Bước đi 'dài hơi' đào tạo nhân lực ngành vi mạch bán dẫn

30/03/2024, 06:39
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Các trường đại học ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có những bước đi “dài hơi” trong phát triển nhân lực ngành Điện tử và vi mạch bán dẫn...

Trong giai đoạn bùng nổ công nghệ mới (trí tuệ nhân tạo, IoT, dữ liệu lớn...), các trường đại học ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có những bước đi “dài hơi” trong phát triển nhân lực ngành Điện tử và vi mạch bán dẫn.

Nhiều “dư địa” nhân lực công nghệ cao

Tại TP Cần Thơ, Sở Khoa học và Công nghệ TP Cần Thơ, Trường Bách khoa (thuộc Trường ĐH Cần Thơ), Trường ÐH Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ và Công ty Cổ phần Giáo dục quốc tế Sun Edu vừa ký kết hợp tác đào tạo nhân lực ngành Điện tử và vi mạch bán dẫn. Việc này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng; là tiền đề, lan tỏa và chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao về điện tử và vi mạch bán dẫn tại TP Cần Thơ và ÐBSCL.

Theo thỏa thuận, các bên hợp tác tổ chức hiệu quả chương trình đào tạo, bồi dưỡng, phát triển và mở rộng nguồn nhân lực chất lượng cao về vi mạch bán dẫn để đón đầu nhu cầu của các nhà đầu tư, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này. Trong khuôn khổ hợp tác, các bên sẽ tổ chức khóa đào tạo chuyên sâu cho viên chức, giảng viên và sinh viên trên địa bàn TP Cần Thơ cũng như ÐBSCL.

Ông Ngô Anh Tín - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP Cần Thơ cho biết: TP Cần Thơ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt khu công nghệ cao để thu hút nhà đầu tư về khoa học công nghệ, nhà đầu tư lớn tiềm năng. Cần Thơ phải đào tạo phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao để phục vụ một số doanh nghiệp, đặc biệt chuẩn bị cho khu công nghiệp VSIP Cần Thơ và một số đối tác khi đầu tư vào thành phố.

“Sự hợp tác của Trường ĐH Cần Thơ và Trường ĐH Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ là tiền đề quan trọng cho sinh viên có trình độ, được đào tạo kỹ thuật chuyên sâu trong lĩnh vực thiết kế vi mạch. Đồng thời, đây là cơ hội để các em được tiếp cận tri thức với nhóm nước phát triển. Việc hợp tác đào tạo nguồn nhân lực góp phần cho phát triển thành phố thời gian tới”, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP Cần Thơ nói.

Theo ông Tín, năm 2024, các doanh nghiệp ở khu công nghệ cao của TPHCM và một số doanh nghiệp công nghệ trong nước có nhu cầu tuyển 400 - 500 nhân sự trình độ chuyên môn công nghiệp công nghệ cao trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn. Sau ký kết hợp tác, Sở Khoa học và Công nghệ TP Cần Thơ nhận được thông tin “đặt vấn đề” tuyển dụng học viên theo học khóa đầu tiên (khóa 40 sinh viên) từ doanh nghiệp công nghệ.

Theo Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có nhiều cơ hội và các yếu tố cần thiết để phát triển hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn, có tiềm năng nâng cao vị trí trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu; đã và đang thu hút nhiều tập đoàn lớn trong ngành bán dẫn từ các nước phát triển...

Đến nay, Việt Nam thu hút trên 40 doanh nghiệp từ các nước phát triển như: Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hà Lan... cùng nhiều công ty trong nước như Viettel, FPT, VNChip... tham gia vào thị trường này. Bộ Khoa học và Công nghệ tin tưởng thông qua hợp tác phát triển nhân lực phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn sẽ đào tạo nhân lực chất lượng cao, nâng cao năng lực cạnh tranh và thu hút vốn đầu tư cho TP Cần Thơ cũng như vùng Tây Nam Bộ.

Lễ ký kết hợp tác đào tạo nhân lực ngành Điện tử và vi mạch bán dẫn tại Cần Thơ diễn ra ngày 17/3.
Lễ ký kết hợp tác đào tạo nhân lực ngành Điện tử và vi mạch bán dẫn tại Cần Thơ diễn ra ngày 17/3.

Nhanh chóng bắt nhịp

GS.TS Nguyễn Thanh Phương - Chủ tịch Hội đồng trường, Trường ĐH Cần Thơ cho biết: “Đề án phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ GD&ĐT nghiên cứu, xây dựng dự kiến đào tạo khoảng 30 - 50 nghìn nhân lực, chuyên gia cho ngành công nghiệp bán dẫn. Trường ĐH Cần Thơ vinh dự là 1 trong 18 đại học/trường đại học được phân công, giao chỉ tiêu đào tạo kỹ sư lĩnh vực vi mạch điện tử. Đây là cơ hội cũng là thách thức đối với nhà trường”.

Chia sẻ về tiềm năng trong việc phát triển nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn tại các tỉnh miền Tây, TS Lương Vinh Quốc Danh - Khoa Điện tử - Viễn thông, Trường Bách khoa (Trường ĐH Cần Thơ) cho hay: Trường ĐH Cần Thơ có kinh nghiệm đào tạo kỹ sư lĩnh vực kỹ thuật điện tử trên 30 năm (từ năm 1991).

Riêng ngành Kỹ thuật máy tính (ngành có nội dung đào tạo liên quan đến lĩnh vực thiết kế vi mạch bán dẫn) được nhà trường tổ chức đào tạo từ năm 2008. Ngoài Trường ĐH Cần Thơ, tại vùng ĐBSCL hiện có một số trường đại học đào tạo nhân lực thuộc lĩnh vực điện tử như: Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long, Trường ĐH Trà Vinh, Trường ĐH Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ, Trường ĐH Cửu Long, Trường ĐH Tây Đô.

Nắm bắt xu thế khoa học kỹ thuật, năm 2024, Trường ĐH Cần Thơ mở chuyên ngành Thiết kế vi mạch bán dẫn thuộc ngành Kỹ thuật máy tính với thời gian đào tạo 4,5 năm. Cùng đó, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long, Trường ĐH Trà Vinh, Trường ĐH Nam Cần Thơ cũng mở mới chuyên ngành đào tạo về vi mạch bán dẫn. Việc này góp phần đào tạo nguồn nhân lực lĩnh vực điện tử và vi mạch bán dẫn cho khu vực ĐBSCL nói riêng, cả nước nói chung.

“Nhà trường có đội ngũ giảng viên giàu kinh nghiệm giảng dạy và nghiên cứu thuộc lĩnh vực kỹ thuật điện tử nói chung và thiết kế vi mạch nói riêng được đào tạo trong và nước ngoài. Trường ĐH Cần Thơ cũng hợp tác với một số tập đoàn lớn về thiết kế vi mạch của Hoa Kỳ (như Cadence, Synopsys) trong quá trình đào tạo nhằm cung cấp cho các kỹ sư tương lai kiến thức và kỹ năng cần thiết đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp.

Hơn 15 năm qua, có hàng trăm kỹ sư tốt nghiệp từ chương trình đào tạo này. Theo số liệu thống kê do Cộng đồng vi mạch Việt Nam công bố tháng 7/2023, Trường ĐH Cần Thơ thuộc top 5 các trường đại học cung cấp nhân lực làm việc trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn tại Việt Nam”, TS Lương Vinh Quốc Danh nói.

Theo các chuyên gia công nghệ, vi mạch bán dẫn được xem là nền tảng của tính toán hiện đại, giữ vai trò quan trọng trong bối cảnh thế giới bước sang giai đoạn công nghệ mới. Hiện, nguồn nhân lực phục vụ cho phát triển thiết kế vi mạch bán dẫn rất ít, chưa đảm bảo yêu cầu của thị trường. Tuy nhiên, đào tạo nhân lực phục vụ phát triển cho ngành khá tốn kém, đòi hỏi hạ tầng tốt, phần mềm đủ chuẩn và giảng dạy chuyên sâu…

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bước đi 'dài hơi' đào tạo nhân lực ngành vi mạch bán dẫn