Cảm thụ văn học: 'Viếng lăng Bác' - tâm nhang thành kính dâng Người

03/02/2024, 10:30
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng (3/2/1930 - 3/2/2024), chúng ta lại bồi hồi, xúc động nhớ về Chủ tịch Hồ Chí Minh - người sáng lập ĐCSVN.

Cả đời Người luôn mong ước và hành động để dân tộc được độc lập tự do, ai cũng có cơm ăn áo mặc và được học hành. Sự ra đi của Người khiến cho “Đời tuôn nước mắt, trời tuôn mưa” và Viễn Phương, người con miền Nam thân yêu đã viết nên thi phẩm “Viếng lăng Bác” như một nén tâm nhang dâng lên Người.

1.

Mở lối vào trang thơ, những cảm xúc miên man khi đặt chân đến lăng Bác, nhà thơ dường như mang cả tình cảm của toàn miền Nam đến với người “Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác”. Câu thơ mở đầu như một lời thông báo giản dị mà chứa đựng bao tình cảm thân thương. Cách xưng hô “Con - Bác”, vừa thể hiện tình cảm, vừa thành kính, gần gũi, thân thiết như một người con đi xa lâu ngày nay được trở về gặp lại người cha già kính yêu.

Như vậy, giữa lãnh tụ và quần chúng không có khoảng cách. Bởi vì trong tâm mọi người, Bác là người cha kính yêu: “Người là Cha, là Bác, là Anh/ Quả tim lớn lọc trăm dòng máu nhỏ” (Sáng tháng năm - Tố Hữu). Cả đời làm cách mạng, một trong những niềm đau đáu của Bác chính là “Bác nhớ miền Nam nỗi nhớ nhà/ Miền Nam mong Bác nỗi mong cha”(Tố Hữu).

Dùng động từ “thăm” thay cho từ “viếng”, làm vơi bớt đi nỗi đau đớn và ẩn sau trong đáy lòng mỗi người con miền Nam: Bác vẫn còn sống. Nhịp thơ 2/2/2/2 cùng giọng thơ chân thành, cảm xúc da diết càng làm chúng ta thêm nhói đau, thiết tha dù mới chỉ ở dòng thơ đầu tiên.

Cụm từ “Con ở miền Nam”, không chỉ nói đến khoảng cách địa lí mà còn muốn nói tới một chặng đường bao nhiêu năm chiến đấu hi sinh mới có được ngày hôm nay. Theo gót chân, hình ảnh đầu tiên và cũng là hình ảnh ấn tượng đậm nét của tác giả khi đứng trước hàng tre: “Đã thấy trong sương… đứng thẳng hàng”.

Trong cái nhìn xúc động của tác giả hình ảnh hàng tre vừa mang nghĩa thực vừa mang nghĩa biểu tượng. Tả thực là loài cây quen thuộc của mỗi làng quê Việt Nam. Biểu tượng là hình ảnh ẩn dụ cho con người Việt Nam với bao phẩm chất tốt đẹp: Bền bỉ, kiên cường, hiên ngang trước mọi khó khăn, thử thách. Hàng tre mang màu đất nước đại diện cho dân tộc luôn trung thành gắn bó, canh giấc ngủ bình yên cho Người.

Từ cảm thán “ôi” biểu thị niềm xúc động xen lẫn tự hào trước hàng tre. Với biện pháp ẩn dụ hàng tre bát ngát xanh tươi trải rộng bên lăng như những hàng quân canh giữ dù “bão táp mưa sa” vẫn chở che giấc ngủ của Bác. Hình ảnh hàng tre là khúc dạo đầu nói lên niềm xúc động bồi hồi của nhà thơ khi đến bên lăng Bác.

2.

Sau cái nhìn toàn cảnh lăng Bác, nhà thơ chợt nhận ra không chỉ riêng mình đến thăm Bác mà hàng hàng lớp lớp những người con Việt Nam cũng đang khát khao được một lần vào nhìn thấy hình ảnh thân thương của người cha già của dân tộc. Khổ thơ thứ hai được tạo nên từ cặp câu với những hình ảnh thực và ẩn dụ sóng đôi. “Mặt trời” một là Mặt trời thiên nhiên soi sáng không gian và mang lại sự sống cho muôn loài.

“Mặt trời” hai là hình ảnh liên tưởng ẩn dụ để chỉ Bác. Bác là người mang đến ánh sáng cách mạng, đem đến cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Mặt trời thiên nhiên được nhân hóa với hai hành động: Ngày ngày vận hành trong vũ trụ “đi qua” và “nhìn thấy” Mặt trời Bác Hồ. Mặt trời thiên nhiên - một thiên thể kì vĩ bậc nhất trong vũ trụ hàng ngày vẫn chiêm ngưỡng và thán phục Mặt trời Bác Hồ “trong lăng rất đỏ”.

Chi tiết đặc tả “rất đỏ”, gợi trái tim đầy nhiệt huyết vì Tổ quốc, vì nhân dân - trái tim yêu thương vô hạn của Bác. Màu đỏ ấy làm ấm lại khung cảnh đau thương. Các hình ảnh ẩn dụ độc đáo vừa ca ngợi sự vĩ đại, bất tử của Bác vừa thể hiện lòng tôn kính, ngưỡng mộ, tự hào, biết ơn đối với Bác. Tương đồng trong cảm xúc, ta bắt gặp trong thơ Tố Hữu “Bác ơi! Tim Bác mênh mông thế/ Ôm cả non sông mọi kiếp người”.

Cùng với Mặt trời đi qua trên lăng là dòng người đi trong thương nhớ và trong đó, có Viễn Phương “Ngày ngày… mùa xuân”. Điệp từ: “ngày ngày” vừa gợi ấn tượng về cõi trường sinh vĩnh viễn, vừa gợi tấm lòng của nhân dân không nguôi nhớ Bác. Hình ảnh “dòng người đi trong thương nhớ”, là hình ảnh thực gợi tả ngày ngày từng dòng người vào lăng viếng Bác trong niềm xúc động, tiếc thương.

“Người là hoa của đất” - hình ảnh “tràng hoa” là hình ảnh ẩn dụ để chỉ mỗi người vào lăng viếng Bác tự họ đã là một bông hoa kết thành một tràng hoa dài vô tận để dâng lên Người những gì tốt đẹp nhất. Bởi cuộc đời của họ đã được nở hoa dưới ánh sáng Cách mạng của Người. Còn “Bảy mươi chín mùa xuân” là hình ảnh hoán dụ mang ý nghĩa tượng trưng: con người bảy mươi chín mùa xuân ấy đã sống một cuộc đời đẹp như những mùa xuân và làm nên những mùa xuân cho đất nước cho cuộc đời.

Ngôi nhà sàn đơn sơ trong Phủ Chủ tịch, nằm cạnh vườn cây, ao cá được xây dựng theo tâm nguyện của Bác.
Ngôi nhà sàn đơn sơ trong Phủ Chủ tịch, nằm cạnh vườn cây, ao cá được xây dựng theo tâm nguyện của Bác.

3.

Bước vào trong lăng, cảm xúc nghẹn ngào khi Viễn Phương được nhìn thấy Bác “Bác nằm trong… dịu hiền”. Giấc ngủ của Bác là giấc ngủ giữa vầng trăng, giấc ngủ đêm bình thường chứ không phải là giấc ngủ vĩnh viễn. Bác như còn sống mãi cùng chúng ta. Giấc ngủ của Bác “bình yên” trong niềm yêu thương của con người và tạo vật, giữa ánh sáng dịu dàng của vầng trăng, trăng và người từng là tri kỉ.

Cách nói giảm nói tránh “nằm trong giấc ngủ” cùng với ánh sáng dịu nhẹ bên trong lăng càng làm cho người đọc nhói lòng, đau đớn. Nhà thơ đã sáng tạo ra một hệ thống hình ảnh vũ trụ để ví với Bác. Hình ảnh “vầng trăng” gợi cho ta nghĩ đến vẻ đẹp tâm hồn trong sáng, thanh cao của Bác. Cảm xúc ngưỡng mộ như lắng xuống nhường chỗ cho nỗi đau trào dâng không thể kìm nén.

“Vẫn biết trời xanh… nghe nhói ở trong tim”. Hình ảnh ẩn dụ “trời xanh” là hình ảnh của vũ trụ kì vĩ, vĩnh hằng, ẩn dụ gợi những suy ngẫm về cái vĩ đại, cao cả, bất diệt. Bác còn sống mãi với non sông, đất nước như trời xanh còn mãi trên đầu. Người đã hóa thân vào thiên nhiên, đất nước dân tộc.

Sự nghiệp của Người là bất tử. Dù lí trí đã khẳng định như vậy nhưng tình cảm xót thương không thể chấp nhận thực tế mất mát vẫn khiến trái tim “nghe nhói”. Đó là nỗi đau vô hạn, xót thương rất thật. Lời thơ như tiếng khóc nghẹn ngào của đứa con về muộn bên di hài của người cha. Bằng một giọng thơ nhẹ nhàng, lời thơ diễn tả nhiều cung bậc cảm xúc chân thực, tinh tế, tự nhiên mà Viễn Phương đã dành cho Bác.

4.

Đến giờ phút chia tay, sắp phải trở về miền Nam, nhà thơ trào dâng niềm cảm xúc. Lòng thương nhớ bấy lâu nay đã vỡ òa trong tiếng khóc nghẹn ngào: “Mai về miền Nam thương trào nước mắt”. Câu thơ như một lời giã biệt, cụm từ cảm thán “thương trào nước mắt”, cho ta thấy đây là những giọt nước mắt của nhớ thương, khao khát muốn ở lại bên lăng Bác. Nhà thơ lưu luyến chẳng muốn chia xa. Từ “trào” diễn tả cảm xúc thật mãnh liệt, luyến tiếc, bịn rịn. Đó là tình cảm của muôn triệu con tim bé nhỏ cùng chung nỗi đau mất Bác.

Tình cảm ấy đã chấp cánh cho ước mơ được hóa thân, hòa nhập vào cảnh vật ở lăng Bác: “Muốn làm con chim… chốn này”. Điệp từ “muốn làm” kết hợp với phép liệt kê hình ảnh đứng sau đó tạo nhịp thơ dồn dập, diễn tả tình cảm tha thiết, khát vọng trào dâng mãnh liệt và ước nguyện chân thành của nhà thơ nói riêng, của mọi người nói chung.

Muốn làm “con chim” để mang tiếng hót líu lo góp cho đời thanh âm trong trẻo, rộn vang. Muốn làm “đóa hoa” tỏa hương thơm ngát, rực rỡ muôn sắc màu làm đẹp quanh lăng Bác. Hay chỉ giản dị là muốn làm “cây tre” “trung với nước, hiếu với dân” như lời của Bác đã từng dạy nhân dân. Ở đây hình ảnh cây tre lặp lại khổ đầu tạo nên kết cấu đầu cuối tương ứng nhưng mang thêm ý nghĩa mới, tạo ấn tượng.

Hình ảnh ẩn dụ này thể hiện lòng kính yêu và ước nguyện thủy chung tiếp tục đi theo con đường, lí tưởng cách mạng mà Bác đã chọn cho dân tộc. Bài thơ khép lại trong sự xa cách về không gian nhưng lại tạo được sự gần gũi trong ý chí, tình cảm. Đó cũng chính là tình cảm của mỗi người con đối với Bác.

5.

Bài thơ được phối kết bởi nhiều yếu tố nghệ thuật đặc sắc. Mạch cảm xúc vận động theo trình tự vừa có sự đan cài không gian: Ngoài - trong lăng và ra về vừa rõ về thời gian: Sáng – trưa - chiều. Nhưng thời gian trong tưởng niệm là thời gian vĩnh viễn của tâm hồn, của vũ trụ. Thể thơ 8 chữ nhưng có sự linh hoạt hợp kết với câu thơ 7 chữ, 9 chữ.

Nhịp điệu thơ chậm rãi, nhẹ nhàng xuất phát từ giọng điệu chi phối: Vừa trang nghiêm, sâu lắng vừa xót xa, tha thiết lại chan chứa niềm tin và lòng tự hào, thể hiện đúng tâm trạng bộn bề, xúc động dâng trào của nhà thơ. Và một nét vô cùng đặc sắc, nổi bật của bài thơ chính là sự sáng tạo hàng loạt hình ảnh vừa cụ thể, xác thực vừa giàu ý nghĩa biểu tượng, có sức khái quát cao.

Đó là một hệ thống hình ảnh ẩn dụ gắn với thiên nhiên vũ trụ: Hàng tre, Mặt trời, vầng trăng, trời xanh,…Tuy là quen thuộc gần gũi nhưng đã được nhà thơ, trong một hệ thống biểu tượng, hòa kết với những cái bình thường: Con chim, đóa hoa cùng với cảm xúc chân thành, tha thiết làm cho dư vị bài thơ lan tỏa.

Viết về hình tượng Bác Hồ luôn là nguồn cảm hứng bất tận và có nhiều bài thơ hay, trong đó, Viếng lăng Bác của nhà thơ Viễn Phương có một vị trí xứng đáng, góp thêm vào nền văn học hiện đại Việt Nam một bản hòa âm chứa chan nhiều cung bậc, dây thanh cảm xúc phong phú. Bác đã đi xa nhưng hình ảnh của Bác vẫn sẽ trường tồn, khắc in trong tim của mỗi người dân Việt Nam với tình yêu, nỗi nhớ và niềm biết ơn vô tận.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cảm thụ văn học: 'Viếng lăng Bác' - tâm nhang thành kính dâng Người