Bộ trưởng GD&ĐT: Giáo viên đi dạy 5 năm, thu nhập chỉ 6 triệu đồng/tháng

Hà Cường/VTC News | 02/11/2022, 15:23
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Trong báo cáo gửi đại biểu Quốc hội mới đây, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đề cập tới tình trạng hàng nghìn giáo viên nghỉ việc, chuyển việc.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, theo thống kê từ hệ thống cơ sở dữ liệu ngành, năm học 2021-2022 có 16.265 giáo viên nghỉ việc, chuyển việc. Trong đó, giáo viên công lập nghỉ việc là 10.407 người, giáo viên ngoài công lập nghỉ việc là 5.858 người.

Bộ trưởng GD&ĐT: Giáo viên đi dạy 5 năm, thu nhập chỉ 6 triệu đồng/tháng - Ảnh 1.

Theo số liệu, lượng giáo viên nghỉ việc, chuyển việc ra khỏi ngành chủ yếu tập trung ở các vùng điều kiện kinh tế - xã hội phát triển như Hà Nội, TP.HCM , Đà Nẵng, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương...

Tư lệnh ngành giáo dục lý giải, ở những địa phương này, giáo viên có nhiều sự lựa chọn để chuyển đổi nghề nghiệp với mức thu nhập cao hơn (giáo viên nghỉ việc sẽ chuyển sang làm việc ở các trường tư thục hoặc làm việc ở các lĩnh vực khác có thu nhập cao hơn).

Một số ít địa phương điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn như Gia Lai, Sơn La…, giáo viên nghỉ việc cũng nhiều hơn các địa phương khác.

Ở bậc mầm non, nhiều giáo viên nghỉ việc nhất. Nguyên nhân, hơn 2 năm ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, một số cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập phải đóng cửa, dẫn đến giáo viên ở các cơ sở này phải tìm kiếm việc làm khác. Một số giáo viên mầm non không phải người địa phương trở về quê cùng gia đình tránh dịch và không trở lại.

Với cơ sở giáo dục công lập, tình trạng giáo viên nghỉ việc là do chế độ, chính sách về tiền lương còn nhiều bất cập, lương giáo viên chưa đủ để trang trải cuộc sống.

“Hiện giáo viên công tác trong 5 năm đầu thu nhập bình quân từ lương và phụ cấp khoảng 6 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, chi phí thiết yếu cho cuộc sống (ăn, ở, nuôi con, chăm sóc sức khỏe…) khá cao. Điều này khiến một số giáo viên phải chuyển sang làm các công việc khác thu nhập cao hơn”, Bộ trưởng nói. Mặt khác, sự phát triển của các thành phần kinh tế trong thời kỳ đổi mới đã tạo ra nhiều cơ hội lựa chọn việc làm khác cho đội ngũ giáo viên.

Thêm vào đó, một số cơ sở giáo dục chậm đổi mới trong quản lý, áp lực công việc với giáo viên còn lớn. Dù trong những năm qua, ngành giáo dục quyết liệt trong việc đổi mới cơ chế quản lý nhưng sự thay đổi trong một số nhà trường còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu.

Ngoài vấn đề lương, môi trường làm việc, áp lực dạy học, Bộ trưởng cũng chỉ ra nhiều vấn đề khác như cơ sở vật chất các trường công lập chưa đáp ứng được nhu cầu hoạt động nghề nghiệp của giáo viên, tác động của nền kinh tế thị trường và nhu cầu của giáo viên tăng, giáo viên năng lực tốt thường xu hướng đến những nơi điều kiện tốt hơn để tìm cơ hội thăng tiến; một số giáo viên chấp nhận bỏ nghề, đi học lại để tìm kiếm cơ hội việc làm khác.

Để giải quyết thực trạng "chảy máu" nhân lực, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đề nghị, Quốc hội cho phép xây dựng Luật Nhà giáo nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến tiêu chuẩn, tuyển dụng, quản lý, đãi ngộ, tôn vinh… phù hợp với vai trò, vị trí quan trọng, đặc thù lao động nghề nghiệp của nhà giáo; tạo động lực để nhà giáo gắn bó, tâm huyết với sự nghiệp giáo dục.

"Nhà nước cần quan tâm hơn tới chính sách tiền lương và các chế độ ưu đãi khác của viên chức giáo dục để tiền lương và thu nhập cơ bản đáp ứng được nhu cầu của cuộc sống. Với giáo viên mới vào nghề, giáo viên hợp đồng cần có chính sách hỗ trợ để đảm bảo thu nhập không thấp hơn lương tối thiểu vùng; được hưởng phụ cấp ưu đãi, các khoản hỗ trợ học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng dạy học…" , báo cáo của Bộ trưởng nêu rõ.

Ngoài chính sách chung của Nhà nước, các địa phương căn cứ điều kiện kinh tế - xã hội, có các chính sách hỗ trợ khác về thu nhập, điều kiện làm việc, nhà công vụ, đi lại… cho giáo viên.

Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục quan tâm xây dựng môi trường văn hóa trong trường học, phát huy dân chủ, tạo không khí đoàn kết, chia sẻ trong tập thể sư phạm; xây dựng các mối quan hệ hài hòa giữa cán bộ quản lý và giáo viên, giữa giáo viên với nhau; giữa giáo viên với cha mẹ học sinh và cộng đồng xã hội. Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho giáo viên trong điều kiện cho phép và phù hợp với quy định.

Bộ GD&ĐT tiếp tục rà soát, sửa đổi các quy định về chế độ làm việc, chính sách với nhà giáo theo thẩm quyền, tạo động lực và động viên nhà giáo hoàn thành nhiệm vụ; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà trường và quản lý đội ngũ để giảm bớt áp lực cho giáo viên…

Theo báo cáo của Bộ Nội vụ, trong vòng 2,5 năm, cả nước có 39.552 cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc ( hơn 4.000 công chức và hơn 35.000 viên chức). Bình quân mỗi năm khoảng 15.820 người nghỉ việc. Trong đó, số cán bộ, công chức, viên chức cấp trung ương nghỉ việc chiếm 18%, địa phương 82%.

Bộ Nội vụ chỉ ra nguyên nhân do chính sách tiền lương vẫn còn nhiều khó khăn trong khu vực công. Thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức tại một số địa phương bị chênh lệch so với mặt bằng thu nhập của người dân trên địa bàn. Nhiều lý do khác như môi trường làm việc, quy hoặc nhân sự, tinh giảm biên chế....


Bài liên quan
"Chuẩn bị tốt nhân sự đại hội Đảng, bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND"
"Chuẩn bị tốt nhân sự đại hội đảng bộ các cấp; bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026-2031".

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bộ trưởng GD&ĐT: Giáo viên đi dạy 5 năm, thu nhập chỉ 6 triệu đồng/tháng