Đêm đêm tâm hồn em tỏa sáng
Những vì sao ngời chói lung linh
Có phải thịt da em mềm mại trắng trong
Đã hóa thành những vầng mây trắng
Và ban ngày khoảng trời ngập nắng
Đi qua khoảng trời em
Vầng dương thao thức
Hỡi mặt trời hay chính trái tim em trong ngực
Soi cho tôi
Ngày hôm nay bước tiếp quãng đường dài
Qua hố bom sâu thẳm, tàn bạo – nơi những nữ thanh niên xung phong đã anh dũng hy sinh – nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ không nén được nỗi lòng. Từ niềm cảm kích, nỗi đau và cái nhìn ngưỡng mộ, nữ sĩ đã có những liên tưởng đẹp và vô cùng ý nghĩa. Nhìn những ánh sao lung linh dưới đáy nước hố bom, nhà thơ thấy đó chính là tâm hồn các chị tỏa sáng. Những vầng mây trắng kia chính là da thịt mềm mại của các chị hóa thành. Và mặt trời chính là trái tim hồng, tấm lòng son của các chị soi đường cho ta đi tiếp. Nghĩa là người con gái ấy không chết mà đã hóa thành thiên thần, đã trở thành khoảng trời quê hương. Khoảng trời trong trắng, thánh thiện, mãnh liệt một sức sống thanh xuân.
Vượt ra khỏi một con người, xác thịt – tâm hồn cô gái Trường Sơn mới đẹp làm sao! Đêm về không còn lo tối vì có em làm vì sao lung linh tỏa rạng. Cái chết hóa thành bất tử bởi em là ngôi sao, là vầng mây trắng hòa bình, là ánh dương bình minh nơi một khoảng trời ngập nắng… Cảm xúc sâu, lời thơ mới đẹp làm sao! Đạn bom của kẻ thù, sự dã man của quân xâm lược không giết được em. Các chị, các cô sống mãi với tuổi thanh xuân, bất tử trong đồng đội: “Hỡi mặt trời hay chính trái tim em trong ngực/ Soi cho tôi ngày hôm nay bước tiếp quãng đường dài”. Chính tâm hồn trong sáng mộng mơ, tinh thần dũng cảm, dù gian khổ, hiểm nguy mà luôn lạc quan, trẻ trung… đã trở thành sức mạnh của chủ nghĩa anh hùng, của hùng thiêng dân tộc. Vâng, những nữ thanh niên xung phong không của một thời mà của muôn đời, hóa thân vào quê hương đất nước trong sự vĩnh hằng của thiên nhiên và trong cuộc đời của những người đang sống
Tên con đường là tên em gửi lại
Cái chết em xanh khoảng trời con gái
Tôi soi lòng mình vào trong cuộc sống của em
Gương mặt em bạn bè tôi không biết
Nên mỗi người có gương mặt em riêng
Bài thơ là câu chuyện. Một câu chuyện được kể lại bằng giọng thơ tâm tình thiết tha cảm động. Nhà thơ hóa thân vào nhân vật để thủ thỉ, bộc bạch. Câu thơ tự nhiên, được cất lên từ nỗi đau, từ niềm xúc động và từ thái độ ngưỡng mộ, tôn kính, tự hào. Đặc biệt, Lâm Thị Mỹ Dạ xây dựng những hình ảnh giàu sức liên tưởng tuyệt đẹp, so sánh nối tiếp nhau, bổ sung nhau nhằm vừa bày tỏ cảm xúc vừa tôn vinh vẻ đẹp tâm hồn, khát vọng, lý tưởng của sức trẻ tuổi thanh xuân. Nỗi đau và niềm khâm phục, nghĩ suy về sự sống và cái chết… đan quyện vào nhau làm nên tứ thơ vừa lắng sâu, vừa bay bổng. Cái chết ấy hóa thành bất tử, soi sáng để thế hệ trẻ hôm nay tiếp bước.