Học sinh cần có chiến lược học tập bài bản, bắt đầu từ sớm, kết hợp giữa tư duy pháp lý - kinh tế, cùng kỹ năng làm bài thi trắc nghiệm.
Đây là những lưu ý cơ bản thầy Trương Văn Minh, GV Trường THPT Ban Mai (Hà Đông, Hà Nội) nhắn nhủ thí sinh nếu muốn đạt điểm cao môn Giáo dục Kinh tế và Pháp luật trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025.
Thầy Trương Văn Minh nhấn mạnh đầu tiên đến cơ sở để lập kế hoạch hiệu quả là nắm rõ cấu trúc đề thi.
Theo đó, đề thi tốt nghiệp THPT năm 2025 môn Giáo dục Kinh tế và Pháp luật gồm 24 câu trắc nghiệm nhiều phương án lựa chọn; 4 câu trắc nghiệm đúng/sai. Thời gian làm bài 50 phút. Kiến thức trong đề trải dài cả 3 khối: 10, 11 và 12.
Điều này đòi hỏi học sinh không thể đợi đến lớp 12 mới bắt đầu ôn thi mà cần có sự chuẩn bị bài bản, lâu dài ngay từ lớp 10.
Từ đặc thù môn học, theo thầy Trương Văn Minh, phương pháp hiệu quả khi học môn Giáo dục Kinh tế và Pháp luật là: Học hiểu - học liên hệ - học áp dụng.
“Một trong những phương pháp tôi luôn khuyến khích học sinh là “học như thể mình đang sống trong bài học". Nghĩa là, khi học pháp luật, các em hãy tự đặt mình trong vai trò công dân đang thực hiện quyền, nghĩa vụ pháp lý, từ chuyện nhỏ như đi làm căn cước công dân, cho đến việc ký hợp đồng lao động.
Khi học kinh tế, hãy liên hệ với đời sống hàng ngày: làm sao để tiết kiệm hiệu quả, tiêu dùng hợp lý, hiểu bản chất của thuế, vay nợ, lạm phát, cung cầu…
Việc học theo cách này giúp kiến thức không còn khô khan, mà trở nên sống động và dễ ghi nhớ”, thầy Trương Văn Minh đưa lời khuyên.
Để làm bài tốt trong thời gian giới hạn 50 phút, thầy Trương Văn Minh cho rằng học sinh cần rèn luyện một số kỹ năng sau:
Phân bổ thời gian hợp lý: Ưu tiên làm trước các câu dễ, sau đó quay lại các câu khó, câu tình huống.
Đọc kỹ đề bài, gạch chân từ khoá quan trọng trong câu hỏi và đáp án. Đây là cách giúp tập trung đúng điểm mấu chốt, tránh hiểu nhầm yêu cầu.
Dùng nhiều phương pháp kết hợp: Loại trừ đáp án sai trước, phân tích ngược, hoặc đọc câu hỏi trước khi đọc tình huống (đặc biệt với câu có nhân vật).
Cẩn thận, tỉ mỉ trong từng câu hỏi và đáp án: Với những câu phân vân, học sinh có thể đánh dấu lại để xem xét sau nếu còn thời gian.
Kiểm tra kỹ thông tin và đáp án trong phiếu trả lời trắc nghiệm: Tuyệt đối không bỏ sót bất kỳ câu hỏi nào, tránh tô nhầm, tô sót gây mất điểm đáng tiếc.
Phần đúng/sai (gồm 4 câu với 16 nhận định) thường khiến học sinh lo lắng vì yêu cầu kiến thức sâu, phân tích chính xác từng chi tiết nhỏ. Tuy nhiên, nếu luyện tập thường xuyên và có phương pháp, đây lại là cơ hội để học sinh giành điểm phân loại.
Thầy Trương Văn Minh gợi ý phương pháp cụ thể như sau:
Học sinh cần hiểu rõ từng nội dung, không học mẹo hay phán đoán cảm tính.
Nên hệ thống lại các nhóm kiến thức dễ gây nhầm lẫn (quyền và nghĩa vụ, hệ thống pháp luật và văn bản pháp luật. cơ cấu tổ chức, nguyên tắc hoạt động của hệ thống chính trị, bộ máy nhà nước…).
Khi làm, nên xác định từng mệnh đề là đúng hay sai độc lập, không bị chi phối bởi nhận định khác trong cùng câu.
Thầy Trương Văn Minh chỉ ra 4 sai lầm thí sinh cần tránh như sau:
Thứ nhất: Chỉ học thuộc lý thuyết mà không luyện đề nên dễ bị lúng túng với câu hỏi tình huống, nhất là câu hỏi tình huống nhiều nhân vật.
Thứ hai: Không rèn kỹ năng tô phiếu trả lời trắc nghiệm nên mất điểm vì lỗi kỹ thuật.
Thứ ba: Chủ quan với phần đúng/sai nên đánh mất cơ hội nâng điểm và gia tăng khoảng cách điểm số với các bạn khác.
Thứ tư: Ôn dồn vào tháng cuối dẫn tới căng thẳng, học trước quên sau.
Thầy Trương Văn Minh nhấn mạnh: Nếu học sinh có sự chuẩn bị từ sớm, học đúng cách, luyện đúng dạng đề, thì môn Giáo dục Kinh tế và Pháp luật không khó, thậm chí còn là môn học “gỡ điểm” và tạo lợi thế trong xét tốt nghiệp cũng như tuyển sinh đại học.
Điều quan trọng, học sinh phải kiên trì - kỷ luật - chiến lược. Các em hãy bắt đầu ôn từ sớm, nhất là khi kiến thức rải đều cả 3 khối lớp. Mỗi tuần chỉ cần dành ra một buổi, nhưng đều đặn, sẽ có hiệu quả lớn.
Cùng với đó, kết hợp linh hoạt giữa học kiến thức và luyện kỹ năng. Tạo thói quen học theo chủ đề, kết hợp hệ thống hóa kiến thức bằng sơ đồ tư duy.
Các em cũng cần rèn luyện đề thi thử, nhất là đề có phần đúng/sai và luôn phân tích kỹ vì sao đúng, vì sao sai.
Khi làm bài, luôn nhớ: Đề thi không đánh đố, nhưng yêu cầu sự chính xác, hiểu biết, kỹ năng tư duy pháp lý - kinh tế; các em hãy không ngừng đặt câu hỏi để hiểu sâu và vận dụng thực tiễn.
Môn Giáo dục Kinh tế và Pháp luật không chỉ là một môn thi tốt nghiệp mà còn là môn học giáo dục công dân cho thế kỷ 21. Khi học sinh hiểu đúng và học đúng cách, đây sẽ là môn học dễ tiếp cận và nhiều cơ hội đạt điểm cao. Là một người thầy, tôi tin rằng: sự chuẩn bị từ sớm, sự kiên trì và phương pháp học tập đúng đắn sẽ đưa các em đến với kết quả như mong muốn.