Các nước Đông Nam Á đầu tư cho dạy, học ngoại ngữ thế nào?

20/09/2023, 10:05
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Nhiều người cho rằng tiếng Anh là môn học đòi hỏi phải có năng khiếu. Tuy nhiên thành tích dạy và học tiếng Anh ở một số quốc gia trong khu vực

Tại Singapore, Chính phủ và Bộ Giáo dục liên tục đổi mới phương pháp giảng dạy tiếng Anh trong trường phổ thông để cập nhật, đưa những ngữ liệu học mới. Lần gần đây nhất Singapore cải cách chương trình giáo dục Tiếng Anh là năm 2010.

Singapore đang áp dụng phương pháp tiếp cận có hệ thống để dạy các kỹ năng, sử dụng văn bản phong phú và nhiều nguồn tài nguyên ngôn ngữ. Ở cấp tiểu học, phương pháp dạy và học được áp dụng thông qua chương trình Chiến lược học và đọc tiếng Anh (STELLAR). Trong đó, tiếng Anh được dạy thông qua các câu chuyện, văn bản hấp dẫn với trẻ. Mỗi tài liệu đều có hướng dẫn ngữ pháp cụ thể.

Học sinh học tiếng Anh thông qua đọc truyện, thảo luận và chia sẻ ý kiến với giáo viên và các bạn. Ở cấp trung học, chương trình học tập trung vào củng cố kỹ năng tiếng Anh, nhất là ngữ pháp và nói tiếng Anh. Chương trình học còn nhấn mạnh việc phát triển kỹ năng giao tiếp nói và viết thông qua hoạt động thực tế. Ngoài ra, công nghệ thông tin là trợ thủ đắc lực để học sinh có thể học ngôn ngữ vui vẻ, có mục đích.

Nhằm đáp ứng sự đa dạng trong việc học ngoại ngữ, Bộ Giáo dục xây dựng chương trình học ở cấp độ tiêu chuẩn và cơ bản. Chương trình cơ bản được thiết kế cho học sinh có trình độ thấp, giúp xây dựng nền tảng vững chắc để phát triển khả năng sử dụng tiếng Anh trong giao tiếp hằng ngày. Chương trình học tiêu chuẩn dành cho học sinh có trình độ tiếng Anh tương đối chắc chắn để phát huy và mở rộng kỹ năng; có thể sử dụng tiếng Anh chuyên ngành hoặc làm những công việc yêu cầu sử dụng thành thạo tiếng Anh.

Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục đã triển khai Chương trình Hỗ trợ học tập (LSP) cho tất cả trường tiểu học từ năm 1998. Theo LSP, trường tiểu học sẽ tổ chức dạy tăng cường kỹ năng đọc – viết cho học sinh yếu. Việc phân loại trình độ học sinh được thực hiện ở đầu năm học.

Tuy nhiên một trong những yếu tố khiến học sinh Singapore không sợ tiếng Anh vì nước này có môi trường thuận lợi để thực hành. Tiếng Anh là một trong 4 ngôn ngữ chính ở Singapore. Chương trình học cũng là song ngữ tiếng Anh và tiếng mẹ đẻ (một trong 3 ngôn ngữ tiếng Mã Lai, tiếng Hoa và tiếng Tamil).

Như vậy, trẻ em Singapore luyện tập sử dụng tiếng Anh không chỉ trong môn Tiếng Anh mà tại trường học và cuộc sống thường nhật. Điều đó giúp các em vượt qua nỗi sợ nói tiếng Anh, có tinh thần cầu thị khi học ngôn ngữ này.

Một tiết học với giáo viên nước ngoài của học sinh Thái Lan. ảnh 3
Một tiết học với giáo viên nước ngoài của học sinh Thái Lan.

Đầu tư cho giảng dạy

Trong các quốc gia Đông Nam Á, khả năng sử dụng tiếng Anh của người dân Thái Lan đứng sau Singapore, Philippines và Malaysia nhưng nước này đang cải thiện khả năng giảng dạy tiếng Anh. Báo cáo năm 2022 của tờ Thailand Business chỉ ra ngày càng nhiều người dân Thái Lan ủng hộ cải thiện giáo dục tiếng Anh tại nước này. Họ đã kêu gọi Chính phủ Thái Lan tăng cường hành động và hỗ trợ hệ thống giáo dục.

“Khi du lịch đang phục hồi mạnh mẽ, Thái Lan là một trong những điểm đến được du khách thế giới ưa chuộng. Do đó, cải thiện trình độ tiếng Anh, nhất là kỹ năng nói, trên thực tế sẽ giúp ngành du lịch phát triển và thúc đẩy tăng trưởng doanh thu”, báo cáo viết.

Thái Lan là một trong những quốc gia Đông Nam Á tích cực tuyển dụng giáo viên người nước ngoài về dạy tiếng Anh, đặc biệt sau khi chính phủ Thái Lan đưa chương trình giảng dạy tiếng Anh bắt buộc vào trường học. Một phần do trình độ tiếng Anh của giáo viên Thái Lan còn yếu kém với số đông chỉ đạt trình độ A2 theo khung năng lực ngọai ngữ châu Âu.

Để đăng ký dạy tiếng Anh tại Thái Lan, ứng viên nước ngoài cần: Chứng chỉ TEFL (chứng chỉ phương pháp giảng dạy tiếng Anh) tối thiểu 120 giờ, chứng chỉ TOEIC 600 hoặc IELTS 5+, bằng cử nhân... Đổi lại, giáo viên nước ngoài được trả lương khá hậu hĩnh. Trung bình, lương giáo viên TEFL toàn thời gian dao động từ 30.000 – 40.000 bath, thậm chí là gần 50.000 bath/tháng. Lương ở thành phố lớn như Bangkok sẽ cao hơn khoảng 30% so với các khu vực khác.

Ngoài ra, nhiều trường cũng cung cấp chỗ ở, trợ cấp nhà ở hoặc chi trả chi phí di chuyển để thu hút giáo viên nước ngoài. Thái Lan cũng tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy. Dù trình độ tiếng Anh của học sinh nước này chưa cao, nhưng thông qua đầu tư nhân lực, vật lực, Thái Lan mong muốn nâng cao khả năng sử dụng ngoại ngữ của người dân, từ đó xúc tiến du lịch.

Tác động tích cực từ chương trình LSP và STELLAR được phản ánh qua kết quả học tập của học sinh Singapore trong nghiên cứu về sự tiến bộ đọc hiểu quốc tế (PIRLS). Theo đó, tỷ lệ học sinh yếu kém tại Singapore giảm từ 24% vào năm 2001 xuống 13% vào năm 2011. Trong khi đó, tỷ lệ học sinh có năng lực cao tăng từ 12% năm 2001 lên 24% năm 2011.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/cac-nuoc-dong-nam-a-dau-tu-cho-day-hoc-ngoai-ngu-the-nao-post654240.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/cac-nuoc-dong-nam-a-dau-tu-cho-day-hoc-ngoai-ngu-the-nao-post654240.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Các nước Đông Nam Á đầu tư cho dạy, học ngoại ngữ thế nào?