Trường Tiểu học Ngô Quyền (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) luôn chú trọng chăm sóc cây xanh trong trường. |
Thầy Phạm Thanh Yên, Phó Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (Quận 1, TPHCM), cho biết, mảng xanh rất quan trọng để học sinh học tập và vui chơi. Xác định rõ điều này những năm qua nhà trường đặc biệt quan tâm đến công tác đảm bảo an toàn và chăm sóc cây xanh. Cụ thể, đơn vị đã hợp đồng với 2 nhân viên làm vườn để chăm sóc mảng xanh trong trường. Nếu phát hiện cây có mối, mọt hay thân bị khô… các nhân viên sẽ báo với nhà trường, từ đó ban giám hiệu mời các công ty có chuyên môn đến kiểm tra.
“Bình quân mỗi năm định kỳ 1 - 2 lần trường đều hợp đồng với công ty cây xanh của TPHCM đến kiểm tra, chăm sóc, tỉa cây và thường xuyên thăm khám các cây cổ thụ lâu năm để đảm bảo an toàn học đường. Cuối tháng 4, đầu tháng 5 tới bắt đầu mùa mưa bão, nhà trường cũng đang làm kế hoạch nhờ các bên chuyên môn đến khám cây. Các cây lớn ở trường đa phần là me tây, phượng… nhìn bên ngoài tốt tươi nhưng trong thân có thể mối mọt. Tuy nhiên, khó khăn nhất trong công tác chăm sóc cây vẫn là kinh phí”, thầy Yên chia sẻ.
Trường Tiểu học Mạc Đĩnh Chi (Ninh Kiều, TP Cần Thơ) là một trong số ít ngôi trường còn giữ lại các cây xanh cổ thụ lớn. Theo thầy Lê Kinh Đô, Hiệu trưởng, hiện khuôn viên trường có 7 cây cổ thụ. Để đảm bảo an toàn, trường đã hợp đồng cùng các đơn vị chuyên về cây xanh để bảo dưỡng, kiểm tra định kỳ vào đầu năm học và trước mùa mưa bão. “Mỗi năm nhà trường chi khoảng 10 triệu đồng cho công tác bảo dưỡng, kiểm tra đánh giá mức độ an toàn và chi phí vận chuyển bẻ nhánh, cành cây xanh trong trường. Hầu hết, các chi phí trên đều được trường thực hiện xã hội hóa”, thầy Đô cho biết.
Thầy Lê Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường THCS và THPT Trần Ngọc Hoằng (huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ), chia sẻ: “Chi phí duy tu, bảo dưỡng hay tỉa cành tương đối nhỏ nên trường có thể chủ động trích từ kinh phí hoạt động hằng năm. Tuy nhiên, trường đang gặp khó trong việc tìm kiếm chuyên gia đánh giá, thẩm định mức độ an toàn cây xanh. Đặc biệt, với cây cổ thụ phải thuê chuyên gia các tỉnh khác. Hiện, đơn vị công trình đô thị tại địa phương chủ yếu đến bảo dưỡng, kiểm tra và tỉa nhánh, cành trước và trong mùa mưa bão”.
“Để vừa giữ mảng xanh vừa bảo đảm an toàn, trong sân trường chỉ nên trồng những loại cây có hệ rễ phát triển tốt, cành nhánh dẻo dai. Bên cạnh đó, không nên trồng tràn lan, nên cân nhắc nếu khuôn viên trường chật hẹp cần chọn giải pháp khác để tăng mảng xanh, còn cây cổ thụ chỉ phù hợp với không gian rộng. Về lâu dài, các cây cổ thụ phải được giám định để có kế hoạch thay thế, cây nào cần để lại hay đốn bỏ”, ông Đinh Quang Diệp chia sẻ.