Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội về vấn đề này, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc nói ý kiến đại biểu Quốc hội hoàn toàn đúng. Theo Bộ trưởng, khó khăn nhất trong nền kinh tế hiện nay là hạn chế tổng cầu, trong khi cơ cấu hình thành nên tổng cầu là tiêu dùng xã hội, đầu tư tư nhân, xuất nhập khẩu…
Lãnh đạo Bộ Tài chính cho rằng đầu tư công sẽ dẫn dắt cho đầu tư tư nhân phát triển. Khi đầu tư công được giải ngân sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, các ngành nghề đều được thụ hưởng, dẫn dắt đầu tư tư nhân. "Hiện do nghẽn giải ngân đầu tư công nên Bộ Tài chính phải gửi số tiền này của Kho bạc nhà nước vào Ngân hàng Nhà nước lãi suất 0,8%/năm" - ông Hồ Đức Phớc cho hay.
Từ các vướng mắc trong vấn đề đầu tư công, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho rằng phải sửa luật, có thể dùng một luật sửa nhiều luật, trong đó cần sửa Luật Đầu tư công mới có thể khắc phục tình trạng này. Theo Bộ trưởng, khâu chuẩn bị đầu tư hiện nay còn nhiều bất cập.
Cũng liên quan đến đầu tư công, đại biểu Trần Anh Tuấn (đoàn TP HCM) cho rằng nguồn vốn đưa vào nền kinh tế còn chậm, đầu tư công vẫn là điểm nghẽn dù Chính phủ đã có nhiều giải pháp để cải thiện tiến độ giải ngân vốn.
Ông Tuấn phân tích việc chuẩn bị đầu tư dự án kéo dài, làm chậm quá trình triển khai thực hiện dự án, nhưng các cơ quan không làm rõ chậm ở khâu nào, do ai, để khắc phục, xử lý trách nhiệm.
Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân (đoàn TP HCM) cũng băn khoăn về việc nguồn lực, tiềm năng tăng trưởng bên trong của nước ta chưa phát huy tốt. Khi hạ tầng còn khó khăn từ giao thông đến y tế, nhưng đầu tư công lại "không dùng hết tiền".
Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, chậm giải ngân vốn đầu tư công, giải ngân vốn không đạt kế hoạch đề ra cho thấy sự lãng phí kéo dài. Bởi, nếu đầu tư công được thúc đẩy mạnh mẽ, sẽ là động lực cho tăng trưởng, mở ra cơ hội phát triển cho nhiều ngành nghề, lĩnh vực.
Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân đề nghị Chính phủ cần giám sát chặt tiến độ giải ngân, có chế tài xử lý trách nhiệm các cá nhân, tổ chức khi không hoàn thành kế hoạch giải ngân.