Binh sĩ Mỹ đào tẩu sang Triều Tiên có thể được đối xử ra sao?

20/07/2023, 16:00
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Đối với các binh sĩ Mỹ từng vượt biên giới sang Triều Tiên, Bình Nhưỡng thường đối xử khác biệt, bao gồm bố trí phiên dịch viên, phương tiện riêng, tài xế và chỗ ở cho người đó.

Khi một binh sĩ Mỹ đào tẩu sang Triều Tiên, Bình Nhưỡng có thể sẽ xây dựng đội ngũ an ninh và giám sát riêng, sắp xếp phiên dịch viên, cung cấp xe riêng, lái xe và nơi ở cho người đó.

"Trong cuộc sống hàng ngày, họ không thể tự đi ra ngoài mua sắm ở Bình Nhưỡng mà không có người đi cùng", ông Tae Yong-ho nói.

King có thể cung cấp cho Triều Tiên một số thông tin tình báo quân sự, nhưng giá trị có lẽ không cao vì King chỉ là binh sĩ cấp thấp, ông Tae Yong-ho nói thêm.

Andrei Lankov, giám đốc Nhóm Nghiên cứu rủi ro về Triều Tiên ở Seoul nói Bình Nhưỡng có một sách lược tiêu chuẩn để đối xử tốt với những người Mỹ và những người phương Tây đào tẩu sang Triều Tiên.

Trường hợp của thanh niên Mỹ Otto Warmbier, người rơi vào tình trạng hôn mê và qua đời không lâu sau khi được Triều Tiên trả về Mỹ năm 2017 là điều hiếm hoi.

Ông Lankov cho rằng, binh nhì Travis King có thể không bị đối xử như thanh niên Warmbier vì đó là trường hợp xảy ra duy nhất một lần. Ngoài ra, Warmbier không phải là trường hợp chủ ý đào tẩu. Thanh niên Mỹ này bị bắt giữ năm 2015 khi tham gia đoàn du lịch ở Triều Tiên. Camera an ninh ghi lại hình ảnh Warmbier cố gắng đánh cắp một một khẩu hiệu tuyên truyền. 

"Triều Tiên luôn đối xử khác biệt với người phương Tây", ông Lankov nói.

Theo chuyên gia Lankov, Triều Tiên thường giữ công dân phương Tây trong khách sạn 4 sao hoặc căn nhà có tiêu chuẩn tương đương, áp dụng chính sách đối xử tốt với họ nhằm tránh gây các phản ứng bất lợi từ dư luận quốc tế. "Đời sống của họ có thể nói là tốt hơn mức sống trung bình ở Triều Tiên", ông Lankov nói.

Ông Lankov cho rằng, ngoài việc sử dụng hình ảnh binh sĩ Mỹ cho mục đích tuyên truyền, Triều Tiên khó có thể thực sự có thể dựa vào những tình huống tương tự để làm đòn bẩy địa chính trị với Washington.

"Ở trong nước, Triều Tiên có thể coi hành động đào tẩu của King là thất bại trong nỗ lực khiêu khích của Mỹ và Washington phải cầu xin tha thứ", Lankov nói. "Nhưng tôi không nhớ có trường hợp lính Mỹ đào tẩu nào mà Bình Nhưỡng có thể sử dụng như đòn bẩy nhằm buộc Washington nhượng bộ".

Rachel Minyoung Lee, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Stimson ở Mỹ, cũng cho rằng Triều Tiên giữ im lặng vì muốn tìm hiểu về vai trò, tầm quan trọng cũng như động cơ đào tẩu của King. Bà Lee nhận định Triều Tiên có thể không coi binh nhì Mỹ là quân bài thương lượng có giá trị cao.

"Triều Tiên biết rằng chính phủ Mỹ khó có thể thay đổi chính sách hoặc cam kết về tăng cường khả năng răn đe vì một binh sĩ, người đã phải đối mặt với án kỷ luật ở Hàn Quốc và tự ý vượt biên sang Triều Tiên", bà Lee nói.

Theo (Tri thức & Cuộc sống)
https://vietnamdaily.trithuccuocsong.vn/doi-song-24h/binh-si-my-dao-tau-sang-trieu-tien-co-the-duoc-doi-xu-ra-sao-179996.html
Copy Link
https://vietnamdaily.trithuccuocsong.vn/doi-song-24h/binh-si-my-dao-tau-sang-trieu-tien-co-the-duoc-doi-xu-ra-sao-179996.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Binh sĩ Mỹ đào tẩu sang Triều Tiên có thể được đối xử ra sao?