Các kỹ năng sống cơ bản cần phải dạy trẻ em

Hà Minh | 11/11/2023, 06:10
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

(GDTĐ) - Ngay từ khi học mầm non, trẻ đã cần phải được hướng dẫn, dạy bảo và rèn luyện những kỹ năng sống cơ bản để trưởng thành hơn mỗi ngày.

giao-duc-ky-nang-song-2.jpeg
Cha mẹ nên dạy các kỹ năng sống cơ bản cho trẻ em.

Kỹ năng tự chăm sóc bản thân

Trong giai đoạn mầm non, trẻ cũng nên làm được những việc chăm sóc bản thân đơn giản như đánh răng, vệ sinh cá nhân, tự ngủ, tự chải tóc, tự mang giầy dép, tự mặc quần áo…

Những kỹ năng này giúp hình thành nền nếp tác phong đúng mực, tính độc lập, tự giải quyết vấn đề mà không phụ thuộc vào ai. Khi bé hoàn thành tốt, cha mẹ cần khen thưởng để khuyến khích con tiến bộ hơn.

Bên cạnh đó trẻ em cần dạy kỹ năng tự bảo vệ bản thân. Sự phát triển của đời sống xã hội kéo theo nhiều rủi ro tiềm ẩn và nguy cơ tai nạn. Cha mẹ nên dạy trẻ kỹ năng tự bảo vệ bản thân và phòng tránh nguy hiểm như không đi với người lạ, không chơi ở khu vực nguy hiểm..

Và thay vì cấm trẻ tiếp xúc với các rủi ro, nguy hiểm, .. cha mẹ hãy dạy con những kỹ năng tự vệ, phòng vệ đúng đắn.

Kỹ năng ứng xử

Trẻ em thường chưa nhận thức cụ thể về mọi thứ xung quanh nên rất dễ học theo, bắt chước những lời nói và hành động của những người xung quanh.

Do đó, cha mẹ hãy hướng dẫn và làm gương cho con trong những phép giao tiếp cơ bản như chào hỏi lễ phép, nhường nhịn, ăn nói lịch sự, tạm biệt bạn bè,… từ sớm.

Và dạy cho trẻ kỹ năng sắp xếp đồ đạc sẽ giúp trẻ hình thành thói quen chỉn chu, ngăn nắp và gọn gàng trong công việc. Cha mẹ nên bắt đầu từ những việc như gấp quần áo, sắp xếp đồ chơi...

Kỹ năng tự ăn uống

Đây là kỹ năng đầu tiên và cần thiết để dạy cho trẻ từ rất sớm. Kỹ năng tự xúc cơm và uống nước mà không cần dựa vào ai sẽ thúc đẩy trẻ hình thành thói quen tự lập và khuyến khích năng lực sinh tồn trong trẻ.

Trước khi con đủ 1 tuổi, cha mẹ hãy tạo điều kiện cho con tự cầm thức ăn, hướng dẫn con nên ăn và không ăn gì. Việc này cần phải được lặp đi lặp lại, kiên trì và nỗ lực rèn luyện mỗi ngày thì mới có kết quả.

Ngoài ra, cũng phải dạy trẻ kỹ năng nấu ăn. Nên hướng dẫn trẻ em kỹ năng này bởi nó liên quan mật thiết tới sức khỏe thể chất, tinh thần và tài chính sau này của trẻ.

Tùy theo độ tuổi mà bố mẹ có thể dạy và giao cho con những công việc phù hợp với khả năng. Đặc biệt là các hoạt động tham gia vào công việc chung của gia đình vừa giúp bé tạo sự gắn kết với các thành viên vừa gia tăng tình cảm, ý thức trách nhiệm của trẻ đối với người thân.

Cha mẹ hãy bắt đầu từ việc chuẩn bị bát đũa, trải chiếu, ... đến việc vo gạo, nhặt rau, làm các món ăn cơ bản theo ý thích của trẻ.

ky-nang-song.jpeg

Kỹ năng quản lý thời gian

Trong giai đoạn này, trẻ cũng chưa có ý thức về việc phân bổ thời gian cho các hoạt động trong ngày của mình sao cho hợp lý nhất. Tuy nhiên, cha mẹ nên xây dựng cho trẻ thói quen về thời gian bằng cách lên lịch trình công việc và tuân thủ thực hiện theo đúng lịch trình đã đề ra. Dần dần, trẻ sẽ có cảm nhận về thời gian.

Ngoài ra kỹ năng học hỏi cũng là kỹ năng quan trọng đối với trẻ em. Trẻ thường khát khao khám phá, thích tìm tòi về mọi thứ xung quanh. Cha mẹ nên tạo điều kiện để trẻ tự do khám phá và tích cực học hỏi bằng những hoạt động bổ ích như đọc sách, chơi trò chơi trí tuệ…

Kỹ năng vượt qua khó khăn

Với mỗi đứa trẻ, cha mẹ luôn là người không thể thiếu giúp trẻ vượt qua các khó khăn, thử thách. Tuy nhiên, không phải lúc nào bố mẹ cũng có thể đồng hành và hỗ trợ cho các con.

Hãy dạy con kỹ năng vượt qua khó khăn khi gặp các trở ngại sẽ tạo ra tiền đề cho sự phát triển của con sau này.

Hãy bắt đầu từ những việc cơ bản như xây dựng cho trẻ thói quen tự đứng dậy sau khi ngã, để trẻ xử lý những vấn đề đơn giản,…

Kỹ năng làm việc nhóm

Cần dạy cho trẻ biết cách làm việc nhóm để tự xây dựng và mở rộng những mối quan hệ tốt đẹp khi trưởng thành. Và khi trẻ hòa đồng và tận dụng được sức mạnh của tập thể, trẻ sẽ dễ thành công hơn.

Để giúp đỡ người khác, con trẻ cần biết và làm quen với việc chia sẻ những công việc nhà với cha mẹ như dọn dẹp nhà cửa, rửa bát, mang đồ...

Dạy trẻ tiết kiệm

Khi còn nhỏ, trẻ được chăm lo, chu cấp tất cả mọi thứ. Do vậy, trẻ chưa thể hình thành ý thức về vấn đề tiết kiệm nên sẽ luôn đòi hỏi và dựa dẫm vào người xung quanh.

Dạy trẻ biết tiết kiệm cũng là cách để cha mẹ giáo dục con, giúp con hiểu được giá trị của sự lao động, công sức và đồng tiền. Nhờ vậy mà trẻ biết quý trọng thành quả lao động, tiêu tiền đúng mục đích, tránh những sai lầm về tài chính.

Những kỹ năng khác như: Kỹ năng bơi lội vừa để giúp trẻ rèn luyện sức khỏe, vừa giúp trẻ tăng khả năng sinh tồn, bơi lội là phương pháp hữu hiệu để kích thích sự sáng tạo, trí tưởng tượng của trẻ.

Và nên dạy trẻ có ý thức bảo vệ môi trường và cho trẻ hoạt động nhiều ở ngoài thiên nhiên, tiếp xúc với con vật để trẻ biết yêu thương động vật, thiên nhiên và môi trường xung quanh. Nhờ vậy, trẻ luôn sống trong cảm xúc tích cực, biết bao dung, cảm thông và sẻ chia hơn.

Kỹ năng an toàn giao thông cần phải được rèn luyện kết hợp song song giữa lý thuyết và thực hành bằng trải nghiệm thực tế.

Ngay khi cha mẹ cùng con tham gia giao thông, cha mẹ cũng nên giảng giải và hướng dẫn con và làm gương cho con trong việc tuân thủ quy định giao thông như: dừng đèn xanh đèn đỏ, đi chậm, nhường đường…

Như vậy cha mẹ có thể rèn luyện các kỹ năng sống cho trẻ thông qua các hoạt động sinh hoạt hàng ngày hay khi trẻ chơi trò chơi.

Các hoạt động giáo dục này cần phải được áp dụng thường xuyên nhưng không áp đặt. Cha mẹ càng dành thời gian đồng hành cùng con thì trẻ càng ham thích việc học tập./.

Bài liên quan
7 kỹ năng sẽ quyết định con bạn thành công hay thất bại trong tương lai
Muốn biết trẻ có thành công hay không, bạn có thể tham khảo những dấu hiệu này.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Các kỹ năng sống cơ bản cần phải dạy trẻ em