Hãy tỉnh thức để rọi lại những lời nói của mình hàng ngày để tu sửa sao cho để đừng nói quá hoặc nói sai sự thật.
Bữa trước, tôi biết được một nguồn thông tin khá xác tín rất xấu về một người tôi quen biết. Nếu như là 20 năm trước thì có lẽ tôi đã sốc khi nghe thông tin ấy. Tôi sẽ không giữ một mình. Sẽ kể với người thứ hai, thứ ba. Và nếu có mạng xã hội như bây giờ, có lẽ tôi cũng viết mấy dòng đại loại như “không thể tin được chuyện ấy là sự thật…”, mặc dù chưa biết đó có đúng sự thật hay không. Như thế quả chẳng tốt chút nào!
Trở lại với thông tin xấu về người tôi quen biết, thì tôi đã cố gắng quên đi chuyện ấy nhưng rồi tình cờ tôi lại được thêm người thứ hai, thứ ba xác minh. Đáng nói đó lại là những người vốn rất thân với người tôi quen biết đó. Tôi vẫn cố xem như đó vẫn chưa phải là nguồn tin chính xác.
Nhưng rồi, một hôm, tôi gặp một học trò – vô tình bạn ấy lại kể tiếp cho tôi nghe về chuyện không đáng có đó của người ấy. Bạn ấy còn cho tôi xem cả hình ảnh, tin nhắn và… Bấy giờ, dù là người khá điềm tĩnh, tôi cũng cảm thấy sốc… Nhưng liệu đó đã là đúng sự thật chưa? Hay có sự thêm bớt, thêu dệt? Hay chỉ có trực tiếp “mắt thấy tai nghe” thì đó mới là sự thật? Nhưng cuộc sống đã cho chúng ta thấy rằng, nhiều khi “thấy vậy mà không phải vậy, nghe thế mà không phải thế”…
Ngạn ngữ phương tây có câu: “Một nửa cái bánh mì vẫn là bánh mì, nhưng một nửa sự thật thì không phải là sự thật”. Ý của câu này muốn nói đến việc sự thật thì phải đầy đủ thông tin, chính xác hoàn toàn chứ không phải nửa vời. Lời nói thêm thắt bịa đặt, sai sự thật còn gọi là vọng ngữ, đó là một trong năm giới cấm chính trong Đạo Phật áp dụng cho cả phật tử xuất gia lẫn tại gia.
Hãy tỉnh thức để rọi lại những lời nói của mình hàng ngày để tu sửa sao cho để đừng nói quá hoặc nói sai sự thật. Xin đừng xem đây là chuyện nhỏ. Không những người tu hành mà ngay cả những người bình thường như chúng ta cũng cần tuyệt đối tránh nói dối hay nói sai sự thật cho dù đó chỉ là lời nói chơi với một đứa bé chưa biết gì.
Người bình thường tránh nói dối, người có uy tín cao trong xã hội, có chức quyền lại càng phải giữ lời nói thật.
Vào dịp đầu năm học mới, mạng xã hội lại đồng loạt rộ lên những câu chuyện về giáo dục. Nơi này phụ huynh đăng hình một danh sách dài dằng dặc những món thu chi đầu năm học; chỗ kia học sinh đăng clip đánh nhau. Dạo gần đây còn xuất hiện thêm xu hướng đăng clip giáo viên có hành vi không đúng chuẩn như lăng mạ, đánh mắng học sinh… khi mà tiếng trống khai giảng năm học mới vừa vang bay.
Điều đáng nói, những thông tin ấy thường chưa được kiểm chứng. Theo tâm lý đám đông, những hình ảnh, đoạn clip mang tính kích động như thế luôn thu hút đông đảo lượt xem, lượt chia sẻ.
Tâm lý bức xúc, tức giận và kéo theo đó là hành vi “đòi công lý cho bằng được” cứ thế mà lan nhanh, tạo nên những con sóng mạnh mẽ trong dư luận xã hội, bất chấp các giải trình, câu chuyện đầy đủ phía sau hình ảnh, đoạn clip ấy. Nhất là vào đầu năm học mới, thời điểm mà sự chú ý của toàn xã hội đều dành cho trường lớp, giáo viên và học sinh.
Mạng xã hội thì lại quá nhạy bén để đánh trúng tâm lý người dùng nhằm tạo ra sự tương tác khủng với những nội dung được xem là “hot”. Nếu những thông tin tiêu cực là sự thật, là chính xác thì không bàn đến làm gì nhưng nhiều thông tin là bịa tác nhằm bôi nhọ và gây mất đoàn kết, cũng có khi người đăng thông tin chỉ để tăng doanh thu bán hàng…
Trong toán học cũng đã chỉ cho ta thấy, thường một định lý (hoặc mệnh đề) nào đó nó chỉ đúng trên một miền điều kiện (gồm điều kiện ràng buộc và tập xác định). Việc mở rộng miền điều kiện (bằng cách cố tình lược bỏ đi một vài điều kiện) sẽ khiến định lý ấy không còn đúng nữa.
Tuy nhiên, trong tâm lý học người ta lại chứng minh con người có giác quan thứ 7, thứ N… Những giác quan này có thể nhìn thấu tâm can, nhìn thấu sự việc một cách không cần chứng minh. Người ta gọi là trực giác mách bảo.
Tôi từng thấy những điều trong tương lai đã thành hiện thực thông qua những… giấc mơ. Đến bây giờ, tôi vẫn không thể lý giải được vì sao nó như thế. Nếu bạn đã có trực giác ban đầu về một người nào đó là tốt hay xấu thì nên tin theo. Tin theo không phải để thù ghét mà để bao dung hoặc tránh xa.
Trở lại với thông tin ban đầu về một người tôi quen biết, sau khi tìm hiểu kĩ hơn, tôi mới vỡ ra đó chỉ là “một nửa sự thật”. Mà một nửa sự thật chưa bao giờ là sự thật. Nghĩa là vẫn có sự thêu dệt ác ý, vẫn có những mục đích “hạ bệ đối phương”.
Cuộc sống hôm nay, chất đầy thông tin. Có thể cùng một người đó, sự việc đó nhưng thông tin lại trái chiều. Bởi vậy, người tử tế bao giờ cũng kể, cung cấp thông tin đúng, khách quan. Người “nói xấu”, “bôi nhọ” dĩ nhiên chính họ đã là không tốt. Người cung cấp thông tin minh xác dĩ nhiên họ là người tốt.
Nhưng cũng phải nhớ một điều bất quy tắc rằng, thông tin đúng, khách quan nhưng gây tổn hại nghiêm trọng đến danh dự, uy tín thì chúng ta cũng cần phải cân nhắc. Nhiều khi chúng ta giấu một thông tin xấu có thể cứu được một người, nhiều người. Cũng có khi chúng ta giấu một thông tin xấu là hại một người, nhiều người. Lời nói, đọi máu. Bởi vậy, chúng ta cần thận trọng trước khi thông tin một điều gì đó.
Voltaire có một câu nói rất hay là “Hãy yêu sự thật, nhưng hãy tha thứ cho lầm lỗi”. Chúng ta cần tôn trọng sự thật nhưng cũng cần biết mở lòng bao dung để thứ tha. Như thế, xã hội mới thực sự ngày càng có nhiều yêu thương và tốt đẹp hơn.