Rút kinh nghiệm từ năm ngoái con vào lớp 1 kiến thức đơn giản nên chỉ đăng ký học thêm giáo viên chủ nhiệm một thời gian ngắn chị xin cho con nghỉ để dành thời gian học ngoại ngữ và các môn kỹ năng sống ở trung tâm.
“Nhưng cô giáo có thái độ khác hẳn với con. Nếu như trước đó đi học thêm cô thường xuyên trao đổi bài vở ở lớp thì sau khi nghỉ, con thường xuyên bị chê bai chữ xấu, viết chậm, không theo kịp các bạn. Sốt ruột, tôi thuê gia sư kèm 1-1 để không mất công đưa đón và nhận thấy con không đến nỗi nào nhưng cuối năm bài kiểm tra vẫn chỉ được 9 điểm Toán, 8 điểm Tiếng Việt”, chị Thuỷ nói.
Anh N.H (quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) có con đang học lớp 4, mỗi tuần cháu đi học thêm 3 lần. “Học xong buổi chiều cháu đến thẳng trung tâm dạy thêm, do một cô giáo trong trường mở. Ca học tối của cháu từ 17-19 giờ, chủ yếu học ba môn Toán, Tiếng Việt, Tiếng Anh”, anh H nói.
Thấy con đi học từ sáng tới 7 giờ tối mới về cũng xót, nhưng hầu như phụ huynh nào cũng cho con đi học thêm. Theo anh H, khi cháu đi học thêm, về nhà gần như không cần mở sách vở ra ôn bài nữa. Toàn bộ kiến thức cần ôn luyện cô cho học hết trên lớp học thêm, thỉnh thoảng chỉ mở mấy môn phụ ra xem.
“Mấy bài kiểm tra trên lớp đều na ná với bài cô ôn luyện ở lớp học thêm. Nếu con mình không đi thì con chịu thiệt. Tui còn lo cháu bị “đì” nữa”, một phụ huynh bày tỏ.
Cấm vẫn lách
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, cô Nguyễn Thị Yến, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Nhân Tông (quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng), cho hay, theo quy định, đối với học sinh học 2 buổi/ngày, trường không tổ chức dạy thêm, học thêm. Nhà trường đã yêu cầu các giáo viên ký cam kết không dạy thêm ở nhà.
Theo Sở GD&ĐT TP Đà Nẵng, từ đầu năm học, Sở đã có văn bản yêu cầu các trường chỉ đạo các giáo viên không dạy trước chương trình, tuyệt đối không giao thêm bài tập về nhà cho học sinh đối với các lớp dạy học 2 buổi/ngày và không dạy thêm, học thêm dẫn đến gây áp lực cho học sinh và phụ huynh.
Khi được các trường quán triệt, nhiều giáo viên vẫn lách theo cách tham gia dạy ở các trung tâm. Nhiều phụ huynh biết có lớp của giáo viên cũng vội đăng ký cho con theo học.
Về vấn đề quản lý dạy thêm, học thêm, bà Nguyễn Thị Bích Hạnh, Hiệu trưởng Trường tiểu học Phú La, quận Hà Đông (Hà Nội), cho biết, đầu năm học hằng năm, nhà trường đều yêu cầu giáo viên ký cam kết không tổ chức dạy thêm.
Ngoài ra, trong sinh hoạt chuyên môn hằng tuần, Ban giám hiệu thường xuyên nhắc nhở, quán triệt đội ngũ thực hiện nghiêm túc quy định của Bộ GD&ĐT, trong đó có cả việc không giao bài tập về nhà cho học sinh tiểu học. Học sinh tiểu học được học ngày 2 buổi trên lớp đã giải quyết được tất cả bài vở.
Bà Hạnh thừa nhận, có phụ huynh phản ánh tình trạng giáo viên của trường dạy thêm, học thêm.
“Ban Giám hiệu nhà trường đã phối hợp cùng phường, lực lượng công an, tổ dân phố đi đến địa điểm phụ huynh phản ánh để kiểm tra nhưng không phát hiện hiện tượng đó. Nhà trường đã quán triệt, giáo viên đã ký cam kết vẫn tổ chức dạy thêm, vi phạm quy định tuỳ mức độ sẽ bị xử lý”, bà Hạnh nói.
Chị Hồng Tân (huyện Hóc Môn, TPHCM) cho biết, với mức lương công nhân chưa tới 8 triệu đồng mỗi tháng, chị phải chi tiền học thêm cho hai con lớp 2 và lớp 5 gần 2 triệu đồng. Số còn lại không đủ trang trải tiền nhà trọ, sách vở, ăn uống, sinh hoạt phí… cho 3 mẹ con. “Học sinh cấp 1 được miễn học phí, nhưng tôi chưa hết mừng thì phải chi số tiền lớn cho con học thêm, trong lúc một mình phải gồng gánh cả gia đình. Ở lớp của con cháu nào cũng đi học thêm, con không đi học, tôi sợ cháu không theo kịp bạn bè. Ở nhà thì tôi không đủ khả năng tự kèm cặp con, trên lớp thì đông, cô giáo không thể theo sát từng học sinh”, chị nói. |