Cần chính quyền địa phương mạnh tay quản lý nhóm lớp tư thục

24/05/2023, 06:05
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Đà Nẵng là một trong ít địa phương phát triển mạnh loại hình giáo dục mầm non ngoài công lập.

Các nhóm trẻ độc lập, tư thục hiện do chính quyền các xã, phường chịu trách nhiệm cấp phép; các trường mầm non công lập đóng chân trên địa bàn chịu trách nhiệm hỗ trợ về chuyên môn. Thế nhưng, theo cán bộ quản lý của nhiều trường mầm non, đây là một phần việc không mấy dễ dàng.

Hiệu trưởng một trường mầm non công lập tại quận Hải Châu cho biết: “Trong các buổi tập huấn, hỗ trợ chuyên môn, chủ các nhóm lớp độc lập tư thục, nhóm trẻ thường tìm rất nhiều lý do để thoái thác không tham gia. Thậm chí, đến chi phí kiểm tra y tế định kỳ cho trẻ, chủ các nhóm lớp cũng không chuyển cho trường mầm non công lập thanh toán đơn vị y tế”.

Như Trường Mầm non Hoa Ban (phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) chịu trách nhiệm hỗ trợ và quản lý chuyên môn cho 19 nhóm lớp ở trên địa bàn phường. Đây mới chỉ là những nhóm lớp được cấp phép, chưa tính đến các nhóm trẻ có quy mô nhỏ. Ban giám hiệu nhà trường nhiều lần bị các nhóm lớp từ chối không hợp tác.

Cô Lê Thị Thu Lan – Hiệu trưởng nhà trường trao đổi: “Một nhóm lớp được cấp phép hoạt động ở địa bàn quận Sơn Trà nhưng lại mở thêm chi nhánh tại địa bàn phường mà không có giấy phép. Theo phản ánh của nhiều phụ huynh thì chất lượng chăm sóc trẻ không đảm bảo, có sự nhập nhằng về học phí. Chúng tôi nhiều lần đến kiểm tra nhưng bị chủ cơ sở xuỵt chó ra đuổi. Nhà trường đã lập biên bản, kiến nghị lên UBND phường dừng hoạt động nhóm lớp này. Kèm theo đó, nhà trường khẳng định đã làm hết trách nhiệm về mặt quản lý, hỗ trợ chuyên môn đối với nhóm lớp này”. Sau đó, nhóm lớp đã chấm dứt hoạt động tại phường Hòa Cường Bắc.

Cô Thu Lan nhận xét: “Kết quả kiểm tra, giám sát các nhóm lớp độc lập tư thục, dù có phép hay không đều được nhà trường gửi về UBND phường và Phòng GD&ĐT kèm theo tham mưu hướng giải quyết. Tuy nhiên, có giải quyết triệt để hay không thì nhà trường không thể quyết định mà phải do UBND phường”.

Như trường hợp một nhóm lớp độc lập tư thục tại một phường vùng ven của quận Hải Châu, chủ nhóm lớp “khất nợ” bằng chuyên môn nhưng phường chấp nhận với lý do giải quyết việc làm cho hộ dân trong phường.

Ông Nguyễn Thanh Lịch, Trưởng phòng GD&ĐT quận Liên Chiểu cho biết, sau sự vụ không may diễn ra trên địa bàn phường Hòa Hiệp Nam, các phường rà soát, kiểm tra các nhóm trẻ còn lại và các nhóm chưa đạt chuẩn. Nếu nhóm nào không đủ điều kiện theo Thông tư 49 sẽ không được cấp phép và hoạt động. Các nhóm dưới 7 trẻ, phường không được cấp mới, động viên gia đình gửi các cháu vào các trường mầm non công lập và ngoài công lập để được chăm sóc tốt, an toàn hơn”, ông Lịch chia sẻ. Quận Liên Chiểu hiện có 141 nhóm lớp độc lập tư thục.

Ông Võ Trung Minh – Trưởng phòng GD&ĐT Sơn Trà cho rằng, việc gửi con tại các nhóm trẻ độc lập tư thục là lựa chọn của một bộ phận người dân vì phù hợp với điều kiện kinh tế, hoàn cảnh…Vấn đề là cần tăng cường hỗ trợ, quản lý, giám sát chặt chẽ hoạt động của các nhóm trẻ; phối hợp của các ngành, địa phương, đoàn thể và cả phụ huynh.

“Sở GD&ĐT Đà Nẵng phối hợp với phòng GD&ĐT các quận, huyện và chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra các nhóm lớp độc lập tư thục, nhóm trẻ để rà soát các điều kiện cơ sở vật chất, nhân sự… đảm bảo đáp ứng các điều kiện chăm sóc, nuôi dạy trẻ. Sau mỗi đợt kiểm tra, Sở đều tổ chức họp với UBND quận, huyện và có sự tham gia của đại diện UBND phường, xã để nắm tình hình và có những điều chỉnh sau đó” - bà Đặng Thị Cẩm Tú, Trưởng phòng Giáo dục Mầm non, Sở GD&ĐT Đà Nẵng cho biết.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/can-chinh-quyen-dia-phuong-manh-tay-quan-ly-nhom-lop-tu-thuc-post639874.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/can-chinh-quyen-dia-phuong-manh-tay-quan-ly-nhom-lop-tu-thuc-post639874.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cần chính quyền địa phương mạnh tay quản lý nhóm lớp tư thục