Đến nay, nhà trường có chức năng, nhiệm vụ đào tạo dự bị Tiếng Việt cho lưu học sinh Lào, Campuchia vào học tại các cơ sở giáo dục ở Việt Nam. Tổ chức thi và cấp chứng chỉ tiếng Việt cho người nước ngoài. Giảng dạy cấp THPT cho học sinh dân tộc thiểu số, lưu học sinh Lào và các đối tượng khác theo mô hình trường phổ thông dân tộc nội trú. Tổ chức tập huấn và bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho giáo viên nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào các môn Khoa học tự nhiên và tiếng Việt.
Trải qua hơn 40 năm xây dựng, phát triển, nhà trường đã có nhiều đóng góp trong đào tạo nguồn nhân lực cho hai nước bạn Lào, Campuchia và nguồn đào tạo cán bộ cho miền núi, hải đảo. Đã có gần 10.000 học sinh các dân tộc Việt Nam gần 5.000 lưu học sinh Lào, gần 4.000 lưu học sinh Campuchia, đã học tập, trưởng thành từ nơi đây.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Thứ trưởng Ngô Thị Minh và đoàn công tác của Bộ GD&ĐT thăm bếp ăn tại Trường Hữu Nghị T80. |
Báo cáo tại buổi làm việc, cô Chu Kim Phượng, hiệu trưởng nhà trường cho biết: Hiện trường có 1.207 học sinh THPT (33 lớp), trong đó có 20 lưu học sinh Lào; 318 lưu học sinh Lào, Campuchia (12 lớp). Đội ngũ công chức, viên chức và nhân viên hợp đồng nhà trường có 174 người, trong đó có 114 giáo viên.
Hơn 30 năm, mặc dù học sinh dân tộc thiểu số của nhà trường được cử tuyển từ các địa phương, chất lượng đầu vào hạn chế, nhưng sau ba năm học tại trường các em đã tiến bộ rõ rệt. Tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp hàng năm đều đạt 99,7% đến 100%. Có nhiều học sinh đạt giải cao trong kỳ thi học sinh giỏi thành phố Hà Nội.
Năm học 2021-2022, nhà trường có 1 dự án đạt giải nhất, 1 dự án đạt giải tư trong cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học. Năm học 2022-2023, học sinh nhà trường đạt 2 giải nhất cụm Sơn Tây - Ba Vì, 1 giải nhất cuộc thi Robot và 1 giải nhất cuộc thi tìm hiểu kiến thức pháp luật...
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Thứ trưởng Ngô Thị Minh và đoàn công tác của Bộ GD&ĐT thăm lớp học, trao đổi với giáo viên, học sinh tại Trường Hữu Nghị T80. |
Trong những năm qua, Trường Hữu nghị T80 cũng đồng thời thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo tiếng Việt. Đặc biệt, nhà trường phối hợp với các tổ chức Hữu nghị thực hiện chương trình nhận gia đình đỡ đầu cho các lưu học sinh. Đã có hàng trăm lưu học sinh được các gia đình ở thị xã Sơn Tây nhận làm con nuôi. Chương trình là cơ hội để các lưu học sinh thực hành tiếng Việt; đồng thời tạo mối quan hệ nghĩa tình giữa lưu học sinh với các gia đình Việt, xây đắp tình đoàn kết hữu nghị giữa 2 dân tộc Việt Nam-Lào, Việt Nam - Campuchia.
Từ thuận lợi, khó khăn qua thực tế hoạt động, tại buổi làm việc, Trường Hữu nghị T78 và Trường Hữu nghị T80 gửi kiến nghị tới Bộ GD&ĐT để có thể thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ trong giai đoạn tới. Thứ trưởng Ngô Thị Minh, đại diện lãnh đạo các đơn vị của Bộ GD&ĐT đã có những trao đổi xung quanh các kiến nghị, đề xuất, cũng như định hướng phát triển của nhà trường.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại buổi làm việc với Trường Hữu nghị T78. |
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn ghi nhận, biểu dương sự nỗ lực, cố gắng của hai trường, trong điều kiện còn khó khăn, yêu cầu công việc cao, trách nhiệm lớn và nặng nề, đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Khẳng định Trường Hữu nghị T78, Trường Hữu nghị T80 có những đặc thù và thuộc Bộ GD&ĐT, trước bối cảnh mới, Bộ trưởng đề nghị cả hai trường cần tái sắp xếp, điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ sao cho phù hợp với yêu cầu mới của quá trình phát triển.
“Nhà trường xác định phải đổi mới, phải phát triển để đảm nhiệm được những chức năng nhiệm vụ được giao tốt nhất trong giai đoạn hiện nay”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại buổi làm việc với Trường Hữu nghị T80. |
Bộ trưởng đồng thời cho rằng, 2 trường cần xác định hướng phát triển mới với vai trò là trường quốc tế thực hiện nhiệm vụ đào tạo quốc tế bậc THPT; trong đó, giai đoạn đầu tập trung đào tạo học sinh Lào, Campuchia. Tiến tới thu hút học sinh ngoài diện hiệp định, ngoài nhà nước bao cấp, không chỉ ở nước bạn Lào, Campuchia, mà cả các nước khác trong khu vực và quốc tế. Đồng thời, cần phải đào tạo cho học sinh Lào, Campuchia từ bậc phổ thông một cách sâu hơn, sớm hơn.
Cùng với đó, Bộ trưởng cũng giao nhiệm vụ cho 2 trường phải là nơi chuẩn mực nhất, hiện đại nhất trong dạy học tiếng Việt như một ngoại ngữ. Là nơi tiên phong, mẫu mực trong thực hiện Chương trình GDPT 2018. Đồng thời, mở rộng thêm chức năng, nhiệm vụ dạy tiếng Lào, tiếng Campuchia ở trình độ phổ thông và bồi dưỡng. Cần phải có một đội ngũ giáo viên được đào tạo bài bản ngôn ngữ tiếng Lào, Campuchia để có thể triển khai dạy song ngữ.
Để thực hiện những điều trên, hai trường cần phải làm đề án, mở rộng chức năng, nhiệm vụ với một tầm nhìn rộng, phù hợp, bền vững, ổn định hơn. Nếu làm được, chúng ta sẽ thay đổi được toàn bộ diện mạo, đẳng cấp của ngôi trường. Từ đó, làm tốt được việc giữ gìn, xây đắp mối quan hệ Việt Nam - Lào, Việt Nam - Campuchia.
Bộ trưởng giao các cục, vụ liên quan hỗ trợ hai trường trong xây dựng đề án, quy chế hoạt động và hỗ trợ tháo gỡ những khó khăn của trường về chuyên môn, cơ sở vật chất, cũng như chế độ chính sách đối với các học sinh, lưu học sinh. “Lãnh đạo Bộ đã, đang và sẽ quan tâm đến trường bằng tất cả những gì có thể”, Bộ trưởng khẳng định.