Hình thức tổ chức bồi dưỡng được kết hợp trực tiếp và trực tuyến. Cụ thể, tài liệu học tập sẽ được số hóa và đăng tải trên hệ thống học tập LMS Viettel. Hơn 4.000 học viên của 63 tỉnh/thành phố được Học viện cung cấp tài khoản truy cập hệ thống để học viên tự nghiên cứu tài liệu. Học viên hoàn thành chương trình và được cấp giấy chứng nhận.
Bên cạnh đó, với phương châm “thực học, thực hành”, học viên đã tự học, tự nghiên cứu tài liệu trước khi học tập trung, trong những ngày học tập trung, các báo cáo viên, giảng viên nêu vấn đề nội dung mới cần tập trung giải quyết. Học viên đề xuất vấn đề thực tiễn cơ sở giáo dục phổ thông cần thực hiện, những khó khăn, vướng mắc trong triển khai Chương trình GDPT 2018; đồng thời tăng cường trao đổi kinh nghiệm thực tiễn của các học viên. Trong từng lớp học luôn tạo được môi trường dạy học tương tác, không khí cởi mở giữa báo cáo viên, giảng viên và học viên.
Ngoài ra, các đợt tập huấn, bồi dưỡng được sự quan tâm, giám sát chặt chẽ của Ban Quản lý Chương trình ETEP Bộ GD&ĐT, Cục, Vụ chức năng của Bộ GD&ĐT. Với sự góp ý của các thành viên giám sát, Ban tổ chức tập huấn của Học viện luôn tiếp thu và cải tiến, hoàn thiện cách thức tổ chức và giảng dạy, đặc biệt là sự hỗ trợ nhiệt tình, hiệu quả của đội ngũ cán bộ kỹ thuật của Tập đoàn Viettel; sự đóng góp nhiệt tình, trách nhiệm, tâm huyết của đội ngũ giảng viên chủ chốt…
Đào tạo máy cái
- Vậy việc giám sát công tác bồi dưỡng đại trà được Học viện thực hiện như thế nào, thưa PGS?
- Bên cạnh bồi dưỡng 4.000 cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán, việc hỗ trợ, hướng dẫn hơn 76.000 cán bộ quản lý đại trà của 3 cấp học thuộc 63 tỉnh, thành phố cũng được đặc biệt quan tâm, chú trọng và thực hiện khẩn trương trong thời gian ngắn. Mục đích của tập huấn, bồi dưỡng cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán là “đào tạo máy cái”; qua đó cần sự lan tỏa, ảnh hưởng tích cực đến đội ngũ cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông đại trà của các địa phương.
Sau khi được bồi dưỡng, tập huấn, với sự hỗ trợ của đội ngũ giảng viên chủ chốt, học viên sẽ trực tiếp hỗ trợ, hướng dẫn đồng nghiệp của trường và các trường trong cụm ở địa phương về những nội dung đã được tập huấn. Đây là cơ hội để học viên phát huy kết quả thu được trong đợt tập huấn, bồi dưỡng vào thực tiễn công việc.
Tính đến tháng 12/2021, có hơn 40 nghìn cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông đại trà của 3 cấp học trong toàn quốc được hỗ trợ bồi dưỡng mô-đun 1, 2, 3; khoảng gần 30 nghìn cán bộ quản lý đại trà được hỗ trợ bồi dưỡng mô-đun 4, 5. Sau khi 4.000 cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán được bồi dưỡng các mô-đun, Học viện đã lập kế hoạch cho giảng viên chủ chốt hỗ trợ đội ngũ cốt cán trong việc hướng dẫn đồng nghiệp tại các địa phương và giám sát việc thực hiện nhiệm vụ này.
- Năm 2022, còn 3 mô-đun 6, 7 và 8, vậy các mô-đun này sẽ triển khai thực hiện như thế nào? Có gì khác biệt so với trước?
- Theo kế hoạch còn 3 mô-đun gồm, mô-đun 6: Xây dựng văn hóa nhà trường ở trường tiểu học/THCS/THPT; mô-đun 7: Thực hiện và xây dựng trường học an toàn, phòng chống bạo lực học đường ở trường tiểu học/THCS/THPT và mô-đun 8: Phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội để thực hiện giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh trường tiểu học/THCS/THPT. Các mô-đun này sẽ triển khai bồi dưỡng cho cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán trong năm 2022. Dự kiến tổ chức bằng hình thức trực tuyến. Theo đó, học viên tự học và nghiên cứu trên hệ thống LMS với sự hỗ trợ, hướng dẫn của cán bộ quản lý cốt cán.
- Nhân dịp năm mới, PGS muốn gửi thông điệp gì đến công tác tập huấn, bồi dưỡng cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông?
- Trước hết, cần khẳng định vai trò của cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán. Đây là người đứng đầu nhà trường, thực thi các chủ trương, nhiệm vụ của công cuộc đổi mới giáo dục tới từng cán bộ, giáo viên, học sinh và các bên liên quan. Họ có vai trò quan trọng trong quá trình thiết lập những định hướng phát triển nhà trường, tổ chức hoạt động dạy học, giáo dục học sinh, quản lý và thúc đẩy các hoạt động khác, tạo sự thành công cho ngành Giáo dục nói chung, nhà trường nói riêng.
Yêu cầu lãnh đạo, quản lý cơ sở giáo dục phổ thông trong thời kỳ mới đòi hỏi hiệu trưởng có những phẩm chất và năng lực hành động: Tạo lập tương lai của nhà trường; lãnh đạo, quản trị hoạt động học dạy, giáo dục, nhân sự, tài sản tài chính; tự nâng cao năng lực cá nhân và kết hợp với các cơ quan, đồng nghiệp khác; chịu trách nhiệm về công việc được giao và tăng cường phát triển cộng đồng thông qua các mối quan hệ gắn kết.
Thực hiện đổi mới giáo dục nói chung, đổi mới giáo dục phổ thông nói riêng, nhất là hiện nay đang triển khai Chương trình GDPT 2018 đặt ra cho cán bộ lãnh đạo ngành Giáo dục, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông, cũng như đội ngũ giáo viên những cơ hội và thách thức mới. Trước hết, đòi hỏi cán bộ quản lý phải thay đổi phong cách lãnh đạo, cần có năng lực quản trị phù hợp với sự thay đổi của bối cảnh đổi mới và điều kiện của nhà trường, địa phương.
Để bắt kịp với yêu cầu đổi mới giáo dục, đồng thời để đạt chuẩn hiệu trưởng cơ sở giáo dục phổ thông, đáp ứng yêu cầu thực hiện Chương trình GDPT 2018, đội ngũ cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông cần được bồi dưỡng và tự bồi dưỡng. Theo đó, công tác bồi dưỡng năng lực cán bộ quản lý trường phổ thông cần được triển khai đầy đủ, sâu rộng trong các cấp học, các địa phương.
Trong năm 2022, cần triển khai bồi dưỡng 3 mô-đun còn lại cho đội ngũ cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông. Đồng thời, cần đẩy mạnh công tác bồi dưỡng 9 mô-đun cho cán bộ quản lý đại trà. Tất cả 80 nghìn cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông được bồi dưỡng năng lực quản trị nhà trường, nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, mà trước mắt là Chương trình GDPT 2018.
- Xin trân trọng cảm ơn PGS!