng kinh tế gia đình và nhu cầu bản thân. Từ đó, xác định rõ và ưu tiên những chi phí thật sự cần thiết như: tiền trọ, ăn, uống, điện, nước, dụng cụ học tập, chi phí giáo dục... Biết kiểm soát bản thân để hạn chế sa đà vào những chi phí mà bạn muốn nhưng quá tầm tay, bởi chi phí này có hay không nó cũng không làm ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống của sinh viên.

Chị Trang đưa ra lời khuyên: “Các bạn cần vạch rõ các bước như sau: Bước 1 là phải quản lý chi tiết các hạng mục chi tiêu, phân bổ tỷ trọng thu nhập cho các khoản tương ứng, đặc biệt là khoản tiết kiệm và đầu tư phải tối thiểu là 20% trên mức thu nhập của mình. Bước 2 là xác định mức chi tiêu tối thiểu và tối đa để làm hạn mức nhắc nhở bản thân chi tiêu thông minh và luôn tìm kiếm các cơ hội để có thêm nguồn thu nhập, cả chủ động và bị động. Bước nữa là tự tin đầu tư vào bản thân để nâng cao giá trị vì đó là tiền đề tăng trưởng thu nhập trong tương lai, chẳng hạn học ngoại ngữ, tham gia các lớp học kỹ năng quản trị và phát triển bản thân...”.

TS Đào Lê Hoà An ( CEO & Founder JobWay) chia sẻ tại buổi toạ đàm định hướng: “ Một số các bạn trẻ vẫn còn hạn chế về khả năng tạo ra nguồn tiền để tự lập và chủ động trong câu chuyện tài chính. Vì vậy, lợi ích của việc làm thêm ở môi trường Đại học sẽ giúp cho các bạn sinh viên có thêm góc nhìn cụ thể hơn về cách tự chủ tài chính. Đồng thời từng bước nhỏ đầu tư cho tương lai, định hình chân dung của bản thân rõ nét hơn.

Hãy xem công việc làm thêm ở thời điểm hiện tại là một dự án cho sự khởi nghiệp ở tương lai. Nó góp phần tạo nên bức tranh khung năng lực về ngành nghề bạn được đào tạo. Sự chuẩn bị chu đáo và hành trang mang theo sẽ giúp giá trị của các bạn được nâng cao hơn. Nhờ vậy, tìm kiếm một công việc thăng tiến có mức lương tăng cao theo thời gian chứ không đơn thuần là bán sức lao động.

Hãy vạch ra thật nhiều những công việc có liên quan để mang về cho mình những trải nghiệm và kinh nghiệm nhằm phục vụ chính công việc lớn của các bạn sau này. Hãy đầu tư cho hiện tại để có một vị trí mà bạn mong muốn và một tương lai tốt hơn. Đó mới chính xác là giá trị của lợi ích của việc đi làm thêm.”

Bài liên quan
Khởi nghiệp cùng công nghệ nghệ tài chính, thương mại điện tử
Ngày 28/4, Diễn đàn ‘Chắp cánh sinh viên khởi nghiệp’ với chủ đề ‘Khởi nghiệp cùng công nghệ tài chính, thương mại điện tử’ chính thức được diễn ra.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
"Bí kíp" để sinh viên tự lập tài chính