Bước ngoặt lịch sử của giáo dục Việt Nam

19/08/2023, 06:05
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Từ Cách mạng tháng Tám năm 1945 đến nay, giáo dục luôn đóng vai trò quan trọng và đã viết nên những trang vàng vẻ vang...

Bước ngoặt lịch sử của giáo dục Việt Nam ảnh 2
Ông Đặng Tự Ân.

Cách mạng tháng Tám thành công, lịch sử giáo dục nước nhà sang một trang mới. Chính phủ ký sắc lệnh quan trọng thành lập Nha bình dân học vụ, nhằm chống lại nạn mù chữ và đã có những chủ trương cải tổ, xây dựng bước đầu với toàn bộ hệ thống giáo dục quốc gia.

Cải cách giáo dục năm 1950 - 1954 dù có mặt còn hạn chế, nhưng đã thay đổi cơ bản nền giáo dục thực dân cũ, xây dựng cơ sở cho một nền giáo dục mới, theo hướng “Dân tộc - Khoa học - Đại chúng”. Các trường từ giáo dục phổ thông đến đại học đều giảng dạy bằng tiếng Việt.

Giai đoạn 1954 - 1975: Điểm nổi bật là tiến hành cải cách giáo dục năm 1956, đặt cơ sở cho việc hình thành Hệ thống giáo dục phổ thông 10 năm gồm 3 cấp học. Miền Bắc mở các trường cho học sinh người miền Nam; cử học sinh ra nước ngoài học tập, trở thành những trí thức, nhà khoa học, là nguồn lực to lớn, góp phần phụng sự kháng chiến thắng lợi, xây dựng Tổ quốc. Mạng lưới trường đại học, quy mô đào tạo không ngừng mở rộng. Đặc biệt, toàn miền Bắc đã thanh toán được nạn mù chữ cho toàn dân.

Giai đoạn 1975 - 1986: Đất nước thống nhất, giáo dục được Nhà nước tập trung đầu tư. Ngày 11/ 1/1979, Bộ Chính trị khóa IV ban hành Nghị quyết về cải cách giáo dục; bắt đầu từ giáo dục phổ thông và từng bước cải cách khối các trường sư phạm. Giai đoạn 1986 - 1995, Đại hội VI của Đảng Cộng sản Việt Nam tháng 12/1986 mở đầu cho công cuộc đổi mới toàn diện ở Việt Nam.

Chủ trương của giáo dục trong thời kỳ này là đa dạng hóa loại hình trường, lớp, các hình thức đào tạo; quy chế các trường, lớp dân lập, tư thục đã được ban hành. Năm 1990, Chính phủ quyết định thành lập Bộ GD&ĐT. Từ đây, Bộ GD&ĐT quản lý thống nhất hệ thống giáo dục quốc dân từ mầm non đến giáo dục đại học, sau đại học.

Giai đoạn 1996 đến nay: Giáo dục đáp ứng được cơ bản nhu cầu học tập ngày càng tăng của nhân dân; Thực hiện được các mục tiêu lớn trong Chiến lược phát triển giáo dục: Nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài phục vụ cho sự nghiệp phát triển đất nước, hội nhập quốc tế thành công.

Trong giai đoạn đổi mới, đặc biệt sau khi triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI và Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, giáo dục đã đạt được những thành tựu to lớn, góp phần quan trọng vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế của đất nước.

Hệ thống trường lớp, quy mô giáo dục phát triển nhanh, thực hiện nền giáo dục toàn dân, đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng tăng của nhân dân và nâng cao trình độ đào tạo, trình độ, kỹ năng nghề nghiệp cho người lao động. Công bằng xã hội trong tiếp cận giáo dục có nhiều tiến bộ, nhất là với người dân tộc thiểu số, lao động nông thôn, các đối tượng chính sách, người có hoàn cảnh khó khăn, bình đẳng giới được bảo đảm.

Chất lượng giáo dục và đào tạo được nâng lên, góp phần đáp ứng yêu cầu nhân lực phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Công tác phát triển đội ngũ được đặc biệt chú trọng để củng cố, đổi mới. Cơ sở vật chất trường lớp học tăng thêm, từng bước hiện đại hóa. Xã hội hóa giáo dục và hợp tác quốc tế được đẩy mạnh, đạt nhiều kết quả quan trọng.

Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 29, sự nghiệp giáo dục và đào tạo nước ta bước đầu đã tạo được chuyển biến căn bản về chất lượng; ban hành và triển khai chương trình, SGK mới với nhiều bộ sách xã hội hóa. Chủ trương tự chủ đại học được Luật Giáo dục đại học quy định đã mở ra sự phát triển đúng hướng cho giáo dục và đào tạo.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/buoc-ngoat-lich-su-cua-giao-duc-viet-nam-post650424.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/buoc-ngoat-lich-su-cua-giao-duc-viet-nam-post650424.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bước ngoặt lịch sử của giáo dục Việt Nam