Với học sinh đầu cấp, nhà trường tổ chức nhiều hoạt động nhằm tạo khớp nối, giúp các em không bị “sốc” khi chuyển tiếp môi trường học tập.
Theo cô Lê Thị Phương Dung - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Khuyến, TP Nam Định (Nam Định), học sinh lớp 9 vừa trải qua kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2024 - 2025 đầy căng thẳng nên rất cần cân bằng tinh thần trước khi bước vào cấp học mới.
Là ngôi trường có bề dày thành tích của “đất học Thành Nam”, nhà trường không chỉ chú trọng dạy - học các môn văn hóa mà còn quan tâm tới hoạt động trải nghiệm. Trường thành lập nhiều câu lạc bộ để tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích giúp học sinh có cơ hội thể hiện tài năng, sở trường và thế mạnh. Các em đăng ký tham gia trên tinh thần tự nguyện.
Cuối tháng 6 vừa qua, nhà trường tổ chức buổi gặp mặt các em khối 10 cùng phụ huynh tại sân trường với nhiều tiết mục hát múa vui nhộn. Cô Phương Dung nhấn mạnh, trong ba năm học tại trường, các em được học tập, rèn luyện các kỹ năng quan trọng, có những trải nghiệm bổ ích và phát huy tiềm năng vốn có. Điều này ý nghĩa lớn trong việc tạo bước đệm để học sinh thêm vững tâm khi chuyển từ cấp THCS lên THPT.
“Ngoài ra, thầy cô luôn sẵn sàng tiếp nhận và giải đáp mọi thắc mắc của học sinh, phụ huynh về các vấn đề liên quan đến chương trình học, phương pháp giáo dục của nhà trường; tư vấn chọn tổ hợp môn phù hợp với định hướng nghề nghiệp từng em; cách giải tỏa căng thẳng, mệt mỏi trong học tập. Trong thời gian tới, nhà trường tiếp tục tổ chức hoạt động để học sinh lớp 10 làm quen trường lớp, trải nghiệm tại các CLB trước khi bước vào năm học mới”, cô Dung nói.
Tại Trường THCS Phú La (quận Hà Đông, TP Hà Nội), cô Hiệu trưởng Trần Thị Lệ Hà trao đổi, lứa học sinh lớp 6 năm học tới là khóa cuối cùng học theo Chương trình GDPT 2006 ở lớp 5. Do đó, khi chuyển cấp các em cần một khoảng thời gian để quen trường lớp, thầy cô và bạn bè.
Dự kiến đầu tháng 8, nhà trường tổ chức chương trình chào đón tân học sinh với sự tham gia của thầy, cô giáo. Các em sẽ là nhân vật trung tâm và tự giới thiệu về bản thân đến từ đâu, sở trường gì, môn học nào yêu thích, ước mơ trong tương lai… Học sinh được trải nghiệm các trò chơi vận động để thu hẹp khoảng cách và tăng cường sự gắn kết bạn bè.
Một trong các hoạt động không thể thiếu là giới thiệu về truyền thống nhà trường, lịch sử địa phương cũng như tìm hiểu quy chế, nội quy. Đồng thời, bộ phận tư vấn tâm lý học đường cùng đội ngũ giáo viên chủ nhiệm luôn lắng nghe, chia sẻ mọi tâm tư của các em khi gặp vấn đề của tuổi mới lớn, sức khỏe học đường hay phương pháp học tập hiệu quả. Tất cả nhằm giúp các em vượt qua giai đoạn chuyển cấp từ tiểu học lên THCS.
Chuyển từ mầm non sang tiểu học là bước ngoặt quan trọng trong hành trình học tập của mỗi trẻ. Đây là giai đoạn các em bước từ môi trường vui chơi, tự do sang học tập có kỷ luật, đòi hỏi sự tập trung cao độ. Để giúp các em thích nghi với thay đổi này, Trường Tiểu học Đô thị Sài Đồng (quận Long Biên, TP Hà Nội) đã tổ chức các khóa học ngắn hạn Summer Camp trước khi trẻ vào lớp 1.
Cô Hiệu trưởng Lê Thị Thu Hường chia sẻ, mục đích của khóa học nhằm tạo sự khớp nối giữa các cấp học, giúp trẻ làm quen với môi trường học tập, phương pháp giảng dạy, yêu cầu học tập mới của cấp tiểu học. Chuyển từ hoạt động vui chơi là chủ đạo sang học tập học theo mô hình lớp, môn, bài, tiết có thể khiến các em bỡ ngỡ, lo lắng. Khóa học này giúp trẻ dần làm quen với nền nếp học tập mới, từ đó giảm thiểu “sốc” tâm lý khi chuyển cấp.
Ngoài ra, trẻ được rèn luyện các kỹ năng cần thiết cho việc học tập ở cấp tiểu học như: Kỹ năng tập trung, ghi chép, làm việc nhóm, giao tiếp. Thông qua các hoạt động học tập vui vẻ, bổ ích, khóa học giúp học sinh hứng thú với việc học tập.
Khóa học ngắn hạn cũng giới thiệu một số kiến thức cơ bản các môn học và hoạt động rèn luyện trong chương trình tiểu học như: Em yêu Tiếng Việt, Toán học vui, Làm quen máy tính, bóng rổ, đọc sách Tiếng Anh… Nhà trường đồng thời tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí giúp học sinh thư giãn, tạo tâm lý thoải mái như tham quan dã ngoại, hoạt động tập thể.
Nhờ được tham gia các khóa học, học sinh sẽ cảm thấy tự tin và bớt lo lắng hơn khi vào lớp 1. Khi đã quen với môi trường học tập mới và rèn luyện các kỹ năng cần thiết, trẻ có thể tiếp thu kiến thức tốt và đạt kết quả học tập cao hơn. Việc học tập ở tiểu học đòi hỏi học sinh phải tập trung cao độ và tuân thủ kỷ luật. Khóa học giúp học sinh dần làm quen những yêu cầu này, từ đó giảm thiểu áp lực cho các em.
“Khóa học Summer Camp đóng vai trò quan trọng trong việc giúp học sinh chuyển giao tốt từ cấp mầm non sang tiểu học. Tham gia khóa học này, học sinh sẽ được trang bị những kiến thức, kỹ năng cần thiết để tự tin bước vào môi trường học tập mới. Với tất cả tâm huyết và tình yêu thương dành cho trẻ, tập thể giáo viên Trường Tiểu học Đô thị Sài Đồng mong muốn mang đến cho các bé một mùa Hè thật vui vẻ, bổ ích và đáng nhớ”, cô Lê Thị Thu Hường nhấn mạnh.
Tương tự, tại Trường THCS & THPT Lương Thế Vinh cơ sở Cầu Giấy (Hà Nội), học sinh được trải nghiệm câu lạc bộ hè năm 2024 với các môn học ngoại khóa như: Bóng đá, bóng rổ, nhảy, bơi, STEAM, vẽ... từ những thầy cô hướng dẫn giàu kinh nghiệm, tận tâm. Hoạt động này được nhà trường chú trọng vì góp phần tạo sân chơi bổ ích trong hè cho học sinh, phụ huynh cùng đồng hành và chia sẻ.
Ngoài môn học chính khóa, câu lạc bộ hè Trường Lương Thế Vinh sẽ giúp học sinh rèn luyện thêm những kỹ năng mềm, bồi dưỡng khả năng và đam mê. Các CLB được phân bổ ở nhiều địa điểm trong trường để học sinh làm quen với môi trường học tập mới. Thành viên câu lạc bộ là học sinh từ lớp 6 - 9 sẽ giúp các em học tập và có thêm kinh nghiệm từ các anh chị khóa trên.