Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh phản đối giáo dục từ chương, ban ơn, quyền uy.
Bác Hồ thăm Trường Thanh niên Lao động xã hội chủ nghĩa Hòa Bình ngày 17/8/1962. Ảnh: T.L/Internet |
Nhân kỷ niệm 134 năm ngày sinh nhật Bác, PGS.TS Đặng Quốc Bảo - nguyên Giám đốc Học viện Quản lý giáo dục đã có những chia sẻ để hiểu hơn tư tưởng của Người về đổi mới giáo dục, dân chủ trong trường học và khuyến học, khuyến tài.
- Nhiều năm nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh, PGS có nhận thấy, 4 trụ cột về giáo dục của UNESCO có liên quan đến tư tưởng của Người về “Học để làm việc, học để làm người”?
- Chủ tịch Hồ Chí Minh được UNESCO phong tặng là Danh nhân văn hóa thế giới. Tôi rất ấn tượng với câu nói của một nhà văn người Pháp: “Hồ Chí Minh là người thầy của văn hóa hòa bình, khoan dung”. Ở Người có sự kết hợp giữa hai nhân tố là: Hòa bình và khoan dung.
Bốn trụ cột giáo dục của UNESCO là: Học để biết; học để làm; học để chung sống, học để làm người; trong đó, trụ cột “Học để chung sống” chính là sự khoan dung - một trong hai nhân tố trong con người Bác.
Ngày 1/9/1949, khi đến thăm Trường Nguyễn Ái Quốc, Bác viết vào “sổ vàng” của nhà trường mấy chữ: “Học để làm việc, học để làm người”. Mãi đến năm 1996, UNESCO mới nêu lên bốn trụ cột về việc học như trên. Nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Trần Văn Nhung đã gửi toàn bộ tư liệu của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho UNESCO tham khảo. Có thể thấy, tư tưởng “học để làm người, học để chung sống” của Bác đã xuất hiện trước UNESCO gần nửa thế kỷ.
Ngày 3/9/1945, sau ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, Hội đồng Chính phủ họp phiên đầu tiên. Tại đây, Người nói, chúng ta chưa quen với kỹ thuật hành chính và bây giờ bắt đầu chúng ta phải thực thi kỹ thuật hành chính đó. Không sao, chúng ta sẽ vừa làm, vừa học. Chắc rằng sẽ có khuyết điểm nhưng chúng ta quyết tâm sửa chữa.
Trong suốt thời gian kháng chiến chống Mỹ, nước ta có mô hình trường vừa học vừa làm. Điển hình là Trường Thanh niên Lao động xã hội chủ nghĩa Hòa Bình. Mô hình này được Cuba học tập. Họ đã phát triển mỗi trường vừa học, vừa làm là pháo đài bảo vệ cách mạng.
Từ những dữ liệu trên cho thấy, việc học được nước ta chú trọng từ lâu. Đến thời kỳ Hồ Chí Minh, trụ cột này trở thành minh triết trong giáo dục.
PGS.TS Đặng Quốc Bảo trao đổi với phóng viên Báo Giáo dục và Thời đại. Ảnh: NVCC |
- Theo PGS, vì sao Chủ tịch Hồ Chí Minh phản đối giáo dục từ chương, ban ơn, quyền uy”?
- Giáo dục từ chương, tức là chỉ thích thi. Bác Hồ từng phê bình cách dạy như vậy chỉ tạo ra các hòm, bồ sách. Cách nói hình ảnh của Bác nhưng rất ý nghĩa, bởi theo Bác kiểu dạy học “nhồi sọ”, giáo điều sẽ không phát huy sức sáng tạo của người học.
Thi cử là cần thiết nhưng đừng biến nó thành giáo dục quyền uy, ban ơn. Cần “Học thật, thi thật, nhân tài thật” và sống thật. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh “học tốt, dạy tốt”, “làm ít, nhưng làm cho hẳn hoi”. Nếu học, dạy, quản lý cho hẳn hoi thì sẽ có những tài năng thật.
Trong “một sớm, một chiều” chúng ta khó có thể xóa bỏ được tư tưởng giáo dục khoa cử, quyền uy, ban ơn. Song từ thực tiễn đổi mới trong Chương trình GDPT 2018 và những thay đổi trong cách đánh giá học sinh chính là tín hiệu tích cực, mà điểm nhấn là Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (Nghị quyết 29).
Sau hơn 10 năm thực hiện nghị quyết này, giáo dục đã có những chuyển biến tích cực và đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần to lớn vào phát triển đất nước và quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Theo đó, hệ thống giáo dục quốc dân cơ bản được hoàn thiện theo hướng mở, liên thông giữa các cấp học, trình độ và phương thức giáo dục, đào tạo. Đặc biệt, quy mô giáo dục và mạng lưới cơ sở giáo dục phát triển, đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập suốt đời của người dân.
Đáng chú ý, toàn ngành tích cực triển khai Chương trình GDPT 2018, chuyển từ nặng truyền thụ kiến thức sang phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực học sinh. Việc triển khai một chương trình nhiều sách giáo khoa và xã hội hóa trong biên soạn, phát hành sách giáo khoa bước đầu tạo chuyển biến tích cực, sự chủ động, sáng tạo cho giáo viên, học sinh và nhà trường.
Có thể nói, Nghị quyết 29 đánh dấu bước phát triển mới về tư duy chiến lược của Đảng đối với sự nghiệp phát triển giáo dục và đào tạo; đồng thời thể hiện quyết tâm và định hướng chiến lược với giáo dục trước mắt và lâu dài.
- Theo PGS, tư tưởng về khuyến học, khuyến tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh được thể hiện thế nào?
- Tư tưởng khuyến học, khuyến tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn xuyên suốt và có giá trị cho đến bây giờ. Bác không muốn nền giáo dục từ chương và ban ơn. Bác chú trọng đến chọn người tài, đức. Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, Bác có bài thuyết trình chọn người tài, đức, với mong muốn các địa phương hiến kế cho Nhà nước chọn người tài, đức. Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt nhấn mạnh và chú trọng tài, đức về quân sự, kinh tế và ngoại giao. Đại tướng Võ Nguyên Giáp – người học trò xuất sắc của Bác là một điển hình.
- Tư tưởng, trường học phải có dân chủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh được vận dụng vào thực tiễn hiện nay ra sao?
- Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong trường phải có dân chủ nhưng trên cơ sở “thầy quý trò, trò kính thầy chứ không được cá đối bằng đầu”. Câu tục ngữ “Không thầy, đố mày làm nên”, nhưng ngày nay, cũng cần hiểu rằng “Không trò đố thầy làm nên”. Nghĩa là không có người học thì thầy dạy ai. Đó cũng là thể hiện tính dân chủ trong trường học.
Năm 1963, viết bài trên báo Nhân Dân, Bác dùng cụm từ, nhiều người thầy của chúng ta rất tận tụy, cho nên các thầy xứng đáng là sư hinh (sư là người thầy, hinh là cao quý, sư hinh tức là người thầy cao quý).
Vì vậy, nhân dịp kỷ niệm sinh 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 -19/5/2024), tôi tha thiết mong các nhà trường luôn thấm nhuần tư tưởng của Người về giáo dục, đào tạo; trong đó chú trọng đào tạo bồi dưỡng những người thầy luôn xứng đáng là “sư hinh”.
- Xin cảm ơn PGS!
“Trong đổi mới giáo dục hiện nay, đâu đó còn điểm nghẽn bởi giáo dục từ chương, quyền uy và ban ơn. Chừng nào các trường học xóa bỏ được 3 điểm nghẽn này thì đổi mới giáo dục mới thực sự hiệu quả, thành công và có giá trị”, PGS.TS Đặng Quốc Bảo nhấn mạnh.