Trong số 119 người có tiếp xúc với bệnh nhân tử vong do bạch hầu tại huyện Kỳ Sơn, có 1 trường hợp đã di chuyển ra tỉnh Bắc Giang dương tính với bạch hầu.
Chiều 8/7, thông tin từ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) tỉnh Nghệ An cho biết, các cơ quan chức năng địa phương đang khẩn trương rà soát danh sách những người đã tiếp xúc với người chết vì bệnh bạch hầu trú tại huyện Kỳ Sơn.
Đến nay, đã xác định được 119 người tiếp xúc với bệnh nhân đã tử vong ở hai huyện Kỳ Sơn và Tương Dương. Trong đó, 7 người tiếp xúc gần với bệnh nhân tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Kỳ Sơn. Hai người đã di chuyển từ huyện Kỳ Sơn ra Bắc Giang, hiện một người dương tính với bạch hầu - là cô gái 18 tuổi từng ở chung phòng bệnh nhân tử vong trên, điều trị tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, Hà Nội.
(Ảnh minh họa).
CDC Nghệ An đã lấy mẫu bệnh phẩm những người tiếp xúc chuyển Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương xét nghiệm. Đội phản ứng nhanh chống dịch đã đến các địa phương nơi ghi nhận ca bệnh để chặn nguồn lây.
Những trường hợp tiếp xúc với bệnh nhân đã được cách ly, điều trị dự phòng bằng kháng sinh 7 ngày và theo dõi sức khỏe trong vòng 14 ngày kể từ khi tiếp xúc lần cuối. Ngành y tế đang rà soát tình hình tiêm chủng trên địa bàn nguy cơ để triển khai tiêm bù vaccine phòng bạch hầu.
Theo Bộ Y tế, theo thông tin từ hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, trên địa bàn tỉnh Nghệ An (huyện Kỳ Sơn) đã ghi nhận trường hợp bệnh nhân tử vong do bệnh bạch hầu và trường hợp mắc bệnh tại tỉnh Bắc Giang (huyện Hiệp Hòa) có tiếp xúc gần với trường hợp tử vong nêu trên.
Để chủ động tăng cường công tác phòng, chống bệnh bạch hầu, không để bệnh lây lan kéo dài, trên diện rộng, Bộ Y tế yêu cầu tăng cường rà soát các trường hợp tiếp xúc gần với trường hợp mắc bệnh bạch hầu; giám sát phát hiện sớm các trường hợp nghi mắc bệnh tại ổ dịch và tại cộng đồng, lấy mẫu xét nghiệm xác định kịp thời trường hợp mắc bệnh, triển khai các biện pháp xử lý triệt để ổ dịch, tổ chức điều tra và điều trị kháng sinh dự phòng cho tất cả các trường hợp tiếp xúc gần theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Đảm bảo công tác thu dung, cấp cứu, phân luồng khám, phân tuyến điều trị bệnh nhân; thiết lập khu vực riêng khám, cách ly điều trị, cấp cứu bệnh nhân, hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong; thực hiện nghiêm việc kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng chống lây nhiễm chéo tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, hạn chế việc chuyển bệnh nhân đến bệnh viện tuyến trên khi không cần thiết.
Rà soát, thống kê các đối tượng chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đầy đủ vắc xin phòng bệnh bạch hầu ở tất cả các xã, phường và tổ chức tiêm bổ sung, tiêm vét, nhất là tại các địa bàn có lưu hành bệnh bạch hầu và có tỷ lệ tiêm chủng thấp.
Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền về bệnh bạch hầu, các biện pháp phòng chống để người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh và phối hợp chặt chẽ với các đơn vị y tế trong quá trình điều trị. Tổ chức việc theo dõi chặt chẽ sức khỏe của trẻ em, học sinh, sinh viên tại các cơ sở đào tạo; thường xuyên vệ sinh, thông thoáng lớp học, thông báo kịp thời cho các cơ sở y tế khi phát hiện trường hợp nghi ngờ mắc bệnh để được cách ly, xử lý kịp thời, không để bùng phát ổ dịch.
Rà soát, đảm bảo công tác hậu cần về vắc xin, thuốc kháng sinh điều trị dự phòng, huyết thanh kháng độc tố, hóa chất… để triển khai các nhiệm vụ chống dịch; báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí kinh phí và huy động các nguồn lực hỗ trợ đảm bảo công tác hậu cần phục vụ chống dịch. Trường hợp cần thiết đề xuất nhu cầu huyết thanh kháng độc tố bạch hầu gửi Bộ Y tế (Vụ Kế hoạch - Tài chính) để thực hiện phân bổ, quản lý và sử dụng theo quy định. Huy động nhân lực hỗ trợ các khu vực có dịch, cử các đội cơ động chống dịch, đội cấp cứu lưu động hỗ trợ cho các địa phương triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh…