Các địa phương sẵn sàng cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT

23/06/2023, 13:30
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Công tác chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 trước giờ G được các địa phương, nhà trường đặc biệt quan tâm.

Theo Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Lào Cai, Sở đã tính đến những tình huống bất thường có thể xảy ra như: Bão, lũ... để có phương án xử lí kịp thời. Để bảo đảm quyền lợi tối đa cho thí sinh tham gia Kỳ thi, tỉnh Lào Cai tổ chức họp phân công nhiệm vụ cho các thành viên Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh một cách toàn diện, đồng bộ. Cùng đó, quán triệt Ban Chỉ đạo thi cấp huyện, thị xã, thành phố và các sở, ngành, cơ quan liên quan tập trung chuẩn bị các phương án tổ chức Kỳ thi an toàn.

Sở chỉ đạo chuẩn bị các điểm thi chính thức, điểm thi dự phòng. Xây dựng phương án bố trí nơi ăn nghỉ cho thí sinh dự thi; bảo đảm an ninh, an toàn; vệ sinh, an toàn thực phẩm… Đồng thời, có phương án xử lí khi có tình hình bất thường xảy ra (bão, lũ) với phương châm không để thí sinh bỏ thi vì điều kiện khách quan.

Ông Đỗ Văn Tân, Phó Chủ tịch UBND thị xã Sa Pa chia sẻ: “Các cơ sở giáo dục trên địa bàn đã tổ chức rà soát những học sinh có hoàn cảnh khó khăn cần hỗ trợ. Sau đó lập danh sách đề nghị Sở GD&ĐT trình UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí trong thời gian thi”. Thị xã Sa Pa còn tổ chức vận động các cơ quan, đơn vị, cá nhân hỗ trợ học sinh hoàn cảnh khó khăn về xe đưa đón, bữa ăn bảo đảm dinh dưỡng trong các ngày thi.

Thầy Nguyễn Xuân Toàn, Hiệu trưởng Trường THPT số 1 Bắc Hà cho biết: “Nhà trường đã đưa 88 học sinh thuê trọ ở ngoài vào ở cùng học sinh bán trú. Điều đó vừa giúp quản lý vừa bảo đảm an toàn, tiết kiệm cho các em trong thời gian ôn và thi tốt nghiệp”. Bà Chu Thị Dương, Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Hà (Lào Cai) cũng thông tin đã chỉ đạo các trường lấy số điện thoại của thí sinh, người nhà để phân công đội thanh niên tình nguyện sẵn sàng đưa đón các em đến điểm thi trong trường hợp xảy ra sự cố.

Các địa phương sẵn sàng cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT ảnh 2
Học sinh Trường THPT Ngô Trí Hòa, huyện Diễn Châu, Nghệ An ôn thi môn Tiếng Anh. Ảnh: Hồ Lài

Giữ guồng học tập sát ngày thi

Đối với các trường THPT ngoài công lập, trường cao đẳng, trung cấp nghề có học sinh THPT, việc ôn thi tốt nghiệp mang đặc thù riêng. Cận kề ngày thi, nhiều đơn vị vẫn giữ học sinh khối 12 ở lại ôn tập, phụ đạo kiến thức, bổ sung kỹ năng và tâm lý làm bài, giúp các em đạt được mục tiêu.

Trường Cao đẳng nghề số 4 - Bộ Quốc phòng (đóng tại Nghệ An) có gần 300 học sinh lớp 12. Nguyễn Thị Ngọc Quyên - lớp 12E từng bỏ học tại một trường THPT công lập tại TP Vinh để đi làm vì khó khăn. Thời gian sau, em đăng ký học nghề thiết kế đồ họa tại trường và song song học văn hóa THPT. Ngọc Quyên nuôi ước mơ mang tính bước ngoặt, đó là quyết tâm thi đạt điểm để xét tuyển vào Trường ĐH Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, do đó việc ôn thi diễn ra hết sức tập trung.

Hơn 20 năm dạy học tại Trường CĐ nghề số 4, cô Trần Thị Hồng Sương (giáo viên Ngữ văn) chia sẻ: Do trường đặc thù, nên không thể sử dụng một giáo án. Ví dụ, nhóm học sinh khá, cô sẽ đặt mục tiêu điểm số cao hơn, làm bài hoàn thiện. Nhóm trung bình chỉ tập trung nêu được ý chính, cơ bản để lấy điểm. Và có cả nhóm học sinh khiếm thính, rối loạn ngôn ngữ thì mục tiêu làm sao đủ điểm tốt nghiệp. Riêng nhóm này, tôi chỉ tập trung cho các em làm phần dễ nhất, ở mức nhận biết, thông hiểu và thường xuyên bổ túc ngoài giờ...

Thầy Bùi Văn Thương, Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh (huyện Vụ Bản, Nam Định) cho biết: Trường đã lập kế hoạch ôn tập và tiến hành thi thử tốt nghiệp THPT cho học sinh khối 12 thành 3 đợt. Các thầy cô cũng tư vấn cho học sinh việc lựa chọn khối thi xét tuyển vào đại học, cao đẳng; tư vấn để các em lựa chọn bài thi tổ hợp KHTN hoặc KHXH trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023. Trên cơ sở đó, nhà trường đã tổ chức phân lớp để ôn tập cho phù hợp.

Trường THPT Ngô Trí Hòa (Diễn Châu, Nghệ An) thuộc nhóm trường ngoài công lập, năm học này có hơn 300 học sinh lớp 12. Việc ôn tập cho các em theo kế hoạch sẽ kéo dài đến sát ngày thi để không bị gián đoạn guồng học tập. Các lớp đều có nhóm Zalo để giáo viên hỗ trợ học sinh ngoài thời gian lên lớp. Thầy Võ Thanh Bình - Phó Hiệu trưởng chia sẻ, đến nay, nhà trường đã 3 lần tổ chức thi thử tốt nghiệp THPT, trong đó đáng lo nhất là kết quả môn Tiếng Anh. Vì thế, đây là môn học được quan tâm nhiều nhất, cố gắng không để học sinh bị điểm liệt.

Với các trường THPT miền núi, vùng cao, thầy trò cũng đang khắc phục khó khăn về thời tiết, về điều kiện cơ sở vật chất để “về đích” thi tốt nghiệp THPT. Thầy Cao Thanh Lưu - Hiệu trưởng Trường THPT Quỳ Châu (huyện Quỳ Châu - Nghệ An) cho biết: “Chúng tôi sẽ duy trì việc tổ chức dạy học đến sát ngày thi. Một mặt, để duy trì nền nếp ôn tập, giúp các em được bổ sung kiến thức tối đa. Mặt khác bảo đảm đầy đủ sĩ số, không “rơi rớt” học sinh khi cho về nhà ở bản xa. Đồng thời động viên, khảo sát hoàn cảnh và nhu cầu hỗ trợ, tiếp sức, mục đích tất cả học sinh tham gia Kỳ thi đầy đủ, với tâm lý bình tĩnh, tự tin.

Cô Lê Thị Lan Anh (giáo viên tiếng Anh Trường THPT Ngô Trí Hòa) cho biết: “Mục tiêu môn Tiếng Anh 5 điểm đối với học sinh của trường rất khó, do các em mất gốc ngữ pháp, vốn từ vựng mỏng. Hiện với các lớp tôi đang dạy, chủ yếu tập trung cho các em làm đề thi thử và chỉ giới hạn đến phần nhận biết, thông hiểu, chống điểm liệt. Và không giải đề phần vận dụng vì đa số các em không có khả năng làm được”.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/cac-dia-phuong-san-sang-cho-ky-thi-tot-nghiep-thpt-post644082.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/cac-dia-phuong-san-sang-cho-ky-thi-tot-nghiep-thpt-post644082.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Các địa phương sẵn sàng cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT