Theo một khảo sát, hơn 40% trẻ vị thành niên phạm tội từng bị cha mẹ bạo hành bằng lời nói.
Sáu phạm nhân vị thành niên trong trại tạm giam kể lại câu chuyện của mình: "Cha mẹ tôi ly hôn khi tôi 12 tuổi, mẹ tôi mắng tôi mỗi ngày và thường bảo tôi chết đi"; "Mẹ bảo tôi vô dụng, là đồ phế vật"; "Tôi chưa bao giờ được khen. Mẹ luôn so sánh tôi với những con vật bẩn thỉu"...
Những câu nói khiến họ đau lòng nhất chính là: Óc lợn, đồ rác rưởi, chỉ biết ăn, sao không chết đi! Những đứa trẻ thường xuyên bị sỉ nhục, chối bỏ, châm biếm, mỉa mai, miệt thị đã có một lỗ hổng lớn trong tâm hồn, khiến chúng trút bỏ những tổn thương và tủi nhục một cách cực đoan vào người khác.
Tổ chức Words Matter đề nghị người lớn tránh la hét, lăng mạ, hạ thấp tự trọng của trẻ trong các cuộc trò chuyện. Họ cần suy nghĩ kỹ trước khi nói và dành thời gian chữa lành cảm xúc trẻ nếu lỡ có lời gây tổn thương.
Tiến sĩ Joseph Shrand, giảng viên môn Tâm thần học tại Trường Y Harvard cho biết: "Khoảnh khắc bạn nhận ra cơn giận của mình, bạn sẽ kích hoạt vỏ não trước trán và làm gián đoạn những cảm xúc. Đó là việc đưa bộ não của bạn từ chế độ cảm giác sang chế độ suy nghĩ".
Theo các chuyên gia, để làm dịu cơn tức giận tức thì, cha mẹ nên tuân thủ những điều sau:
- Hít thở sâu.
- Đếm ngược.
- Chạy tại chỗ.
- Nói càng ít càng tốt cho tới khi bình tĩnh lại.
- Đặt tay dưới vòi nước chảy.
- Cố gắng cười.
Sau khi bình tĩnh lại, cha mẹ đã sẵn sàng để giải quyết vấn đề thay vì làm trầm trọng thêm tình hình.