Bí quyết giúp học sinh trường tốp dưới 'vượt vũ môn'

Vân Anh | 20/04/2023, 07:16
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Với chiến lược ôn tập đúng hướng, nhiều trường THPT tốp dưới tại Hà Nội đã đạt được kết quả ấn tượng trong kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Phương pháp giáo dục riêng

Khẳng định vai trò của giáo viên chủ nhiệm trong việc kết nối với các lực lượng nhằm hỗ trợ học sinh, nhất là với những học sinh có khó khăn trong học tập, cô Nguyễn Thu Hằng - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (quận Ba Đình, Hà Nội) cho rằng, sự chung sức trách nhiệm của các lực lượng, trong đó có phụ huynh học sinh là rất quan trọng.

Là trường THPT tốp dưới, Trường THPT Đinh Tiên Hoàng luôn xác định: Không thể dạy theo kiểu “đổ” kiến thức vào đầu học sinh mà phải có phương pháp giáo dục riêng. Dù cơ sở vật chất chưa ổn định, đầu vào học sinh còn thấp, nhưng nhà trường luôn tận tâm, tận lực hơn nữa, kiên định với phương châm giáo dục tất cả vì học sinh, không để lại học sinh nào phía sau.

Cô Hằng cho biết, ngay từ đầu năm học, nhà trường đã tiến hành lập nhóm, phân loại học sinh, hướng dẫn các em đặt mục tiêu rõ ràng về những gì cần học, cần đạt để các em tập trung và cố gắng hơn. Bên cạnh đó, giáo viên chủ nhiệm đã phối hợp chặt chẽ với giáo viên bộ môn, cha mẹ học sinh, văn phòng tư vấn để đồng hành cùng học sinh ôn tập hiệu quả.

Trong các môn học, giáo viên chủ nhiệm kết hợp chặt chẽ với giáo viên bộ môn để sát sao hơn trong việc học tập, ghi chép bài, kiểm tra bài của học sinh sau mỗi tiết học. Với những học sinh chưa hoàn thiện bài, chưa đạt yêu cầu trong tiết học, giáo viên bộ môn hoặc bàn giao lại cho giáo viên chủ nhiệm kết hợp giải quyết, hoặc trực tiếp yêu cầu học sinh ở lại hoàn thiện ngay cuối buổi học.

Giáo viên chủ nhiệm cùng giáo viên bộ môn tìm ra được điểm mạnh, điểm yếu của HS ở từng môn học; phân loại học sinh và có biện pháp phù hợp giáo dục, kèm cặp, giúp các em có tâm lý tự tin khi tham gia các kỳ thi.

Bên cạnh đó, giáo viên chủ nhiệm kết hợp chặt chẽ với cha mẹ học sinh hàng ngày qua các nhóm (Zalo, Messenger...) để trao đổi thông tin, nắm bắt được tâm tư, tình cảm của học sinh, từ đó có biện pháp giáo dục kịp thời, phù hợp.

Với các học sinh chưa chú tâm vào học tập hoặc với nhóm học sinh yếu, giáo viên chủ nhiệm cùng phụ huynh đồng hành với con; tư vấn, giúp đỡ phụ huynh khi chưa biết cách tiếp cận giúp đỡ con trong học tập và rèn luyện.

Giáo viên chủ nhiệm cùng văn phòng tư vấn nhà trường hỗ trợ tâm lý khi các em gặp khó khăn, áp lực trong quá trình học tập cũng như cuộc sống. Từ việc lắng nghe, sẻ chia, giáo viên chủ nhiệm hiểu học sinh hơn để tư vấn hướng nghiệp, giúp các em xác định được giá trị bản thân, có định hướng đúng và lựa chọn được nghề nghiệp phù hợp với năng lực của mình.

"Kiên định với phương châm giáo dục không để lại học sinh nào phía sau, với sự cố gắng không ngừng và linh hoạt trong phương pháp giảng dạy cùng tinh thần tận tâm, tận lực, hàng năm Trường THPT Đinh Tiên Hoàng có tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT đạt xấp xỉ 99%", cô Nguyễn Thu Hằng cho biết.

Lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, cách thức ôn tập với học sinh lớp 12 của Trường THPT Đinh Tiên Hoàng và THPT Tây Hồ được tổ chức khá bài bản, mang lại kết quả đáng khích lệ, là mô hình để một số trường THPT có tỷ lệ đỗ tốt nghiệp chưa cao trên địa bàn thành phố có thể tham khảo, học hỏi.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/bi-quyet-giup-hoc-sinh-truong-top-duoi-vuot-vu-mon-post635167.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/bi-quyet-giup-hoc-sinh-truong-top-duoi-vuot-vu-mon-post635167.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bí quyết giúp học sinh trường tốp dưới 'vượt vũ môn'