Bộ GTVT đề xuất xe máy đang lưu hành phải kiểm định về phát thải khí thải mỗi năm một lần. Ảnh: PHI HÙNG
Chỉ nên kiểm định các xe cũ nát
TS Nguyễn Xuân Thủy, chuyên gia giao thông đô thị, nhận định phát thải khí thải từ xe cơ giới đang gây ô nhiễm môi trường không khí đô thị, trong đó ô tô gây ô nhiễm gấp nhiều lần xe máy. Dù vậy, ông cho rằng việc đưa quy định kiểm soát khí thải đối với xe máy đang sử dụng vào dự án Luật Đường bộ là phù hợp.
Việc Bộ GTVT cần làm đó là đưa ra cách thức tổ chức thực hiện làm sao không gây phiền phức cho người dân. Trong đó, phải xem phương tiện nào cần kiểm định, phương tiện nào không... “Tức là chúng ta phải đưa ra tiêu chí cụ thể” - ông Thủy nói.
Theo quan điểm của vị chuyên gia, cơ quan chức năng chỉ nên thực hiện kiểm định đối với xe máy cũ nát, có thời gian sử dụng lâu, nhả khói đen... Tức là không buộc toàn bộ xe máy đang lưu hành thực hiện kiểm định khí thải định kỳ. Vì hiện nay, Hà Nội có trên 7,7 triệu xe máy, TP.HCM có khoảng 9 triệu xe máy, nếu kiểm tra hết thì không phù hợp.
Song song đó, việc kiểm định xe cũng cần đặt trong bối cảnh của từng địa phương, không thể đưa ra một quy định chung bắt cả nước thực hiện. “Chỉ nên kiểm tra ở những TP có mật độ dân cư cao. Chẳng hạn, TP có dân số 300.000-500.000 người trở lên mới thực hiện chính sách trên...” - ông Thủy nêu quan điểm.
Anh Nguyễn Văn Hùng, chủ một cơ sở bảo dưỡng xe máy ở quận Nam Từ Liêm, cho biết để xác định phương tiện nào thuộc diện phải kiểm tra định kỳ rất khó, bởi có những phương tiện đã sử dụng trên 20 năm nhưng khi đến xưởng bộ lọc không khí rất tốt, xe chạy êm, máy còn “sáng”. Ngược lại, các xe mới sử dụng khoảng 5-10 năm đã nhả khói đen.
“Tôi cho rằng cần triển khai thí điểm trước khi đưa vào luật để tạo sự đồng thuận của người dân. Vì rõ ràng quy định này làm tốn chi phí và thời gian của người dân, đó là chưa kể những thủ tục kiểm định rườm rà khác gây khó khăn cho họ” - anh Hùng góp ý.
Điểm mới của Luật Đường bộ Tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV đã thảo luận, cho ý kiến về dự án sửa đổi, bổ sung Luật Giao thông đường bộ. Tuy nhiên, còn nhiều ý kiến khác nhau nên Quốc hội đã gửi phiếu xin ý kiến của các đại biểu Quốc hội và đề nghị nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội. Tiếp thu ý kiến của các đại biểu, Bộ GTVT thống nhất đổi tên luật thành Luật Đường bộ. Đồng thời rà soát, phân định rõ phạm vi điều chỉnh của dự án Luật Đường bộ để đảm bảo không trùng lặp, chồng chéo với dự án Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ. Việc sửa đổi sẽ theo hướng Luật Đường bộ quy định về kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; phương tiện giao thông đường bộ; vận tải đường bộ và quản lý nhà nước về hoạt động đường bộ. Luật Đường bộ cũng chỉ còn sáu chương, 95 điều. So với dự thảo Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đã chuyển hai chương sang Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ đó là chương: Quy tắc giao thông đường bộ, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ. Luật Đường bộ cũng đã sửa đổi 40 điều, bổ sung mới 54 điều. |