(GDTĐ) - Từ 17/6, ngoài Vietcombank sẽ có thêm 2 ngân hàng thương mại quốc doanh là BIDV và Agribank sẽ thực hiện giao dịch vàng miếng SJC bằng hình thức trực tuyến.
Theo thông báo, hai ngân hàng BIDV và Agribank chỉ thực hiện giao dịch bán vàng miếng trực tuyến với khách hàng đặt trước thành công từ hôm này (ngày 17/6).
Như vậy, cùng với Vietcombank, hiện đã có 3/4 ngân hàng quốc doanh đã áp dụng hình thức đăng ký trực tuyến để bán vàng miếng SJC. Duy chỉ còn VietinBank là nhà băng duy nhất còn giữ cách bán vàng trực tiếp tại chi nhánh.
Với BIDV, khách hàng sẽ đăng ký mua vàng trực tuyến trên website vào buổi sáng thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần, trừ ngày nghỉ, lễ. Thời gian thanh toán và nhận vàng tại điểm bán từ 13h30 đến 16h trong ngày đăng ký mua.
Cuối tuần trước Agribank cũng cho biết bán vàng online từ hôm nay, thay vì bán trực tiếp tại các điểm bán của ngân hàng. Cách thức đăng ký mua, nhận vàng tương tự các nhà băng khác.
Các ngân hàng sẽ hủy thông tin đăng ký mua nếu khách đến muộn 30 phút so với lịch hẹn nhận vàng.
Tuần trước, Vietcombank là ngân hàng quốc doanh đầu tiên thông báo bán vàng trực tuyến. Tuy vậy, trước nhu cầu cao từ phía khách hàng, hệ thống đăng ký mua online hết lượt đặt chỗ chỉ sau vài phút. Một số khách hàng thông báo gặp tình trạng lỗi khi đăng nhập và không kịp đặt trước.
Trước đó, từ 3/6 - thời điểm 4 ngân hàng quốc doanh và SJC bán vàng cho người dân, tình trạng hàng dài người xếp hàng chờ lấy số diễn ra. Điều này do mỗi điểm bán của các nhà băng chỉ nhận từ 20-40 khách mua một ngày, trong khi thời gian giao dịch ít, quy trình xác minh với những khách mua số lượng lớn mất nhiều thời gian. Vì thế, không ít khách hàng túc trực từ 4-5h sáng để chờ lấy số.
Ngoài người dân có nhu cầu mua trực tiếp, cũng có hiện tượng một số cá nhân được thuê xếp hàng để mua vàng "giá rẻ" từ Ngân hàng Nhà nước cung ứng.
Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM cũng cảnh báo việc người dân mua bán vàng miếng tại các doanh nghiệp không có giấy phép là trái quy định và sẽ bị phạt.
Hiện, cả nước có 22 ngân hàng và 16 doanh nghiệp được cấp phép kinh doanh vàng miếng như SJC, DOJI, PNJ, Mi Hồng, Bảo Tín Minh Châu, Vàng Phú Quý, Vàng Kim Ngọc Phú, Vàng bạc đá quý Ngọc Hải...
Các doanh nghiệp vàng trang sức mỹ nghệ không được cấp phép nhưng vẫn giao dịch vàng miếng với người dân, hoặc người dân tự mua bán với nhau là trái quy định. Các giao dịch này sẽ bị cơ quan chức năng xử phạt. Nghị định 88/2019 nêu phạt cảnh cáo các hành vi mua bán vàng với đơn vị không có giấy phép, phạt tiền từ 10 đến 20 triệu đồng nếu tái phạm nhiều lần.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp kinh doanh mua, bán vàng miếng nhưng không có giấy phép hoạt động này sẽ bị phạt từ 300 triệu đồng đến 400 triệu đồng.