Để có con, anh Hoà đến bệnh viện và được bác sỹ chỉ định làm kỹ thuật Micro-TESE tìm tinh trùng. Khá bất ngờ vì ngay lần đầu tiên vi phẫu, bác sỹ tìm được “con giống” để làm IVF cho anh chị. Nhưng cũng phải tới lần thứ 2 chuyển phôi, chị Lâm mới đậu thai.
“Ngày thử kết quả beta - hCG tim tôi như ngừng đập, như một phép màu, kết quả báo tôi có thai. Lúc đó 2 vợ chồng tôi ngỡ mình trúng số độc đắc” - chị Lâm nói.
Ngày 8/5/2023, bé Súp - trái ngọt của vợ chồng anh chị chào đời nặng 3,8kg trong niềm vui mừng của gia đình.
Theo ThS.BS Hà Ngọc Mạnh, Phó Giám đốc Bệnh viện Chuyên khoa Nam học và Hiếm muộn Việt Bỉ, đây không phải là những ca bệnh đầu tiên bệnh viện can thiệp cho người chồng bị liệt tủy, nhưng hầu hết các cặp đôi này khá đặc biệt, vì cả hai đều khuyết tật, hoàn cảnh kinh tế vô cùng khó khăn. Bệnh viện hỗ trợ cả về tinh thần và vật chất để họ đón được em bé khỏe mạnh.
Là người đồng hành giúp các cặp vợ chồng khuyết tật trên hành trình “tìm con”, bác sỹ Luyện Thị Ngọc Dung, khoa Sản phụ Hiếm muộn, Bệnh viện Chuyên khoa Nam học và Hiếm muộn Việt-Bỉ cho biết, đa phần các cặp đôi khuyết tật đến với bệnh viện đều có bệnh nền như viêm màng não, huyết áp cao, tiền sử động kinh nên các bác sỹ cũng đắn đo suy nghĩ rất nhiều.
Theo chuyên gia hỗ trợ sinh sản, người khuyết tật họ phải vượt qua rất nhiều rào cản từ tâm lý cá nhân, gánh nặng kinh tế, điều tiếng xã hội… Chính vì thế, để có được thành quả như hiện tại, các cặp đôi đã phải rất quyết tâm và kiên trì.