Với bài văn bá đạo này thì hết giấy học sinh vẫn chưa đến được trường.
Với suy nghĩ ngây ngô, thành thật, những gì học sinh tiểu học miêu tả thường đều là sự thật được các em nhìn nhận bằng đôi mắt khách quan, trong sáng. Bởi vậy mới có những bài văn về người chân thật hơn cả… chữ thật như "Bố rất cao lớn. Mỗi lần bố ôm em, em chìm trong bóng tối", "Bố hơi lười chỉ đi kiếm tiền rồi về nhà nằm ườn ra đấy" hay "Mẹ em dữ như sư tử"...
Tả người là thế, tả vật, tả cảnh cũng bá đạo không kém. Chẳng hạn, clip ghi lại "bài văn" tả con đường sau đây cũng được chia sẻ liên tục trên mạng bởi khả năng sáng tạo quá bá đạo của học sinh tiểu học.
Được biết, cậu bé này được cô giáo yêu cầu cả lớp tả con đường từ nhà đến trường. Nhưng thay vì "múa bút" với những câu từ hoa mỹ như: "Hai bên đường là hàng bạch đàn với những chiếc lá nhỏ như con mắt nhìn xuống đường. Sau hai hàng cây là cánh đồng rộng bát ngát, thẳng cánh cò bay" như bao người thì em học sinh này lại chọn cách... vẽ lại con đường với những ngã rẽ hoặc xuống dốc.
Cậu bé "nước mắt ngắn, nước mắt dài" miêu tả con đường đến trường rất ngoằn ngoèo, uốn khúc, dốc lên, dốc xuống.
Cầm "bài văn" có 1 - 0 - 2 này, cô giáo đã gọi nam sinh lên bục giảng để giải thích về "tác phẩm" của mình. Cậu bé "nước mắt ngắn, nước mắt dài" miêu tả con đường đến trường rất ngoằn ngoèo, uốn khúc, dốc lên, dốc xuống. Thậm chí, đường từ nhà đến trường còn chưa thể tả hết vì… hết giấy!
Nam sinh mếu máo tả lại con đường từ nhà đến trường
Trước lời giải thích "bất lực" của học trò, cô giáo liền động viên: "Đây là do bạn hết giấy, chứ không phải bạn không làm đâu nhé. Bây giờ cô cho tiếp một mặt bên này, bây giờ xuống vẽ chân thực từ nhà đến trường trải qua bao nhiêu con dốc".
Sau khi đoạn clip này được chia sẻ trên mạng xã hội đã nhận về nhiều lượt tương tác của cộng đồng mạng. Nhiều người được phen cười nghiêng ngả trước sự ngây ngô đáng yêu cũng như trí tưởng tượng phong phú của cậu bé. Số khác lại dành lời khen cho màn ứng xử tinh tế của cô giáo với học trò.
Trước sự "nhiệt tình" của em học sinh, cô giáo không chê bai hay la mắng, mà vẫn cổ vũ cho ý tưởng của em. Có thể sau đó cô giáo sẽ giải thích và hướng dẫn cụ thể, nhưng rõ ràng, hành động của cô trong thời điểm đó đã an ủi và động viên em rất nhiều.