Số liệu của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về số lượng tuyển sinh đối với 15 cơ sở giáo dục nghề nghiệp du lịch được thực hiện vào tháng 9/2021 cũng cho thấy, số lượng tuyển sinh đã bị sụt giảm 32%. Đến hết năm (tháng 12/2021), kết quả tuyển sinh cũng chỉ bằng 50% so với năm 2019.
ThS Ngô Thị Quỳnh Xuân, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Du lịch Sài Gòn, cho biết điều này cũng rất dễ hiểu vì ngành du lịch trải qua một thời gian dài rơi vào cảnh ảm đạm.
Tuy nhiên, nguồn nhân lực luôn đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với ngành du lịch. Bởi đây là yếu tố quyết định sự thành công không chỉ của một sản phẩm du lịch, mà còn là thương hiệu du lịch của một quốc gia. Trong khi đó, đây cũng là ngành kinh tế rất đặc biệt vì khả năng phục hồi rất nhanh chóng sau đại dịch so với các ngành kinh tế khác.
Cần chính sách hỗ trợ học phí
Theo các chuyên gia, để giải quyết bài toán nguồn nhân lực cho ngành du lịch, rất cần sự phối hợp chặt chẽ giữa doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo nhằm bảo đảm chất lượng, tiết kiệm chi phí... cho cả hai bên. Tuy nhiên, trong quá trình kết hợp giữa các cơ sở đào tạo với doanh nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn.
Bởi đây là ngành có sự dịch chuyển lao động lớn, các doanh nghiệp luôn đối mặt với tình hình nhân viên nghỉ việc. Đây là một trong những nguyên nhân khiến doanh nghiệp rất thận trọng khi đặt hàng đào tạo các hệ từ hệ cao đẳng trở lên.
Để công tác đào tạo nhân lực ngành du lịch giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp hiệu quả, các chuyên gia cho rằng trong quá trình hợp tác, giữa các bên cần có văn bản thỏa thuận và cam kết trách nhiệm, quyền lợi. Điều này nhằm đảm bảo lợi ích giữa các bên.
Theo đó, mỗi một cơ sở đào tạo cần chủ động trong việc lôi kéo các doanh nghiệp tham gia quá trình đào tạo. Mặt khác, các cơ quan quản lý Nhà nước cần đẩy mạnh những chính sách, khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp tham gia. Đồng thời nghiên cứu ban hành một số quy định cụ thể quy định trách nhiệm của các doanh nghiệp đối với sự nghiệp đào tạo.
Theo ThS Vũ Hoài Phương, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Du lịch Huế, điều này hết sức cần thiết và mang lại lợi ích trên nhiều mặt cho cơ sở đào tạo, học sinh, sinh viên, doanh nghiệp và xã hội.
Đại diện nhiều trường còn đề xuất doanh nghiệp nên tăng cường đặt hàng đào tạo các trường và hỗ trợ học phí cho người học để có được nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu. Ngoài ra, du lịch là ngành mũi nhọn nên Nhà nước cũng nên có chính sách dành cho học sinh, sinh viên học khối ngành này, nhất là trong giai đoạn du lịch đang dần hồi phục trở lại.
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp Trương Anh Dũng, việc ký kết hợp tác giữa doanh nghiệp và cơ sở giáo dục nghề nghiệp không phải chỉ diễn ra trong 1 - 2 năm, mà cần được duy trì, phát huy trong những thời gian tiếp theo. Mục đích để các cơ sở giáo dục nghề nghiệp luôn đổi mới, không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo, nâng cao kỹ năng làm việc cho người lao động. Từ đó đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của doanh nghiệp và thị trường lao động nói chung.
Chính vì vậy, ngoài sự kết hợp giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các doanh nghiệp, các ngành liên quan, cần tăng cường chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tích cực phối hợp với các doanh nghiệp trong việc đào tạo, đào tạo lại và cung ứng nguồn nhân lực. Phối hợp xây dựng, điều chỉnh chương trình đào tạo cho phù hợp, sát với yêu cầu sử dụng lao động và văn hóa của doanh nghiệp.