Mùa tuyển sinh 2025, các trường đại học tiếp tục nỗi lo cũ là làm sao thu hút được sinh viên vào các ngành khoa học cơ bản.
Nhiều giải pháp đã và đang được tính toán như: Bổ sung kiến thức, kỹ năng mới; triển khai các chương trình đào tạo giữa ngành đào tạo khoa học cơ bản với ngành có nhu cầu cao từ thị trường lao động; miễn giảm học phí… Có trường còn dự kiến phương án chẳng đừng là hạ điểm chuẩn cho nhóm ngành này.
Khoa học cơ bản là nền tảng cho sự phát triển bền vững. Học sinh Việt Nam có năng lực đối với lĩnh vực này. Trong các kỳ khảo sát PISA, điểm số Toán, Khoa học của học sinh nước ta rất tốt. Không những thế, trong các kỳ thi Olympic quốc tế, nhiều em đã chinh phục Huy chương Vàng các môn Toán, Vật lý, Hóa Học, Sinh học…
Thế nhưng nghịch lý là sau khi tốt nghiệp THPT lại có ít học sinh chọn các ngành khoa học cơ bản để lập thân, lập nghiệp; những em có năng lực thường chọn các ngành “hot”, nhu cầu xã hội cao để đăng ký xét tuyển. Thống kê của Bộ GD&ĐT trong các kỳ tuyển sinh gần đây cho thấy, khoa học sự sống, khoa học tự nhiên là hai trong bốn lĩnh vực tuyển sinh kém nhất.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó nguyên nhân lớn nhất do khoa học cơ bản là các ngành nghiên cứu lý thuyết, hơi xa mục tiêu thực dụng, nên học sinh không muốn theo đuổi, vì sợ ra trường khó kiếm được việc làm.
Thực tế phần lớn doanh nghiệp Việt Nam có quy mô vừa và nhỏ với nhu cầu nhân sự cho bộ phận nghiên cứu và phát triển (R&D) không cao, dẫn đến cơ hội làm việc và ứng dụng thực tiễn của các nghiên cứu khoa học cơ bản còn nhiều hạn chế. Việc thiếu thông tin về dự án và chiến lược phát triển chuyên ngành cũng khiến người học gặp khó khăn trong việc định hướng nghề nghiệp và cơ hội phát triển.
Với vai trò dẫn dắt, thời gian qua, nhiều trường đại học đã xây dựng chính sách riêng để thu hút sinh viên theo học các ngành khoa học cơ bản. Từ năm 2022, Đại học Quốc gia Hà Nội hỗ trợ sinh viên các ngành này thông qua miễn học phí, chỗ ở nội trú, hỗ trợ sinh hoạt phí, ưu tiên tham gia nghiên cứu khoa học và chương trình ươm tạo nhà khoa học, ưu tiên khi xét các học bổng khác…
Từ năm học 2022 - 2023, Đại học Quốc gia TPHCM hỗ trợ 35% học phí cho một số ngành tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn như triết học, tôn giáo học, lịch sử, địa lý, thông tin - thư viện, lưu trữ học... Gần đây, đại học này còn đề xuất miễn học phí, cấp học bổng cho sinh viên, học viên sau đại học theo học các ngành khoa học cơ bản.
Những nỗ lực của các trường đại học rất quan trọng trong bối cảnh đất nước đang đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Tuy vậy, thực tế cho thấy, việc giảm học phí hay tặng học bổng chỉ có tác dụng trong thời điểm sinh viên học, chưa mang lại hiệu quả trong việc thu hút thí sinh.
Nếu không có sự điều tiết của Nhà nước, việc tuyển sinh, đào tạo, việc làm các ngành khoa học cơ bản sẽ theo cơ chế cung cầu của thị trường, học sinh vẫn có xu hướng bỏ nhóm ngành này, theo đuổi các ngành “hot”.
Để có nguồn nhân lực đủ mạnh phát triển khoa học công nghệ, cần chính sách đồng bộ cho các ngành khoa học cơ bản, tương tự như chính sách cho ngành sư phạm để thu hút người giỏi. Cùng đó là cơ chế tạo việc làm, điều kiện làm việc, lương bổng, công tác truyền thông phù hợp.
Khi chính sách ở tầm vĩ mô đủ sức hút, tuyển sinh vào các ngành khoa học cơ bản sẽ có sự thay đổi, không chỉ có nhiều sinh viên mà còn thu hút được cả người tài. Đây là điều kiện quan trọng để đảm bảo sự phát triển vững chắc của khoa học nền tảng, từ đó đất nước mới có các công nghệ nền tảng, công nghệ mũi nhọn, tăng năng lực cạnh tranh.