Cách giúp trẻ vượt qua nỗi sợ khi phải xa người thân

Kim Thoa | 03/05/2022, 07:27
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Trong rất nhiều nỗi sợ hãi vô hình đối với trẻ em nói chung, có lẽ phải cách xa người thân là điều hầu hết trẻ gặp phải.

Ảnh minh họa: INTẢnh minh họa: INT

Giúp trẻ vượt qua trạng thái tâm lý này là việc nhiều bố mẹ quan tâm, để con vững vàng trước những “bước ngoặt” phát triển.

Gốc rễ những nỗi lo

Các chuyên gia tâm lý cho rằng, nỗi sợ xa cách là giai đoạn bình thường trong quá trình phát triển cảm xúc của mỗi đứa trẻ. Hầu hết trẻ đều phải trải qua giai đoạn lo lắng về sự xa cách người thân ở một mức độ nhất định. Điều này xuất hiện ngay khi đứa trẻ nhận thức được sự quan tâm, săn sóc và cảm giác an toàn, quen thuộc bị thay đổi. Cảm giác này xuất hiện sớm với trẻ trong khoảng 6 – 7 tháng tuổi, chính là biểu hiện “biết lạ” khi tiếp xúc với những người không thường xuyên chăm sóc chúng.

Cảm giác này có thể sẽ tăng lên hay giảm đi, tùy thuộc vào cách “điều chế” của cha mẹ. Nỗi sợ xa cách người thân nếu không được khắc chế sớm, chính là căn nguyên của hàng loạt nỗi ám ảnh khác như: Sợ ma, sợ côn trùng, sợ tiếp xúc…

Theo ThS giáo dục Đào Thúy Nga (Trung tâm GD kỹ năng Cá Siêu Quậy): Nỗi sợ lớn nhất của trẻ chính là việc phải rời xa người thân. Bởi, với trẻ, những người gần gũi từ tấm bé chính là chiếc phao cứu sinh khi con cảm thấy bất ổn. Trẻ sẽ cảm thấy mình chênh vênh, cô độc khi thiếu vắng những quen thuộc hàng ngày.

ThS Đào Thúy Nga nhận định: Trong những nỗi sợ xa người thân, việc hay xảy ra nhất với trẻ chính là lần đầu tiên đến trường. Khi những người chăm sóc con từ nhỏ đột ngột “biến mất” (trong vài giờ), và một loạt những người xa lạ khác xuất hiện khiến con cảm thấy hoảng sợ vô cùng. Nỗi sợ lớn đến mức, phần lớn trẻ đi học mầm non hoặc nhà trẻ lần đầu tiên sẽ bị ốm (vài ngày hoặc vài tháng).

Cùng đó, nỗi sợ xa người thân quen thuộc nữa thường thấy ở trẻ chính là việc tập ngủ riêng. Hàng đêm được cha mẹ vỗ về, chăm chút, trẻ đã quen và phụ thuộc. Nếu thiếu hơi thở và bàn tay của cha mẹ, con sẽ cảm thấy bất an, sợ hãi. Giấc ngủ khi đó sẽ trở thành nỗi ám ảnh thay vì những giờ phút nghỉ ngơi.

Nỗi sợ xa người thân nữa mà trẻ rất sợ chính là những đám tang xảy ra trong gia đình. Khi tang gia bối rối, hầu hết mọi người không chú ý đến trẻ. Các con sẽ cảm thấy vô cùng sốc vì chưa bao giờ, cái chết lại ở gần và gây đau đớn cho con đến thế.

Chuyên gia tâm lý - diễn giả Đào Ngọc Cường (Công ty cổ phần Đào tạo đánh thức tiềm năng Việt) - cho rằng: Dõi theo những biến động tâm lý của con là cách tốt nhất giúp cha mẹ kịp thời can thiệp, ngăn chặn những chuyển biến và hậu quả xấu do những cú sốc tâm lý gây nên.

Nhận định, chính cách chăm sóc, nuôi dạy con của các bậc cha mẹ là môi trường hình thành tâm lý sợ hãi hay an tâm với hoàn cảnh của mỗi đứa trẻ, chuyên gia Đào Ngọc Cường đồng thời lưu ý cha mẹ nên đặc biệt quan tâm mục tiêu xây dựng kỹ năng tự lập cho con về cả tâm lý và hành vi. Bởi sự sợ hãi chính là biểu hiện rõ rệt nhất của những đứa trẻ thiếu tự tin và tinh thần tự lập.


Ảnh minh họa: INT.

Gỡ nút thắt tâm lý

Câu chuyện thực tế của chị Thu Anh (Cầu Giấy, Hà Nội) là kinh nghiệm cho nhiều cha mẹ trong quá trình giúp con vững vàng trước sự xa cách người thân.

Bé Sun, con trai chị Thu Anh là con đầu lòng lại ra đời sau khi bố mẹ kết hôn 5 năm nên được cả nhà cưng chiều và dành mọi ưu tiên. Cậu bé “bện hơi” mẹ đến mức không thấy mẹ là khóc mếu ngay.

“Lúc đầu, tôi thấy vui vì nghĩ con yêu mình mới thế và mọi người trong nhà thường hay dọa con nếu không ngoan mẹ sẽ đi, khiến con răm rắp làm theo mọi yêu cầu. Tuy nhiên, điều này đã gây nên hệ lụy. Mẹ đi làm trở lại khi bé được 2 tuổi là chuỗi ngày ốm vặt, khóc mếu, biếng ăn, lúc nào cũng bần thần... Tình trạng kéo dài khiến thể chất của con giảm sút. Khi đi thăm khám, bác sĩ kết luận Sun bị rối loạn lo âu, cần tập trung can thiệp để cải thiện tình hình. Lúc này, cả nhà mới ý thức được việc lấy sự xa cách ra “dọa” trẻ có tác hại lớn nhường nào”, chị Thu Anh tâm sự.

Theo ThS Đào Thúy Nga: Nỗi sợ hãi hay ám ảnh sẽ ảnh hưởng xấu tới sự phát triển tâm lý của trẻ. Bởi vậy, các bậc cha mẹ cần nhận thức rõ điều này để có những bước chuẩn bị kĩ cho con, nhằm kiềm chế tình trạng tăng nặng của khía cạnh tâm lý thiếu tích cực này.

Khi còn nhỏ, trẻ thường “bám” người trực tiếp chăm sóc chúng hàng ngày. Nếu gỡ ra đột ngột, chắc chắn khiến trẻ sốc tâm lý. Bố mẹ hãy ý thức sớm việc tạo cho trẻ môi trường không ưu ái. Tức là không tạo cơ hội cho trẻ “bám” một người trong gia đình mà thoải mái, bình đẳng với mọi người thân, tiếp xúc nhiều với những người xung quanh.

Hãy giúp trẻ hiểu, thiếu vắng người này hay người khác, mọi việc vẫn diễn ra như con đang chứng kiến. Với từng cấp độ, bố mẹ hãy tạo cho con tâm lý sẵn sàng đương đầu với những thử thách đầu tiên trong cuộc sống.

Trước khi cho con đi học lần đầu, cha mẹ hãy tạo cho con tâm lý an tâm bằng cách cho con làm quen dần với trường lớp, cô giáo, bạn bè trước khi con vào học chính thức. Việc làm quen dần sẽ giúp con dễ dàng thích nghi với bạn bè, cô giáo và môi trường mới, để con có thể nhanh chóng vượt qua những giờ không có người thân ở bên.

Nếu con sợ đến trường, cha mẹ hãy cho con được ở nhà vài tuần trước khi bắt đầu lại hành trình khám phá trường học mới của con. Những buổi chiều đến trường, chơi với bạn bè, khám phá trường lớp, làm quen với cô giáo sẽ giúp con dần bớt sợ. Sau đó, con chỉ đi học chừng 30 phút đến 1 giờ để quen dần và tăng dần lên theo từng ngày sẽ khiến nỗi sợ biến mất.

Với nỗi sợ khi bắt đầu ngủ riêng, cha mẹ hãy giúp con làm quen từ từ bằng cách cho con tập xa bố mẹ dần bằng cái giường (đệm, nệm, cũi) sát cạnh giường bố mẹ. Mỗi ngày, giường của con nên được kéo xa thêm một chút để con dần dần quen. Khi đã đủ xa, cha mẹ thiết kế thêm cái rèm để ngăn phòng dần. Có mẹo nhỏ, nhiều cha mẹ áp dụng là để chiếc áo của mẹ gần con để con cảm nhận sự gần gũi mẹ khi đang ngủ.

“Thực tế, trẻ có vô số nỗi sợ nhưng lớn nhất với các con vẫn là xa cách người thân. Nhưng cuộc sống không chỉ có hội ngộ, mà còn có cả sự chia ly. Tuyệt đối đừng lấy sự cách xa để “dọa” tâm lý trẻ. Giúp con vượt qua những nỗi sợ chia ly là điều bắt buộc các bậc cha mẹ phải làm. Đó là bài học đầu tiên về sự tự tin, để con có thể vững vàng, vui sống”. - Chuyên gia Đào Ngọc Cường
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cách giúp trẻ vượt qua nỗi sợ khi phải xa người thân