Ảnh minh họa.
Thông thường, khi trẻ tức giận, nhiều người sẽ dùng cách răn đe: “Con thử làm một lần nữa xem, bố mẹ sẽ đuổi con ra khỏi cửa”. Đây giống như một hình phạt nghiêm khắc, có tính đe dọa. Thế nhưng, điều này không chỉ làm mất lòng tự trọng và cảm giác an toàn của đứa trẻ, mà thậm chí còn dẫn đến sự phá hoại và chống trả thụ động như một sự trả thù.
TS Nguyễn Thùy Dương cho rằng, khi trẻ hay khóc thét, cáu giận, ăn vạ trước tiên nên có thái độ thông cảm, vận dụng khả năng lắng nghe để chấp nhận cảm xúc của bé.
Như khi gia đình có khách tới chơi, trẻ bị bạn khác giật đồ chơi, trẻ sẽ tức giận, muốn đánh “vị khách nhí” kia. Lúc này, điều bạn nên nói không phải là việc đổ lỗi cho trẻ không biết chia sẻ đồ chơi hoặc mắng trẻ là không ngoan, mà bạn nên chấp nhận cảm xúc tiêu cực của trẻ. Sau đó, bạn chia sẻ với trẻ về cách xử lý tình huống một cách thích hợp.
Bạn có thể nói với trẻ: “Nếu món đồ mà bố/mẹ thích bị lấy đi, bố/mẹ cũng rất tức giận. Nhưng nếu con cho bạn mượn chơi một chút, rồi bạn sẽ trả lại con mà”. Bạn cũng có thể thương lượng với trẻ như: “Tại sao con không chơi chung đồ chơi với bạn, chơi cùng nhau sẽ rất vui đấy...”.
Đôi khi, trẻ hay cau có cũng có thể do con đang lo lắng hoặc che giấu nỗi sợ nào đó. Trẻ có thể có những nỗi sợ hãi khác nhau như sợ chó, sợ bóng đêm, thậm chí sợ những người lạ.
Trường hợp này, cha mẹ cần phải cùng trẻ trải nghiệm chính những cảm xúc này và sau đó tâm sự với trẻ. Người lớn có thể nói: “Bố/mẹ biết con sợ, bố/mẹ cũng có những nỗi sợ đấy nhé. Khi chúng ta sợ hãi, ta sẽ muốn trốn trong vòng tay của bố/mẹ hoặc tìm một nơi an toàn nào đó để lẩn trốn. Tuy nhiên, có những lúc nỗi sợ là không cần thiết đâu. Ví dụ, con đã từng rất sợ việc tới trường mẫu giáo, nhưng khi tới trường, con lại thấy lớp mẫu giáo rất vui, đúng không nào....?”.