Đồng thời, hỗ trợ để ba dự án lớn là Kho cảng LNG Sơn Mỹ, Điện khí Sơn Mỹ I, Điện khí Sơn Mỹ II hoàn tất các thủ tục pháp lý để khởi công. Đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư và khởi công xây dựng Cảng Hàng không Phan Thiết (hạng mục Hàng không dân dụng).
Chúng tôi cũng sẽ đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án đầu tư công như Chung cư sông Cà Ty, kè sông Cà Ty (đoạn từ cầu Dục Thanh đến đường Ung Văn Khiêm); Cầu Văn Thánh, đường ĐT.719B, đường Hàm Kiệm - Tiến Thành, Hồ chứa nước Ka Pét…
Tuyến đường 719B nối QL1A với biển.
Triển khai thêm các dự án xây dựng hạ tầng mới như Khu Đô thị - Du lịch Hàm Tiến - Mũi Né; làm mới đường kết nối đường Võ Nguyên Giáp với Cảng Hàng không Phan Thiết, một số tuyến đường ven biển, đường kết nối đường ven biển với đường Quốc lộ và cao tốc…
Ngoài ra, trên đà thắng lợi và hiệu ứng lan tỏa của Năm du lịch quốc gia “Bình Thuận - Hội tụ xanh”, dựa vào lợi thế khi có đường cao tốc, những bãi biển, thắng cảnh đẹp, khí hậu trong lành, thức ăn ngon, dịch vụ chất lượng, giá cả phù hợp... chúng tôi sẽ phát triển mạnh mẽ ngành du lịch, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh…
Ngành du lịch được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
Bình Thuận cũng tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nhất là trên các lĩnh vực đất đai, xây dựng, đầu tư…
Năm nay, tỉnh chọn chủ đề là “Nâng cao năng lực cạnh tranh và sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp”, trong đó trọng tâm là cải thiện các chỉ số PCI, PAR Index, SIPAS, PAPI với mục tiêu tạo ra môi trường đầu tư thông thoáng, thu hút các tập đoàn với các dự án quy mô lớn đầu tư vào tỉnh; tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, làm ăn có lãi.
Chúng tôi còn hai năm để thực hiện “đặt hàng” của Thủ tướng Chính phủ và chúng tôi có kỳ vọng sẽ hoàn thành được “đơn hàng” này.
Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận cho hay tỉnh còn hai năm để thực hiện “đặt hàng” của Thủ tướng Chính phủ và có kỳ vọng sẽ đạt được “đơn hàng” này.
Liên kết để phát triển
. Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Vậy tỉnh đã đề ra mục tiêu phát triển như thế nào trong giai đoạn này?
+ Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 có ý nghĩa vô cùng quan trọng, giúp tỉnh định hình được tầm nhìn, không gian phát triển, mở ra những tiềm năng mới, cơ hội mới để thu hút đầu tư, thúc đẩy sự phát triển nhanh, mạnh, bền vững.
Quy hoạch tỉnh đề ra mục tiêu chung đến năm 2030, Bình Thuận trở thành tỉnh phát triển năng động, nhanh và bền vững; mạnh, giàu từ biển, có thu nhập bình quân đầu người cao hơn mức bình quân của vùng và của cả nước; là trung tâm du lịch nghỉ dưỡng biển mang tầm quốc gia, quốc tế; một trong những trung tâm năng lượng xanh của cả nước.
Đến năm 2050, Bình Thuận trở thành cực phát triển quan trọng của khu vực Duyên hải Trung Bộ, có kinh tế biển phát triển mạnh, bền vững, cơ cấu kinh tế hiện đại; là trung tâm năng lượng sạch, trung tâm cung cấp dịch vụ du lịch quốc gia.
Bình Thuận có lợi thế về nhiều mặt khi nằm sát vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam.
. Vậy Bình Thuận sẽ làm gì để đạt được những mục tiêu nêu trên?
+ Để đạt được mục tiêu đó, Quy hoạch tỉnh đã xác định một số định hướng lớn. Cụ thể, trong lĩnh vực kinh tế, tập trung phát triển mạnh công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp sản xuất điện; phát triển nông nghiệp công nghệ cao, hình thành các vùng sản xuất tập trung.
Cùng đó là ưu tiên nguồn lực để phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh và xây dựng Bình Thuận trở thành Trung tâm Du lịch - Thể thao biển mang tầm quốc gia - quốc tế.
Phát triển dịch vụ vận tải, logistics trở thành ngành kinh tế quan trọng, đưa Bình Thuận trở thành một trong những trung tâm logistics của khu vực Nam Trung bộ và Nam Tây Nguyên.
Kinh tế ven biển sẽ được phát triển mạnh mẽ tại Bình Thuận.
Trong việc bố trí không gian phát triển mới, tỉnh thực hiện theo nguyên tắc “Một trục động lực - Hai trục liên kết - Ba trung tâm - Ba hành lang phát triển”.
Cụ thể, “trục động lực” là trục đông bắc - tây nam gắn với đường cao tốc Bắc - Nam phía đông, đường sắt tốc độ cao, đường sắt quốc gia và Quốc lộ (QL) 1A.
“Hai trục liên kết” là liên kết du lịch gắn du lịch biển của Bình Thuận với du lịch núi rừng của vùng Tây Nguyên và liên kết sản xuất gắn với nguồn tài nguyên khoáng sản, nông lâm sản vùng Tây Nguyên kết hợp với tài nguyên khoáng sản, nông lâm, thủy sản tại chỗ.
“Ba trung tâm” là trung tâm tỉnh (khu vực TP Phan Thiết và phụ cận), trung tâm phía nam (hạt nhân là đô thị La Gi) và trung tâm phía bắc (hạt nhân là đô thị Liên Hương).
“Ba hành lang” phát triển gồm: Hành lang phát triển gắn với trục động lực; hành lang ven biển gắn với việc hình thành tuyến giao thông đường bộ ven biển và hành lang hỗ trợ phát triển kết nối các khu vực phía tây, tây bắc hướng tới mục tiêu “không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Cảng Vĩnh Tân là nơi kết nối hàng hải quan trọng trong khu vực và quốc tế.
Ngoài ra, tỉnh sẽ nghiên cứu hình thành khu kinh tế ven biển phía nam nằm trên địa bàn huyện Hàm Tân và thị xã La Gi; Khu công nghệ cao (ở khu vực trung tâm). Bình Thuận đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ đầu tư hoàn thành 10 Khu công nghiệp, 38 cụm công nghiệp; tập trung phát huy các khu vực có vai trò động lực của tỉnh là TP Phan Thiết; thị xã La Gi; huyện Tuy Phong, các Khu công nghiệp trên địa bàn.
Tỉnh cũng xác định một số dự án, công trình trọng điểm giao thông cần ưu tiên đầu tư. Trong đó có dự án cải tạo, nâng cấp các QL 28B, 55; xây dựng mới Cảng hàng không Phan Thiết và đường kết nối Cảng hàng không Phan Thiết đến khu vực xã Hòa Thắng…
Ở tầm nhìn xa hơn, tỉnh sẽ xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Vĩnh Hảo - Liên Khương, nâng cấp các QL 1A, 28; hình thành Trung tâm logistics sân bay Phan Thiết và Trung tâm logistics Bình Thuận tại huyện Tuy Phong...
. Xin cảm ơn ông!
Chung sức, đồng lòng vượt qua khó khăn, thử thách Bình Thuận đang trên đà phát triển mạnh mẽ với tiềm lực và nhiều cơ hội mới đang mở ra. Song, trên chặng đường phía trước, vẫn còn không ít khó khăn và thử thách. Tôi mong muốn tất cả cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân tiếp tục tin tưởng, đoàn kết, chung sức, đồng lòng, cùng nhau vượt qua khó khăn, thử thách. Cùng đó là phải tận dụng tốt những thời cơ và vận hội mới, cùng quyết tâm đưa tỉnh Bình Thuận bứt phá mạnh mẽ, ngày càng giàu mạnh, văn minh, hiện đại, đẹp hơn, xanh hơn. Từ đó, đưa Bình Thuận trở thành nơi đáng sống, là điểm đến hấp dẫn, an toàn cho du khách và nhà đầu tư; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao. Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận DƯƠNG VĂN AN |