Ngoài ra, chỉ khi nào có đủ căn cứ chứng minh là việc đưa tiền cho ai, đưa bao nhiêu tiền thì mới có thể khởi tố, điều tra, kết luận và đề nghị truy tố. Theo đó, chứng cứ rõ đến đâu thì kết luận đến đó.
Bên cạnh đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an cũng phân công, ủy thác cho công an 61 tỉnh/thành phố điều tra vụ Việt Á. Đến nay, một số địa phương vẫn đang trong quá trình điều tra để làm rõ số tiền thu lợi bất chính và bôi trơn.
Với một hành vi nhận tiền nhưng bị can này bị khởi tố tội danh này, bị can kia khởi tố tội danh khác, Trung tướng Tô Ân Xô cho rằng, phương thức và hoàn cảnh nhận tiền của các bị can trong vụ Việt Á khác nhau.
Trung tướng Xô cho biết, có bị can đặt yêu cầu, nêu thỏa thuận, đặt điều kiện với đối tượng đưa tiền và họ nhận tiền xong mới xử lý việc. Nhưng cũng có bị can không đưa ra yêu cầu, điều kiện, thỏa thuận trong việc xử lý công việc và họ chỉ nhận tiền, quà sau khi công việc đã hoàn thành. Bởi vậy, hành vi, động cơ khác nhau trong việc nhận tiền sẽ bị xử lý khác nhau.
Ông Xô nói thêm, trong kết luận điều tra, Bộ Công an đã đề nghị truy tố 38 bị can về 6 tội danh. Việc khởi tố điều tra, đề nghị truy tố với các bị can được Bộ Công an tiến hành khoa học, thận trọng, khách quan, toàn diện, triệt để, thực hiện nghiêm quy định pháp luật.
Chủ trương trong vụ Việt Á rất nghiêm khắc nhưng cũng nhân văn, nhân ái, có sự phân hóa rõ từng bị can, từng hành vi để đánh giá toàn diện, xác định rõ tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm, tình tiết khoan hồng. Trên cơ sở không oan sai, không bỏ lọt tội phạm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ.