Đầu năm học 2022 - 2023, Trường THPT chuyên Phan Ngọc Hiển (tỉnh Cà Mau) ban hành nội quy mới với 8 điều.

Trong đó, Điều 4 quy định cho phép học sinh thoa son (không đậm, lòe loẹt) và nhuộm tóc (không khác biệt, nổi bật) đến trường. Quy định trên được học sinh hồ hởi đón nhận nhưng lại gây ra ý kiến trái chiều từ phía phụ huynh cũng như cộng đồng mạng.

Phần lớn nói… không

Mới đây, trên mạng xã hội dấy lên những tranh cãi về việc nhiều trường đưa ra quy định không cho phép học sinh đến trường được trang điểm lòe loẹt hay nhuộm tóc. Là nhà giáo gắn bó với giáo dục nhiều năm, TS Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý giáo dục Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng GD Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) - cho rằng, dù điều này chưa được Bộ GD&ĐT đưa vào trong Điều lệ trường THCS-THPT kèm theo Thông tư 32/2020 nhưng các trường vẫn có những quy định riêng.

Thầy Lâm cho biết, môi trường giáo dục luôn cần tạo ra sự bình đẳng. Việc học sinh tới trường với thái độ lễ phép, trang phục, đầu tóc lịch sự, chân phương sẽ tạo cảm giác thân thiện, hòa đồng và bình đẳng giữa các học trò.

“Tôi không chấp nhận việc học sinh tới trường mà nhuộm đầu xanh, đỏ hoặc để kiểu dáng ngoại lai, không phù hợp với tuổi học trò. Hơn nữa, dù đã được tuyên truyền nhưng ở đâu đó vẫn có hiện tượng bố mẹ cổ xúy cho con em mình nhuộm tóc, tô son môi lòe loẹt đến trường.

Nếu học sinh vi phạm, tôi sẽ nhắc nhở lần đầu. Ngày hôm sau vẫn tái diễn, nhà trường sẽ không cho em đó vào lớp học và yêu cầu phụ huynh lên làm việc. Tóc cả nam và nữ cứ để màu đen như truyền thống, có thể mặc quần áo đồng phục của nhà trường hoặc không tùy thực tế mỗi nơi sẽ rất đẹp” – TS Nguyễn Tùng Lâm nhấn mạnh.

Là ngôi trường có hơn 2.000 học sinh theo học, Trường THPT Hoàng Văn Thụ (Hoàng Mai, Hà Nội) đã và đang thực hiện nghiêm quy định cấm học sinh nhuộm tóc khi đi học. Thầy Hiệu trưởng Nguyễn Minh Phi cho hay, từ nhiều năm nay, nhà trường xây dựng nội quy, quy chế hoạt động của mình. Trong đó, nhà trường quy định học sinh khi đến trường không được phép nhuộm tóc hay tô son phấn quá màu mè.

Theo thầy Phi, điều này được đa số bậc phụ huynh đồng tình, ủng hộ. Sau khi tốt nghiệp ra trường và đi làm rồi, các em có thể tự do làm điều mình thích. Ở lứa tuổi học sinh nên tập trung học hành, không nên quá để tâm vào chăm chút ngoại hình mà xao nhãng việc học.

Cấm hay không? ảnh 1

TS Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý giáo dục Hà Nội.

Linh hoạt hay cứng nhắc?

Là ngôi trường có truyền thống hơn 30 năm với phương châm đặc biệt để giáo dục học sinh, Trường THCS-THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) đã đưa vào nội quy những điều học sinh không được làm. Cô Văn Thùy Dương - Phó Hiệu trưởng nhà trường - cho biết, việc không cho học sinh trang điểm cũng là bảo vệ các em. Nhà trường đang có kế hoạch mời bác sĩ chuyên khoa Da liễu về trường để nói chuyện cùng học sinh vì vấn đề bảo vệ da rất cần thiết. Khi có làn da khỏe mạnh đã chiếm tới 50% sự tự tin, xinh đẹp của các em nữ.

Về mái tóc, cô Dương cho rằng, học sinh chỉ nên để tóc đen khi tới trường. “Chúng tôi có quy định rất rõ việc ăn mặc, màu tóc khi đến trường của học sinh” – cô Văn Thùy Dương nhấn mạnh.

Theo quy định của Trường Lương Thế Vinh, khi đến trường học sinh phải mặc đúng đồng phục, không đi dép lê, dép quai hậu xỏ ngón, giày cao gót. Nam sinh không được để tóc dài, nữ sinh không để những kiểu đầu tóc thời trang, không nhuộm tóc. Học sinh ra vào trường phải quẹt thẻ, nếu quá 3 lần/một kỳ không quẹt thẻ sẽ bị hạ một bậc hạnh kiểm của kỳ học đó. Học sinh vào lớp muộn quá 5 phút dù ở bất cứ tiết học nào đều không được vào lớp, các em phải lao động công ích trong suốt thời gian còn lại của tiết học đó. Học sinh cũng không đi xe máy khi chưa có bằng lái; không văng tục, gây gổ, đánh chửi bạn…

Ở một góc độ khác, thầy Nguyễn Cao Cường - Hiệu trưởng Trường THCS Thái Thịnh (Đống Đa, Hà Nội) - cho rằng, học sinh lứa tuổi THCS đang phát triển thể chất lẫn tâm sinh lý. Khi đó, da mặt hoặc môi của các em sẽ khá nhạy cảm với các loại mỹ phẩm. Trước khi nhà trường ban hành nội quy, các thầy, cô giáo đã tiến hành thảo luận với phụ huynh lẫn học sinh về việc sử dụng mỹ phẩm. Sau này khi đã đủ trưởng thành về nhận thức, các em có thể sử dụng mỹ phẩm một cách khôn ngoan và không ảnh hưởng đến sức khỏe.

“Tuy nhiên, nhà trường không quy định ‘cứng’ việc cấm học sinh sử dụng mỹ phẩm. Vào các kỳ cuộc hay hội thi văn nghệ, học sinh nữ vẫn có thể trang điểm phù hợp. Một khi thầy cô, phụ huynh cùng nhau phân tích, thống nhất và các em tự nguyện tuân thủ theo mới là điều tích cực. Nếu vi phạm, chúng ta cũng nên khuyên nhủ, vận động từ từ để các em hiểu điều gì nên và không nên, phù hợp và không phù hợp trong môi trường học đường. Các em tuân thủ nội quy trên tinh thần thấu hiểu và tự nguyện vẫn là tốt nhất” – thầy Nguyễn Cao Cường nói.

Chị Lê Thị Lan Hương có con gái học lớp 12 tại Trường THPT Việt Đức (Hoàn Kiếm, Hà Nội) đồng tình với quy định của nhà trường. “Tôi cho rằng, việc cấm các cháu nhuộm tóc là cần thiết. Tuy nhiên, học sinh nữ, việc dùng một chút son dưỡng hay kem dưỡng da nhẹ nhàng trước khi đến trường nên linh hoạt. Trừ khi các con tô son quá đậm, khác biệt hoặc nhuộm những màu tóc sặc sỡ không phù hợp với văn hóa người Việt thì nên cấm”, chị Lan Hương cho hay.

Theo giaoducthoidai.vn
Copy Link
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cấm hay không?