Bí thư xã, phường thành lập mới ở Thanh Hóa (sau khi không tổ chức cấp huyện) phải là người có trình độ cao cấp lý luận chính trị.
Bí thư Đảng ủy xã, phường có thể là Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy
Ngày 14/5, thông tin từ Tỉnh ủy Thanh Hóa cho biết, ông Nguyễn Doãn Anh - Bí thư Tỉnh ủy vừa ký ban hành Quy định số 4030-QĐ/TU về bố trí nhân sự cấp ủy tại các xã, phường mới thành lập khi sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp xã (không tổ chức cấp huyện).
Theo quy định nêu trên, các xã, phường thành lập mới ở tỉnh này có thể được bố trí Bí thư đảng ủy là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy hoặc Tỉnh ủy viên.
Trường hợp đặc biệt (xã có vị trí quan trọng, hạ tầng phát triển, thuộc khu kinh tế, công nghiệp, địa bàn khó khăn...), nhân sự là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy có thể được phân công làm bí thư đảng ủy xã.
Ngoài ra, quy định cho phép điều động, biệt phái cán bộ từ miền xuôi lên miền núi, nhất là người có chuyên môn khoa học kỹ thuật để hỗ trợ phát triển kinh tế.
Tại các xã miền núi cao hoặc xã biên giới, có thể tăng cường cán bộ quân đội giữ chức bí thư, phó bí thư hoặc ủy viên ban thường vụ cấp ủy.
Trong quá trình sắp xếp, ưu tiên vận động cán bộ không đủ điều kiện tái cử (còn dưới 5 năm công tác, trình độ chuyên môn hạn chế) nghỉ công tác theo quy định.
Bí thư xã, phường phải có trình độ cao cấp lý luận chính trị
Tỉnh ủy Thanh Hóa quy định cụ thể tiêu chuẩn và thứ tự ưu tiên trong bố trí nhân sự lãnh đạo tại các xã, phường mới thành lập, như sau: Bí thư cấp ủy xã, ưu tiên thứ tự là, Tỉnh ủy viên, Bí thư cấp ủy cấp huyện, Phó Bí thư cấp ủy cấp huyện, Cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý, Ủy viên Ban Thường vụ cấp huyện, Huyện ủy viên là Phó Chủ tịch HĐND hoặc UBND cấp huyện.
Đối với vị trí Phó Bí thư cấp ủy xã, ưu tiên những người đang giữ chức Phó Bí thư cấp ủy cấp huyện; Cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý; Ủy viên Ban Thường vụ cấp huyện; Huyện ủy viên là Phó Chủ tịch HĐND và UBND; Trưởng phòng, ban sở, ngành cấp tỉnh (với địa bàn khó khăn có thể là phó trưởng phòng); Trưởng, phó các ban Đảng cấp huyện. Nếu thiếu cán bộ, có thể bố trí cán bộ cấp xã đảm nhiệm.
Đối với vị trí Ủy viên Ban Thường vụ cấp ủy xã; Trưởng cơ quan tham mưu giúp việc Đảng ủy; Chủ tịch MTTQ; Phó Chủ tịch HĐND và UBND xã thành lập mới sẽ ưu tiên những người là: Ủy viên Ban Thường vụ cấp huyện; Trưởng các ban hoặc Phó Chủ tịch HĐND, UBND cấp huyện; Trưởng, phó phòng sở, ngành cấp tỉnh; Chánh văn phòng, trưởng phòng cấp huyện; cán bộ chủ chốt cấp xã có thành tích, năng lực nổi trội; Phó trưởng phòng cấp huyện.
Đối với Trưởng phòng, ban tương đương hoặc trưởng đoàn thể cấp xã thành lập mới sẽ ưu tiên những người là: Trưởng, phó phòng cấp huyện; Cán bộ chủ chốt xã, phường hiện có. Nếu còn thiếu cán bộ, có thể bố trí Phó Chủ tịch HĐND, UBND, trưởng đoàn thể xã hiện có.
Vị trí phó Trưởng phòng, ban tương đương ở cấp xã thành lập mới sẽ ưu tiên những người là: phó Trưởng phòng cấp huyện; Cán bộ xã, phường tiêu biểu; Chuyên viên sở, ngành cấp tỉnh; phó Chủ tịch HĐND và UBND cấp xã có năng lực; Chuyên viên phòng, ban cấp huyện; Công chức xã có trình độ chuyên môn phù hợp, năng lực nổi trội.
Tỉnh ủy Thanh Hóa cũng quy định về yêu cầu chung với cán bộ cấp xã là những người phải có trình độ Đại học trở lên; có trình độ Trung cấp lý luận chính trị trở lên. Riêng Bí thư cấp ủy xã phải có bằng Cao cấp lý luận chính trị.
Về thẩm quyền quyết định công tác cán bộ, đối với nhân sự Ban chấp hành, Ban Thường vụ, lãnh đạo chủ chốt của cấp xã mới thành lập do Ban Tổ chức Tỉnh ủy xây dựng phương án, xin ý kiến của Bí thư Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy.