Báo cáo kiểm kê hiện trạng rừng và đất lâm nghiệp thuộc dự án cho thấy, hầu hết diện tích rừng và đất lâm nghiệp khu vực nằm là 639 ha (chiếm 94%), trong đó phần lớn là đất rừng sản xuất với 489,1 ha; đất rừng đặc dụng 149,1 ha và một phần rất nhỏ là đất rừng phòng hộ với 0,86 ha. Diện tích có rừng ngoài 3 loại rừng trong khu vực điều tra là 40,72 ha.
Phần lớn diện tích rừng và đất lâm nghiệp khu vực điều tra thuộc quản lý của Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Móng - Ka Pét với 481,7 ha; kế đến là diện tích thuộc Ban quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Núi Ông với 149,1 ha; UBND xã Mỹ Thạnh quản lý 40,7 ha; Công ty TNHH MTV LN Bình Thuận quản lý 8,2 ha.
Để thực hiện dự án, sẽ cần phải chuyển đổi mục đích đối với khoảng 620 ha đất rừng, bao gồm 612,5 ha đất rừng tự nhiên và 7,1 ha đất rừng trồng.
Về quy mô, Hồ chứa nước Ka Pét nằm trong nhóm dự án quan trọng Quốc gia được Quốc hội phê duyệt Chủ trương đầu tư, là công trình cấp II thuộc lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Về các hạng mục chính, đầu tiên sẽ là hồ chứa nước với dung tích toàn bộ 51,21 triệu m3, tích hợp các công trình gồm: Đập đầu mối; công trình tràn xả lũ; cống lấy nước đầu mối; công trình điều tiết; kênh chuyển nước.
Đối với hệ thống kênh, sẽ nâng cấp và kéo dài kênh chính Hàm Cần với tổng chiều dài 15,4 km, trong đó đoạn kênh nâng cấp dài khoảng 6,4 km và đoạn kênh kéo dài (làm mới) dài 9 km. Kênh Mỹ Thạnh sẽ kênh chính dài khoảng 4,1 km và các kênh nhánh dài khoảng 2,3 km.
Các công trình phụ trợ gồm: Nhà quản lý công trình đầu mối; nhà quản lý hệ thống kênh; đường thi công kết hợp quản lý vận hành nối từ đường Mỹ Thạnh vào vị trí đập chính (4,1 km; rộng 6 m); hệ thống điện phục vụ quản lý vận hành.
Dự án được triển khai xây dựng sẽ đảm bảo cấp đủ nước tưới cho 7.762 ha, gồm khu tưới Mỹ Thạnh (127 ha), đập Hàm Cần (1.430 ha), bổ sung nước tưới của kênh Sông Linh – Cẩm Hang (745 ha); điều tiết bổ sung nước cho khu tưới của hồ Ba Bầu (1.000 ha); tiếp nước để tưới mở rộng cho khu tưới của hồ sông Móng (4.460 ha).
Bên cạnh đó, sẽ cấp nước thô cho khu công nghiệp Hàm Kiệm 2 khoảng 2,63 triệu m3/năm; cấp nước thô cho sinh hoạt của khoảng 120.000 người dân khu vực huyện Hàm Thuận Nam và TP Phan Thiết.
Ngoài ra, dự án sẽ giúp điều tiết, cắt giảm đỉnh lũ và cải tạo môi trường. Cụ thể: Trung chuyển nước từ hồ La Ngà 3 sang lưu vực sông Cà Ty với lưu lượng 8,3 m3/s (khi hồ La Ngà 3 hoàn thành); cắt giảm đỉnh lũ trên sông Cà Ty và điều tiết nước cho vùng hạ du gồm huyện Hàm Thuận Nam và TP Phan Thiết, đồng thời cải thiện môi trường sinh thái.
Về tiến độ, thời gian thực hiện dự án Hồ chứa nước Ka Pét dự kiến là 6 năm, từ năm 2019 đến năm 2025.
Trong đó, quý IV/2019 trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư; năm 2020 - hết quý II/2022 lập báo cáo nghiên cứu khả thi, báo đánh giá tác động môi trường, khai thác nước mặt và các báo cáo chuyên ngành. Cả hai bước này dự án đã hoàn thành.
Giai đoạn Quý II - quý IV/2022 sẽ báo cáo Chính phủ trình Quốc hội phê duyệt điều chỉnh, bổ sung chủ trương đầu tư dự án. Quý I/2023 quyết định đầu tư, triển khai lập và phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công cho các hạng mục công trình đầu mối và hệ thống kênh; các công trình phụ trợ như nhà quản lý, đường thi công kết hợp quản lý; hệ thống điện phục vụ quản lý vận hành; thực hiện công tác trồng rừng thay thế.
Giai đoạn quý II - quý III/2023 sẽ tổ chức đấu thầu và triển khai thi công công trình đầu mối; công tác khai thác tận dụng lâm sản; công tác rà phá bom mìn, vật nổ và đền bù đất nông nghiệp các hạng mục kênh.
Giai đoạn quý III - quý IV/2023 sẽ tổ chức đấu thầu và ký hợp đồng thi công hệ thống kênh; tiếp tục thi công các hạng mục công trình đầu mối; thực hiện đền bù đất nông nghiệp các hạng mục còn lại.
Từ quý I - quý III/2024 sẽ hoàn thành các công trình phụ trợ, công tác tận thu lâm sản và vệ sinh lòng hồ theo tiến độ thi công tăng chiều cao đập công trình đầu mối; tiếp tục thực hiện công tác đền bù giải phóng mặt bằng (nếu có) và thi công hệ thống kênh.
Quý IV/2024, dự án sẽ thi công hoàn thành toàn bộ công trình đầu mối cùng với các công trình phụ trợ, tiếp tục thực hiện công tác trồng rừng thay thế.
Dự kiến vào năm 2025, dự án sẽ thi công hoàn thành toàn bộ công trình, tổ chức công tác nghiệm thu bàn giao công trình cho đơn vị quản lý sử dụng, quyết toán công trình; tất toán tài khoản dự án và bàn giao tài sản dự án.
Tổng mức đầu tư ban đầu của dự án là 586 tỷ đồng, sau này đã được Quốc hội điều chỉnh tăng lên thành 874 tỷ đồng.
Trong cơ cấu nguồn vốn, chi phí xây dựng sẽ chiếm 438 tỷ đồng; chi phí trồng rừng thay thế là 167 tỷ đồng; chi phí dự phòng là 132 tỷ đồng;... Vốn đầu tư sẽ đến từ nguồn ngân sách địa phương và ngân sách Trung ương.