Cách chia sẻ cởi mở giúp con không chống đối

Vân Huyền, | 22/06/2023, 20:51
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Cha mẹ cần biết nguyên nhân hành vi chống đối ở trẻ, đồng thời, đưa ra chiến lược dựa trên khoa học để cải thiện hành vi theo từng nét tính cách.

Việc trao đổi với trẻ để cải thiện hành vi chống đối là một cách hiệu quả. Từ đó, khiến trẻ tập trung vào sự thay đổi tích cực.

Đi tìm nguyên nhân

Không ít phụ huynh đau đầu khi “con cưng” của mình bỗng một ngày trở thành đứa trẻ ương bướng, thường xuyên chống đối cha mẹ. Chị Hoài An (Hai Bà Trưng, Hà Nội) bộc bạch: “Gần đây, vợ chồng tôi vô cùng phiền lòng với con trai 10 tuổi. Cháu cứ muốn làm trái ý của cha mẹ, bảo làm việc gì cũng thể hiện thái độ lầm lì, không phục. Trong khi đó, trên lớp, con vẫn cư xử bình thường, vui vẻ và hòa nhã với bạn bè”. Nhận thấy con “khó bảo” khi ở nhà, nhiều lần vợ chồng chị An quyết định dùng đòn roi để dạy dỗ. Song, sau mỗi lần như vậy, sự ương bướng, chống đối ở con chị An ngày càng tăng.

Trong khi đó, chị Thu Hoài (Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ, kể từ khi mẹ có thêm em bé, con gái lớn của chị bỗng lầm lì, ít nói. Thậm chí, khi yêu cầu làm một số việc nhà phụ mẹ, bé thể hiện rõ thái độ không muốn thực hiện. Khi mẹ to tiếng, do bắt buộc phải làm, nên con gái chị Hoài thực hiện nhiệm vụ vô cùng chậm chạp, chống đối.

Chia sẻ về vấn đề này, chuyên gia tâm lý Ngô Phạm Thúy Trinh - Đơn vị Tâm lý, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TPHCM) - cho biết, tất cả các cha mẹ đều từng trải qua tình huống như: Yêu cầu trẻ dọn dẹp chén bát sau khi ăn xong nhưng con kiên quyết từ chối. Hoặc, con lề mề khiến phụ huynh ra khỏi nhà muộn vào buổi sáng. Điều quan trọng là cha mẹ cần biết nguyên nhân gây ra hành vi thách đố này ở trẻ bắt nguồn từ đâu. Đồng thời, đưa ra chiến lược dựa trên khoa học để cải thiện hành vi của trẻ theo từng nét tính cách.

Trước hết, phụ huynh cần tập trung vào điều tích cực. Thực tế, không ít cha mẹ có ý tốt là cố gắng điều chỉnh hành vi của con theo những cách tích cực, giống như một người sếp. Song, điều đó hoàn toàn không hiệu quả vì không ai thích người khác liên tục chỉ ra tất cả các lĩnh vực chúng ta phải cải thiện. Vì vậy, trẻ sẽ không được tạo cảm hứng để thay đổi theo hướng cha mẹ đã định.

Do đó, phụ huynh cần cố gắng chỉ nhận xét về hành vi tốt của trẻ. Chỉ ra tất cả những điều trẻ làm mà phụ huynh đánh giá cao, bất kể việc nhỏ như thế nào.

Thông thường, khi trẻ cư xử theo cách cha mẹ muốn, phụ huynh thường phớt lờ điều đó. Tuy nhiên, khi trẻ có hành vi không tốt như từ chối mặc quần áo, điều đó luôn bị cha mẹ phản ứng.

Trẻ em thích phần thưởng. Do đó, lời khen ngợi cũng như sự quan tâm từ cha mẹ là một hình thức khen thưởng hiệu quả. Có nhiều bằng chứng cho thấy, trẻ em phản hồi tích cực về hành vi tốt. Điều đó sẽ dẫn đến hành vi tốt và ít phản ứng tiêu cực hơn ở trẻ.

Cách chia sẻ cởi mở giúp con không chống đối - Ảnh 1.

Phụ huynh cần tìm nguyên nhân trẻ chống đối. Ảnh minh họa.

Tiết kiệm hình phạt

Đặc biệt, phụ huynh nên hào phóng với phần thưởng và tiết kiệm hình phạt. Phụ huynh thường có khuynh hướng tập trung vào các hành vi thách đố của con mình và tìm cách khắc phục. Tuy nhiên, khi đó, cha mẹ đang vô tình khiến trẻ cảm thấy ức chế hơn.

Thông thường, cha mẹ mặc định việc sử dụng hình phạt là một cách để thúc đẩy con hành xử đúng. Nếu hành vi sai trái vẫn tiếp tục, cha mẹ sẽ tăng hình phạt lên gấp đôi, với ý nghĩ rằng, như vậy sẽ tạo thêm động lực cho trẻ. Song, có những cách sử dụng phần thưởng và hình phạt để thực sự khiến trẻ hành xử đúng đắn. Cha mẹ cần thực hiện theo một cách nhất định để có hiệu quả.

Ngoài ra, cha mẹ nên giải quyết vấn đề cùng với con. Thực tế, sẽ rất khó để ép buộc bất kỳ ai làm điều họ không muốn, bất kể tuổi tác hay kích thước. Trong khi cha mẹ thường có xu hướng muốn áp đặt những suy nghĩ của mình lên cách sống của trẻ. Điều đó tạo ra một vòng phản hồi tiêu cực. Với đứa trẻ khó chịu, nếu cha mẹ áp dụng hình phạt thì con sẽ càng cư xử tệ hơn.

Cách để phá vỡ vòng luẩn quẩn này là trò chuyện với trẻ, thay vì cố gắng giải quyết vấn đề một mình. Cha mẹ hãy nói chuyện với trẻ về hành vi thách đố. Cụ thể, hỏi trẻ tại sao chúng đánh anh chị em, hoặc không chịu đánh răng, hay ném đồ chơi...

Hãy tìm ra yếu tố kích hoạt hành vi thách đố. Những vấn đề phổ biến bao gồm hoàn thành nhiệm vụ dưới áp lực (mặc quần áo đi học, vội vàng chuẩn bị cho giờ đi ngủ), khi mọi thứ không diễn ra như mong đợi (đặc biệt là đối với trẻ nhỏ hay những người dễ xúc động), bị choáng ngợp bởi nhiều người hoặc nhiều hoạt động (đặc biệt là đối với trẻ hướng nội), hoặc hoàn thành các nhiệm vụ một cách nhàm chán (đặc biệt đối với trẻ có khả năng kiểm soát kém).

Khi cùng con giải quyết vấn đề, cả cha mẹ và trẻ sẽ đều có ý tưởng về cách thức làm cho mọi thứ tốt hơn. Sau đó, cha mẹ đưa ra giải pháp phù hợp với cả hai bên. Việc trao đổi với trẻ để cải thiện hành vi là một cách hiệu quả hơn nhiều. Từ đó, khiến trẻ tập trung vào sự thay đổi tích cực.

“Ẩn sâu bên trong những hành vi thách đố có thể là tiếng kêu cứu hay tiếng lòng rằng, trẻ đang đau khổ. Nếu tần suất của các hành vi này diễn ra trong một thời gian dài hay ảnh hưởng đến sinh hoạt của trẻ, cha mẹ hãy đưa con đến thăm khám với bác sĩ nhi khoa phát triển hành vi hay nhà tâm lý để có những can thiệp chuyên sâu”, chuyên gia Thúy Trinh cho biết.

Cách chia sẻ cởi mở giúp con không chống đối - Ảnh 2.

Phụ huynh cần trò chuyện với trẻ, thay vì cố gắng giải quyết vấn đề một mình. Ảnh minh họa

Lý do trẻ chống đối

Trong khi đó, giáo viên Bùi Thị Hoa - Câu lạc bộ Kỹ năng sống Cara nhận định, việc thách thức, chống đối là điều rất bình thường khi trẻ bắt đầu bước vào tuổi dậy thì. Với tâm lý “ngựa non háu đá”, muốn thử thách, khám phá những điều mới mẻ, trẻ bắt đầu cãi lời bố mẹ, thậm chí là tỏ thái độ gay gắt đối đầu. Các nhà khoa học đã phân tích, có 2 nguyên nhân chính dẫn đến việc mất kiểm soát về cảm xúc của trẻ.

Trước hết, nguyên nhân khách quan có thể là gia đình không hạnh phúc. Khi “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”, cha mẹ mải tranh giành, chỉ trích nhau mà không hề quan tâm đến con. Đó cũng là nguyên nhân hình thành tâm lý chống đối của con, ảnh hưởng đến quá trình phát triển kỹ năng sống cho trẻ.

Tiếp theo là ảnh hưởng từ bạn bè xấu. Thường bạn bè là những người có cùng cảm nhận, sở thích, nhu cầu tình cảm và xu hướng hành vi. Vì vậy, giữa trẻ dễ dàng có cùng suy nghĩ, thông cảm và cảm hóa lẫn nhau. Đây cũng là nguyên nhân rất lớn trong việc chống đối của thanh thiếu niên.

Nguyên nhân cuối cùng là tính hiếu kỳ của trẻ. Đây là lúc nhận thức của trẻ phát triển rất mạnh. Trẻ sẽ vô cùng tò mò về thế giới xung quanh, ham hỏi. Tuy nhiên, nếu phụ huynh không hiểu đúng hành vi của con, điều đó sẽ ngăn cản, nghiêm cấm thậm chí trách phạt chúng.

Hay, có những phụ huynh còn thờ ơ, lạnh nhạt với trẻ. Điều này làm ảnh hưởng đến việc giáo dục kỹ năng sống cho trẻ. Chính những điều trên đã khiến trẻ bị áp chế và tìm cách phản kháng lại.

Trong khi đó, nguyên nhân chủ quan là do thời kỳ phát triển và biến đổi tâm sinh lý của con. Trong đó, sự phát triển không ngừng của đại não, các chức năng não bộ, năng lực phán đoán, phân tích, tư duy cũng được nâng cao, phạm vi tư duy ngày càng mở rộng. Đây chính là nguyên nhân và cơ sở cho những ý tưởng chống đối của con.

Lúc này, tư duy đã có tính phê phán độc lập. Tuy nhiên, do thiếu kinh nghiệm và sự từng trải nên nhận thức của trẻ vẫn còn chưa toàn diện. Vì thế, dễ dẫn tới cách nhìn phiến diện, cố chấp và cực đoan.

Trẻ thường không có khả năng phân tích tổng hợp và toàn diện như người lớn. Do đó, trẻ thường coi những lời khuyên nhủ của thầy cô và gia đình là sự “quản thúc”, “áp chế”, “ép buộc”, làm tổn hại đến lòng tự trọng của mình. Vì vậy, trẻ luôn tự đặt mình vào thế đối đầu với người lớn, nảy sinh tâm lý chống đối.

Để nâng cao kỹ năng sống cho trẻ, theo giáo viên Bùi Thị Hoa, cha mẹ cần thấu hiểu, đứng trên lập trường của con để nhìn nhận vấn đề. Đồng thời, thấu hiểu cảm nhận, đặt mình vào vị trí của con. Từ đó, giúp trẻ có cái nhìn đúng đắn hơn.

Phụ huynh cũng cần chia sẻ cởi mở với con. Đồng thời, kể với con về tuổi trẻ của mình, những ước mơ, khát khao, phản kháng. Chia sẻ cởi mở đó có thể giúp rút ngắn khoảng cách, xóa rào cản tâm lý giữa cha mẹ và con. Từ đó, hai bên cùng bình tĩnh tìm ra cách giải quyết vấn đề hợp lý nhất. Phụ huynh cũng cần tìm hiểu bạn bè của con. Hoặc, cha mẹ có thể giới thiệu cho con những người bạn lanh lợi, ngoan ngoãn… Từ đó, dần dần có thể thay đổi tâm tính của con.

“Lựa chọn phương pháp phù hợp với con là điều cần thiết để giáo dục kỹ năng sống cho trẻ, không phải tự dưng mà con chống đối. Vì vậy, với những biểu hiện chống đối của con, cha mẹ cần xem lại phương pháp giáo dục của mình đã phù hợp chưa, có ‘chuyên quyền’, ‘bạo lực’ không?”, giáo viên Hoa cho biết.

Phụ huynh cần chấp nhận sự chống đối “chính đáng” của con. Bởi, chống đối không đồng nghĩa với sai. Đôi khi, con sẽ “nhạy cảm” với xu thế của thời đại hơn cha mẹ. Trẻ cũng có thể cảm thấy ngành nghề nào đấy hiện chưa được biết đến rộng rãi có thể phát triển trong tương lai và nhất định không chịu theo định hướng của cha mẹ. Trong trường hợp này, cha mẹ cần nhìn nhận lại vấn đề.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cách chia sẻ cởi mở giúp con không chống đối