Không chỉ “cướp lộc” tại các cửa hàng trên đường phố, đồ cúng trong sân chùa cũng bị nhiều người dân “vét sạch” bỏ vào thùng lớn, bao lớn đem đi trong chưa đầy 15 giây khiến nhiều người ngỡ ngàng.
Chứng kiến sự hỗn loạn của những màn giật cô hồn, nhiều người lên án, bày tỏ mong muốn loại bỏ hủ tục này. Bản chất của tục lệ này không xấu nhưng đang dần biến tướng với nhiều mục đích khác nhau. GS.TS. Bùi Quang Thanh (Viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam) cho biết, tín ngưỡng giật đồ cúng cô hồn nguyên thủy vốn là tục lệ của người Hoa. Khi truyền vào vùng Nam bộ nước ta, tín ngưỡng này lan ra một số khu vực dân cư chủ yếu của người Hoa, sau đó là cư dân Việt ở một số địa bàn TP.HCM và vùng lân cận.
“Đây là hoạt động tín ngưỡng vốn mang ý niệm đưa đồ bố thí cho các vong hồn vô gia cư. Người dân quan niệm cúng và ban phát đồ cúng dâng cho cô hồn để tránh bị quấy phá trong đời sống thường nhật. Tháng 7 âm lịch được coi là tháng cô hồn theo quan niệm dân gian, vì thế thực hành tín ngưỡng này có thể diễn ra vào bất cứ ngày nào trong tháng. Về sau, do sự biến đổi tín ngưỡng, người dân quan niệm, sau khi cúng cô hồn, lộc trên mâm lễ được nhiều người vào cướp đi là mang lại may mắn cho gia chủ. Người đi cướp cũng có quan niệm càng lấy được nhiều đồ cúng càng gặp nhiều may mắn”, GS.TS Bùi Quang Thanh phân tích.
Cần quản lý chặt chẽ hơn
PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội lên án việc tụ tập giật đồ cúng cô hồn và gây náo động. Ông cho rằng: “Việc giật đồ cúng phải được thực hiện một cách tôn trọng và nhẹ nhàng. Việc gây náo động và ảnh hưởng đến sự yên tĩnh của một khu vực không chỉ là việc làm phiền người dân xung quanh mà còn có thể gây mất trật tự công cộng”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn nêu. Ông cho rằng việc giật đồ cúng là một phần của quan niệm tâm linh và văn hóa dân gian, tuy nhiên, tục lệ này ngày càng biến tướng theo hướng tiêu cực. Ông nhấn mạnh, tục lệ này cần được thực hành một cách hợp lý để đảm bảo trật tự công cộng và tôn trọng người dân xung quanh.
“Chính quyền địa phương nên đưa ra các quy định, hướng dẫn cụ thể để đảm bảo tính an toàn và trật tự công cộng như xác định các khu vực cụ thể để thực hiện việc giật đồ cúng, giới hạn số lượng người tham gia. Bên cạnh đó, chúng ta có thể xem xét việc thay đổi hình thức thực hành sao cho phù hợp với văn minh đô thị hiện đại để nghi lễ vừa giữ được giá trị truyền thống, vừa phù hợp với cuộc sống hiện tại, không kích thích thói xấu của con người”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn đề xuất.
GS.TS. Bùi Quang Thanh đề xuất, các nhà quản lý văn hóa cần có chế tài cụ thể xử lý những hành vi, hành động phản văn hóa này. “Bên cạnh đó, cần có sự tuyên truyền để người dân nhận thức được ý nghĩa mang tính tượng trưng, biểu tượng của tập tục văn hóa truyền thống”, ông Thanh nói.
Người dân hãi hùng Anh Trần Huy Phong (TPHCM) tiếc nuối vì tục lệ này ngày càng biến chất. “Trước đây, việc giật cô hồn làm cho người cúng và người giật đều vui vẻ. Giờ có một số bạn trẻ rủ rê kéo bè phái, làm mất trật tự và manh động khi tham gia giật cô hồn”, anh Huy Phong nói. Với chị Nguyễn Hoài Linh (Hoàng Mai, Hà Nội), cảnh tượng giật cô hồn diễn ra tại TPHCM đang làm mất đi giá trị tâm linh vốn có của tục lệ này. “Thiết nghĩ tập tục này không còn phù hợp trong đời sống đương đại. Quan điểm càng giật nhiều gia chủ càng may mắn đang tạo cơ hội cho người ta giật đồ, nuôi dưỡng tâm xấu, vì vậy cần điều chỉnh”, chị Hoài Linh nói. |