Qua đó, thể hiện sự chủ động, linh hoạt của các tỉnh, thành, nhất là trong bối cảnh toàn ngành Giáo dục đang thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo theo Nghị quyết 29 của Trung ương Đảng và triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Bên cạnh giải pháp trên, PGS.TS Nguyễn Vũ Lương cho rằng, để “giữ chân” đội ngũ giáo viên, tránh chảy máu chất xám nội ngành, cần có những chính sách thiết thực và hiệu quả. “Chẳng hạn như có cơ chế tôn vinh thực sự với những người tận tâm, tận hiến, nhất là giáo viên giỏi. Tức là, những cống hiến của họ cần được ghi nhận và quan tâm đúng mức” - PGS.TS Nguyễn Vũ Lương trao đổi.
Đồng quan điểm, PGS.TS Đặng Quốc Bảo – nguyên Giám đốc Học viện Quản lý Giáo dục - nhấn mạnh, trước hết cần tạo môi trường làm việc cho giáo viên, tránh những áp lực không đáng có. Nói cách khác, cần tạo điều kiện để giáo viên được sáng tạo và cống hiến. Cùng với đó, cải thiện về chế độ tiền lương, thu nhập cho đội ngũ nhà giáo.
“Muốn nâng cao chất lượng giáo dục, nhân tố đầu tiên và quan trọng nhất chính là giáo viên. Bởi vậy, cần có chính sách thấu tình đạt lý trong sắp xếp, quy hoạch, bồi dưỡng và phát triển đội ngũ này” - PGS.TS Đặng Quốc Bảo nêu quan điểm.
Nhấn mạnh đến chính sách tôn vinh nhà giáo, nguyên Giám đốc Học viện Quản lý Giáo dục nhìn nhận, đây là một trong những giải pháp căn cơ nhằm thu hút và giữ chân đội ngũ giáo viên giỏi cho ngành Giáo dục. “Thu nhập là quan trọng, nhưng không phải là yếu tố mang tính quyết định. Điều mà đội ngũ nhà giáo mong muốn là được nhìn nhận và tôn vinh xứng đáng” - PGS.TS Đặng Quốc Bảo trao đổi.
Ông Vũ Minh Đức - Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) - nhấn mạnh, chính sách đãi ngộ đối với giáo viên là động lực quan trọng để thu hút người giỏi vào học sư phạm và trở thành giáo viên. Bên cạnh đó, các chính sách của địa phương như: Hỗ trợ nhà công vụ, kinh phí, điều kiện làm việc… cũng là yếu tố quan trọng giúp thầy cô yên tâm, gắn bó với sự nghiệp “trồng người”.
“Mặc dù thời điểm này, việc thiếu giáo viên còn khá gay gắt, nhưng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương, chắc chắn trong thời gian tới, việc này sẽ được giải quyết một cách cơ bản” - ông Vũ Minh Đức tin tưởng.
Để thu hút và giữ chân giáo viên yên tâm công tác, Bộ GD&ĐT đang triển khai xây dựng và đề xuất Chính phủ thực hiện chính sách tiền lương mới theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW. Theo đó, lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng. Qua đó, thu hút và tạo động lực cho đội ngũ nhà giáo yên tâm công tác.
Bên cạnh đó, Bộ chỉ đạo các địa phương trong phạm vi thẩm quyền cần có chính sách hỗ trợ phù hợp với đội ngũ giáo viên của địa phương. Đồng thời, xây dựng chính sách và môi trường giáo dục tốt, nhằm thu hút giáo viên về công tác tại địa phương, tạo niềm tin và sự an tâm cho nhà giáo trong quá trình công tác. Cùng với đó, có chính sách khuyến khích, huy động nguồn lực xã hội chăm lo cho sự nghiệp giáo dục.
“Bộ GD&ĐT đang tích cực phối hợp với các bộ, ngành trong việc xây dựng chính sách tiền lương mới cho viên chức ngành Giáo dục. Qua đó, nhằm cải thiện chính sách tiền lương, tạo niềm tin để đội ngũ nhà giáo yên tâm công tác” – ông Vũ Minh Đức thông tin.