Cách giúp trẻ chữa lành sau hoảng loạn, sang chấn tâm lý vì những sự kiện đau thương

Vân Anh (tổng hợp), | 16/09/2023, 12:00
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Sau những sự kiện đau thương, trẻ có thể bị sang chấn tâm lý và hoảng loạn kéo dài. Sự chia sẻ và giúp đỡ từ cha mẹ hoặc người chăm sóc là điều quan trọng để trẻ vượt qua được cảm xúc tồi tệ này.

Tuy nhiên, mỗi một độ tuổi khác nhau thì cha mẹ hoặc người chăm sóc nên có biện pháp chữa lành khác nhau.

Đối với trẻ sơ sinh và trẻ dưới 2 tuổi, người thân nên đem lại cảm giác an toàn cho trẻ bằng cách ôm ấp, vỗ về, nhẹ nhàng và đáp ứng mọi nhu cầu của trẻ. Đảm bảo chế độ ăn uống và lối sống như trước kia cho trẻ.

Đối với trẻ lớn hơn và đã đủ nhận thức, cha mẹ hoặc người chăm sóc nên thực hiện một số lời khuyên sau để giúp trẻ vượt qua được nỗi sợ hãi sau những sự kiện đau thương:

- Chữa lành cho chính bản thân mình

Trước tiên bạn phải thực hiện các bước để đối phó với căng thẳng đau thương của chính mình. Ngay cả trẻ sơ sinh cũng có thể cảm nhận được sự lo lắng và căng thẳng của cha mẹ. Do đó, nếu chính bạn căng thẳng thì sẽ không đem lại cảm giác an toàn cho trẻ.

- Giảm thiểu tiếp xúc với phương tiện truyền thông

Những đứa trẻ phải trải qua một sự kiện đau thương sẽ bị tổn thương nặng nề hơn khi thấy các thông tin trên phương tiện truyền thông. Vì vậy, cha mẹ hoặc người chăm sóc nên hạn chế cho con bạn tiếp xúc với phương tiện truyền thông về sự kiện đau thương đó, đặc biệt tránh để con xem được hình ảnh hoặc video, vì các loại hình này sẽ đem lại cảm giác đau thương mạnh mẽ hơn.

Nhưng để trẻ dần dần hiểu và thích nghi nếu chẳng may xem được các sự kiện, cha mẹ hoặc người chăm sóc cũng có thể cùng con đọc bản tin về sự kiện đó nhưng hãy trấn an và đem lại cho trẻ cảm giác an toàn.

Cách giúp trẻ chữa lành sau hoảng loạn, sang chấn tâm lý vì những sự kiện đau thương - Ảnh 3.

Tránh cho trẻ tiếp xúc với hình ảnh, video về sự kiện đau thương mà trẻ đã trải qua (Ảnh: Internet)

- Áp dụng liệu pháp nhận thức hành vi tập trung vào chấn thương

Trị liệu bao gồm các hoạt động trò chuyện, vui chơi và học tập để chữa lành vết thương.

+ Trò chuyện: sự chia sẻ, trò chuyện khi trẻ bị sang chấn tâm lý sau sự kiện đau thương rất quan trọng. Khi này cha mẹ hoặc người chăm sóc nên tạo những cơ hội để trẻ chia sẻ về cảm xúc của mình về những gì đã phải trải qua. Khi trò chuyện bạn không nên phán xét hay đưa ra quá nhiều ý kiến của bản thân, điều quan trọng là sự lắng nghe và thấu hiểu cho trẻ.

Tuy nhiên, nhiều trường hợp trẻ không muốn trò chuyện thì bạn không nên gượng ép, hãy thử tạo cảm giác an toàn cho trẻ trước, không nên bỏ mặc trẻ một mình trong nỗi cô đơn và sợ hãi, sau đó có thể trẻ sẽ dần mở lòng.

+ Vui chơi và học tập: Cha mẹ hoặc người chăm sóc nên cho trẻ tham gia vào các hoạt động vui chơi mà trẻ yêu thích, chẳng hạn như đá bóng, chạy nhảy, chơi cầu trượt, bơi lội... Khi vui chơi trẻ có thể nguôi ngoai nỗi sợ, sự buồn bã hay những cảm xúc tiêu cực.

Hơn nữa, các hoạt động thể chất có thể đốt cháy adrenaline, giải phóng endorphin cải thiện tâm trạng và giúp con bạn ngủ ngon hơn vào ban đêm. Những bộ môn vui chơi phải di chuyển cả tay và chân có thể giúp đánh thức hệ thần kinh của con bạn khỏi cảm giác "bế tắc" thường xảy ra sau một trải nghiệm đau thương. Vì vậy, khuyến khích trẻ hoạt động và vui chơi nhiều hơn.

Việc cho trẻ đến trường học tập với các bạn cũng sẽ giúp tinh thần của trẻ tốt hơn. Nhưng hãy đảm bảo cho trẻ quay lại trường học khi trẻ đã sẵn sàng.

Cách giúp trẻ chữa lành sau hoảng loạn, sang chấn tâm lý vì những sự kiện đau thương - Ảnh 4.

Khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động vui chơi yêu thích để cải thiện tâm trạng và không có thời gian suy nghĩ về những sự kiện đau thương (Ảnh: Internet)

- Xây dựng cho trẻ một chế độ ăn uống lành mạnh

Thức ăn mà con bạn ăn có thể có tác động sâu sắc đến tâm trạng và khả năng đối phó với căng thẳng sau chấn thương. Thực phẩm chế biến sẵn và tiện lợi, carbohydrate tinh chế, đồ uống có đường và đồ ăn nhẹ có thể tạo ra sự thay đổi tâm trạng và làm trầm trọng thêm các triệu chứng căng thẳng sau các sự kiện đau thương.

Ngược lại, ăn nhiều trái cây và rau quả tươi, protein chất lượng cao và chất béo lành mạnh, đặc biệt là axit béo omega-3, có thể giúp trẻ đối phó tốt hơn với những thăng trầm sau trải nghiệm đáng lo ngại.

Ngoài ra, khi ăn uống cả gia đình nên quây quần bên bàn ăn, đây là cơ hội lý tưởng để nói chuyện và lắng nghe trẻ mà không bị phân tâm bởi TV, điện thoại hoặc máy tính.

- Bình tĩnh và không tức giận với trẻ

Khi trẻ có những biểu hiện của hoảng loạn như tức giận, la hét, không kiểm soát được cảm xúc thì người thân nên nhẹ nhàng, để trẻ được thể hiện cảm xúc và từ từ chia sẻ với trẻ.

3. Khi nào cần gặp bác sĩ?

Thông thường, cảm giác lo lắng, hoảng loạn, bối rối, tội lỗi và tuyệt vọng của trẻ sau một cuộc khủng hoảng, thảm họa hoặc sự kiện đau thương khác sẽ bắt đầu mờ dần trong một thời gian tương đối ngắn.

Tuy nhiên, nếu phản ứng căng thẳng sau chấn thương quá mãnh liệt đến mức cản trở khả năng hoạt động của con bạn ở trường hoặc ở nhà, các triệu chứng không thuyên giảm hoặc thậm chí trở nên tồi tệ hơn theo thời gian, chẳng hạn như mất ngủ kéo dài, luôn buồn bã, ủ rũ, không muốn ăn uống... thì trẻ có thể cần sự giúp đỡ từ chuyên gia sức khỏe tâm thần.

Các dấu hiệu cảnh báo trẻ cần sự can thiệp từ chuyên hoặc bác sĩ tâm thần:

- 6 tuần từ khi gặp tổn thương đã trôi qua và trẻ vẫn không cảm thấy khá hơn chút nào.

- Trẻ gặp khó khăn trong hoạt động ở trường học, chẳng hạn ngồi im một chỗ, không tương tác với cô giáo và bạn bè, không tham gia các hoạt động vui chơi,...

- Trẻ vẫn luôn nhớ về những ký ức kinh hoàng và mơ thấy ác mộng.

- Trẻ luôn cảm thấy đau đầu, đau dạ dày hoặc rối loạn giấc ngủ.

- Trẻ ngày càng gặp khó khăn trong việc giao tiếp với bạn bè và gia đình.

- Trẻ đang có ý nghĩ tự tử.

- Trẻ ngày càng tránh né những điều khiến chúng nhớ đến sự kiện đau buồn.

Theo Phụ nữ Việt Nam
https://phunuvietnam.vn/cach-giup-tre-chua-lanh-sau-hoang-loan-sang-chan-tam-ly-vi-nhung-su-kien-dau-thuong-20230915120419246.htm
Copy Link
https://phunuvietnam.vn/cach-giup-tre-chua-lanh-sau-hoang-loan-sang-chan-tam-ly-vi-nhung-su-kien-dau-thuong-20230915120419246.htm
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cách giúp trẻ chữa lành sau hoảng loạn, sang chấn tâm lý vì những sự kiện đau thương