Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn: Hơn 40.000 giáo viên bỏ việc, khó chồng khó

Theo Hà Linh | 14/08/2023, 11:20
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Trao đổi với PV Tiền Phong trước thềm năm học mới, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn khẳng định: Năm học 2023-2024 là năm trọng tâm đổi mới chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 theo chiều sâu với nhiều thách thức như thiếu cơ sở vật chất, thiếu giáo viên trầm trọng, nhưng ngành xác định, đây là năm quan trọng, hiệu quả các phần việc có vai trò quan trọng trong quá trình đổi mới căn bản, toàn diện của ngành.

Khi triển khai chương trình GDPT 2018, chúng tôi vừa có những khó khăn nội tại của ngành vừa có những khó khăn từ bên ngoài.

Về đội ngũ, không phải tất cả giáo viên đều sẵn sàng thích ứng vì trước đó một bộ phận các giáo viên đã quen cách làm cũ, có lối mòn. Để khắc phục, chúng tôi đang động viên, hỗ trợ giáo viên để tất cả cùng cố gắng nhằm “không ai bị bỏ lại phía sau”. Trong công cuộc này, giáo viên được trao quyền chủ động, sáng tạo rất lớn. Từ việc dạy học đến kiểm tra, đánh giá, lựa chọn học liệu… làm sao dạy học phát huy được năng lực cá nhân của học sinh. Tuy nhiên, để học sinh có năng lực mới và tốt như vậy đòi hỏi năng lực của người thầy cũng phải đổi mới và nâng lên rất nhiều. Để đáp ứng, những năm qua, giáo viên rất vất vả với khối công việc nhiều hơn, khó hơn, phải học tập nâng cao trình độ, tập huấn, làm quen SGK mới, học liệu, bài giảng mới…

“Nhà giáo phải nỗ lực thay đổi rất nhiều trong khi tiền lương chưa thay đổi, cuộc sống không được cải thiện. Đó thực sự là những khó khăn lớn đối với đội ngũ nhà giáo”.

Một bộ phận không nhỏ giáo viên đã chuyển nghề, nghỉ việc chuyển hướng đi xuất khẩu lao động, làm ở các khu công nghiệp, làm tự do... Trong vòng 3 năm học kể từ tháng 8/2020 đến tháng 8/2023, tổng số giáo viên mầm non, phổ thông nghỉ việc, bỏ việc lên đến con số hơn 40.000 người. Trong đó 2 năm học có số lượng giáo viên bỏ việc nhiều nhất là năm 2021-2022 (khoảng 16.000) và năm học 2022-2023 (hơn 13.000). Ban đầu, chúng tôi đánh giá do tác động của dịch bệnh, đời sống khó khăn dẫn đến đội ngũ nhà giáo rời bỏ nghề nhiều như vậy. Tuy nhiên, khi dịch bệnh lắng xuống, tình trạng đó vẫn tiếp diễn. Bên cạnh con số giáo viên bỏ nghề, trung bình hằng năm có khoảng 10.000 giáo viên nghỉ hưu theo chế độ.

Trong vòng 3 năm học kể từ tháng 8/2020 đến tháng 8/2023, tổng số giáo viên mầm non, phổ thông nghỉ việc, bỏ việc lên đến con số hơn 40.000 người.


Trong khi đó, từ năm 2020 đến nay, ngành mới được giao chỉ tiêu hơn 26.000 biên chế. Đối chiếu số lượng giáo viên nghỉ việc và giáo viên được tuyển dụng cho thấy đang có sự chênh lệch rất lớn. Tình hình tuyển dụng giáo viên ở các địa phương đang gặp nhiều khó khăn. Ở vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn, dù được giao biên chế, có chế độ ưu đãi vẫn không tuyển được giáo viên, nhất là giáo viên giảng dạy các môn học như Ngoại ngữ, Tin học, Mỹ thuật, Nghệ thuật. Một số tỉnh có chỉ tiêu lại không tuyển được giáo viên, đặc biệt là giáo viên mầm non.

Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn: Hơn 40.000 giáo viên bỏ việc, khó chồng khó - Ảnh 5.

Giáo viên rất vất vả với khối công việc nhiều hơn, khó hơn nhưng chế độ tiền lương chưa tăng.

Một vấn đề khó khăn nữa là mỗi tỉnh, thành phố có sự quan tâm khác nhau, khó khăn khác nhau dẫn đến đầu tư, đáp ứng điều kiện về trường lớp, phòng học, thư viện, phòng chức năng, phòng học bộ môn… cho đổi mới cũng khác nhau và về cơ bản nguồn lực đầu tư còn nhiều hạn chế. Tôi muốn nhấn mạnh rằng, trước khi đổi mới giáo dục phổ thông, ngành vốn dĩ đã có nhiều khó khăn chưa thể khắc phục các điều kiện về cơ sở vật chất, trường, lớp, trang thiết bị dạy học, thì giai đoạn đổi mới, những khó khăn này đã tăng lên nhiều lần bởi yêu cầu đảm bảo các điều kiện ấy phải tốt hơn nhiều lần.

Thực tế đến nay tỉ lệ phòng học chưa được kiên cố hóa, phòng học tạm còn chiếm khoảng 30% tổng số phòng học, trường lớp trên cả nước. Đặc biệt ở các vùng sâu, vùng xa ở Tây Nguyên, Tây Bắc, vấn đề này còn trầm trọng hơn.

Rõ ràng muốn nâng cao chất lượng giáo dục nhưng nhiều điều kiện tối thiểu chúng ta chưa có được. Điều này không chỉ ảnh hưởng tới chất lượng của đổi mới mà còn gia tăng sự bất bình đẳng trong giáo dục. Trong khi đó, ở các đô thị lớn lại gặp khó khăn khác. Đó là sự dịch chuyển dân cư cơ học, tăng dân số quá nhanh dẫn đến thiếu trường, lớp. Như Thủ đô Hà Nội, dù thành phố có dành nhiều kinh phí để xây dựng trường lớp nhưng nội đô thiếu thốn quỹ đất. Như vậy, trong bức tranh tổng thể, mỗi nơi đều có khó khăn riêng.

Đề xuất nâng phụ cấp ưu đãi đối với giáo viên mầm non, tiểu học

Vậy ngành có giải pháp nào để khắc phục hạn chế và hoàn thành mục tiêu đã đề ra cho năm học này?

Về cơ sở vật chất, thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ kiến nghị với các bộ, ngành từ T.Ư đến địa phương cần đặc biệt quan tâm đến các điều kiện để triển khai đổi mới. Bộ GD&ĐT sẽ tăng cường hỗ trợ về chuyên môn như tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm tổ chức dạy học, kiểm tra, đánh giá nhằm giúp giáo viên thuận lợi hơn trong công việc, bớt căng thẳng, áp lực.

Cũng liên quan đến đội ngũ, Bộ đã điều chỉnh về đào tạo của các trường ĐH sư phạm nhằm cung ứng nhiều hơn nguồn tuyển giáo viên cho các địa phương. Bên cạnh đó, đơn vị đang hoàn thành việc sửa nghị định liên quan đến đào tạo giáo viên trong năm nay, đặc biệt là Nghị định 116. Việc này được kỳ vọng sẽ mở rộng hơn nguồn tuyển. Bộ GD&ĐT cũng đang làm thủ tục trình Quốc hội cho phép tạm thời tuyển dụng giáo viên mầm non theo chuẩn của Luật Giáo dục cũ, đặt ra yêu cầu đến năm 2030, giáo viên phải đạt chuẩn.

Đối với chế độ của nhà giáo, Bộ GD&ĐT đã phối hợp với Bộ Nội vụ lấy ý kiến các bộ, ngành khác trình Chính phủ đề xuất nâng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non và tiểu học. Đến nay, hai bộ đã thống nhất, Chính phủ cũng đã có chỉ đạo và đang lấy ý kiến các bộ, ngành cũng như thực hiện các thủ tục tiếp theo.

Đề nghị tinh giảm biên chế theo hướng giảm số người hưởng lương bằng ngân sách và hạn chế cắt chỉ tiêu biên chế giáo dục.

Cảm ơn ông!

Theo tienphong.vn
https://tienphong.vn/bo-truong-gddt-nguyen-kim-son-hon-40000-giao-vien-bo-viec-kho-chong-kho-post1559944.tpo
Copy Link
https://tienphong.vn/bo-truong-gddt-nguyen-kim-son-hon-40000-giao-vien-bo-viec-kho-chong-kho-post1559944.tpo
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn: Hơn 40.000 giáo viên bỏ việc, khó chồng khó